Pháp muốn gì ở Trung Quốc?

Từ 5 - 7/4 vừa qua, Tổng thống Pháp đã có chuyến công du Trung Quốc.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh châu Âu và Trung Quốc đang cố gắng vượt qua những khác biệt ngày càng tăng liên quan đến ngoại giao, công nghệ.

Sau khi đến Bắc Kinh, Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh ông muốn đẩy lùi quan điểm cho rằng “có vòng xoáy căng thẳng gia tăng không thể tránh khỏi” giữa Trung Quốc và phương Tây.

Trước đó, một quan chức từ Văn phòng Tổng thống Pháp cũng cho rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tác động ngay lập tức và triệt để vào cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Quan điểm này cũng được Tổng thống Macron lặp lại trước chuyến công du. Ông bày tỏ mong muốn khởi động lại quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu với Trung Quốc nhằm thúc đẩy liên kết thương mại giữa Pháp với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Theo các chuyên gia, Paris nhận thấy Bắc Kinh có khả năng làm “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến Ukraine qua hai hướng. Một là xoay chuyển cán cân theo hướng tích cực thông qua đối ngoại về các điều kiện để chấm dứt xung đột.

Hai là theo hướng tiêu cực nếu Trung Quốc tăng cường hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho Nga. Bởi lẽ Trung Quốc có thể coi là quốc gia duy nhất mở các kênh liên lạc cho tất cả các bên trong cuộc xung đột và gây áp lực ngoại giao hiệu quả lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Liên minh châu Âu đồng thời bày tỏ hoan nghênh những sự giúp đỡ của Trung Quốc nhưng bác bỏ quan điểm cho rằng Bắc Kinh là trung gian hòa giải cho các bên.

Bên cạnh vấn đề Nga - Ukraine, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Macron trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là đổi mới quan hệ thương mại giữa hai nước sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19.

Với các mục tiêu thương mại, ông Macron đã đi cùng phái đoàn với hơn 50 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp Pháp như hãng sản xuất máy bay Airbus, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF)...

So với vấn đề Nga - Ukraine, chuyến thăm của ông Macron được kỳ vọng cao hơn vào việc đem lại các kết quả cụ thể trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Pháp.

Việc đoàn doanh nghiệp tháp tùng ông Macron cũng cho thấy Pháp gửi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng hợp tác kinh tế vẫn đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự ở Paris cũng như EU.

Cần lưu ý rằng, không phải tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu đều chia sẻ chung quan điểm với Pháp về Trung Quốc. Cùng tham gia chuyến công du của ông Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen, đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn.

“Trung Quốc có trách nhiệm dùng ảnh hưởng chính trị của mình để tác động đến cuộc chiến Ukraine. Cách Trung Quốc tiếp tục tương tác với cuộc chiến của ông Putin sẽ là yếu tố quyết định cho quan hệ EU - Trung Quốc trong tương lai”, bà Von der Leyen nhấn mạnh.

Cách tiếp cận của bà Von de Leyen được xem là theo hướng giảm thiểu rủi ro. Đây là khái niệm mới xuất hiện gần đây của châu Âu trong việc đối ngoại với Trung Quốc. Theo đó, EU sẽ tìm cách giảm nguy cơ phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc nhưng không ủng hộ cắt quan hệ với nước này.

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-muon-gi-o-trung-quoc-post633913.html