'Phao cứu sinh' của trẻ mất nguồn nuôi dưỡng: Kỳ cuối : Thắp 'lửa' yêu thương

Từ khi Nghị quyết 06 và 17 của HĐND tỉnh ra đời đã có 225/556 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng được hỗ trợ kinh phí hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng. Qua đó, không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho gia đình, địa phương nơi trẻ sinh sống mà còn thắp lên ngọn lửa yêu thương, soi đường cho trẻ vững bước trên con đường đời phía trước.

Lan tỏa giá trị nhân văn

Vợ chồng anh Hầu Mí L. và chị Vừ Thị D. ở xã Tát Ngà (Mèo Vạc) sinh được 4 người con: Hầu Mí La (sinh năm 2012), Hầu Mí Bình (2014), Hầu Thị Mai (2016) và Hầu Mí Dương (2018). Năm 2019, chị D. bỏ nhà đi biệt tích để lại 4 con thơ chỉ mới từ 1 - 7 tuổi cho anh L. nuôi dưỡng. Năm 2021, anh L. không may bị tai nạn rủi ro dẫn đến tử vong thương tâm. Éo le hơn, anh L. là con một lại sớm mồ côi bố, mẹ nên khi anh L. mất, 4 người con của anh bỗng chốc không nơi nương tựa.

Từ nguồn trợ cấp xã hội hàng tháng giúp gia đình ông Hờ Mí Dũng, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) chăm lo tốt hơn cho cuộc sống của các cháu.

Từ nguồn trợ cấp xã hội hàng tháng giúp gia đình ông Hờ Mí Dũng, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) chăm lo tốt hơn cho cuộc sống của các cháu.

Thương các cháu còn nhỏ đã mất bố, mẹ bỏ rơi, ông Hờ Mí Dũng, thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn – bác họ của L. đã đón 4 cháu về nuôi. Nhưng gia đình ông Dũng cũng là hộ cận nghèo với 6 nhân khẩu, 3 thế hệ cùng chung sống, cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào 0,7 ha ngô 1 vụ, 2 con bò và 3 con lợn. Đón thêm 4 người cháu về nuôi, cuộc sống của gia đình ông Dũng càng chồng chất khó khăn. Thế nhưng, sau gần 1 năm thực hiện hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội theo Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh, tháng 5.2024, các cháu của ông Dũng bắt đầu được hưởng chế độ theo Nghị định 20 và 76 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (750.000 đồng/tháng với trẻ từ 4 tuổi trở lên và 1.250.000 đồng/tháng đối với trẻ dưới 4 tuổi). Ngoài ra, 3 cháu La, Bình, Mai đều được hưởng chế độ ăn, ở bán trú theo quy định hiện hành, giúp các cháu yên tâm học tập, người nuôi dưỡng các cháu vơi bớt khó khăn. Khi được hỏi về cuộc sống hiện nay, cháu Hầu Mí La không giấu được sự xúc động: “Trước phải ăn mèn mén, có hôm ăn không đủ no. Bây giờ, có tiền trợ cấp hàng tháng nên nhà cháu đỡ khổ hơn nhiều rồi. Bữa cơm có thịt, có rau lại được đi học, cháu vui lắm!”.

Từ khi triển khai Nghị quyết 06 và 17 của HĐND tỉnh đến nay, toàn tỉnh đã có 225 trẻ được hưởng chế độ trợ cấp xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc, ngay sau khi được trợ giúp pháp lý, một “cánh cửa” khác mở ra, giúp trẻ vững bước trên đường đời phía trước, đó là thụ hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Cùng với đó, người giám hộ (người nuôi dưỡng) trẻ có thêm trợ cấp ổn định để chăm sóc trẻ, giảm bớt gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Đồng chí Phan Ngọc Thắng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Tổng kinh phí chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng của 225 trẻ và gia đình nuôi dưỡng lên đến gần 200 triệu đồng/tháng, trên 2 tỷ đồng mỗi năm. Hơn nữa, theo Khoản 1 và 2, Điều 5, Nghị định 20, 76 của Chính phủ, các cháu có thể được hưởng trợ cấp tối đa tới 22 tuổi. Như vậy, số kinh phí mà trẻ mất nguồn nuôi dưỡng và người giám hộ được thụ hưởng sau khi thực hiện Nghị quyết 06 và 17 có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nếu tiếp tục phát sinh đối tượng thụ hưởng.

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Lý Thị Lan cho biết: Trong điều kiện Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn; ngân sách phụ thuộc phần lớn vào T.Ư nhưng tỉnh đã trích một phần kinh phí để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội, thông qua Nghị quyết 06 và 17 của HĐND tỉnh. Đây là chính sách an sinh xã hội đặc thù của Hà Giang, thể hiện tính nhân văn sâu sắc dành cho trẻ em yếu thế. Việc triển khai các nghị quyết trên giúp trẻ em được tiếp cận với chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo quyền trẻ em, hạn chế tổn thương bởi các loại tội phạm như: Mua bán người, bắt cóc trẻ em, trộm cắp, xâm hại tình dục…

Trăn trở trước những phận đời “mắc kẹt”

Hoàn cảnh của 3 anh em Hầu Thị Chở, thôn Lèng Sảng, xã biên giới Má Lé (Đồng Văn) khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Chở sinh năm 2014, đang là học sinh lớp 5, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Ma Lé. Chở có 2 anh trai là Hầu Mí Cho (sinh năm 2009) và Hầu Mí Nhù (2011). Không may mắn như 2 anh từng được cả bố và mẹ yêu thương, Chở mồ côi bố ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Năm 2013, khi Chở đang chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc đời thì mẹ bỏ nhà ra đi, để lại 3 anh em cho bà nội nuôi.

Hầu Thị Chở, xã Má Lé (Đồng Văn) phụ giúp bà nội chăm sóc vật nuôi.

Hầu Thị Chở, xã Má Lé (Đồng Văn) phụ giúp bà nội chăm sóc vật nuôi.

Tuổi 63, những “vết chân chim” hằn sâu trên gương mặt bà Vàng Thị Máy – bà nội Chở. Có lẽ, cảnh đôi vai “gánh” 3 cuộc đời khiến gương mặt người phụ nữ dân tộc Mông ấy thêm khắc khổ. Chồng bà mất sớm, 2 con gái lấy chồng xa. Hơn 10 năm qua kể từ ngày con trai mất, con dâu lại bỏ đi biền biệt, bà Máy một mình nuôi 3 cháu nhỏ. Trước đây, 4 bà cháu ở trong căn nhà trình tường nứt nẻ, tạm bợ nhưng năm 2023, từ nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bà Máy được hỗ trợ xóa nhà tạm. Tài sản lớn nhất của 4 bà cháu là một con bò do Nhà nước hỗ trợ sinh kế. Không kìm được giọt nước mắt xúc động, bà Máy nghẹn ngào: “Sức khỏe tôi yếu, không làm được việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà nuôi 1 con bò nhốt chuồng, mấy con gà, trồng rau xanh cải thiện bữa ăn. Tiền sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc vào “viện trợ” ít ỏi do 2 con gái thỉnh thoảng gửi về; vì thế, 4 bà cháu bữa đói, bữa no”.

Thương bà nội vất vả, năm 2023, anh trai lớn của Chở là Hầu Mí Cho sau khi học hết lớp 9 đành khép lại ước mơ trở thành thầy giáo để đi làm, kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, vì chưa đủ tuổi lao động nên số tiền Cho kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống nơi đất khách, quê người; chưa dành được nhiều tiền gửi về phụ giúp bà nội và nuôi em Nhù, Chở ăn học. Thầy giáo Hoàng Văn Diễm, giáo viên chủ nhiệm của Chở cho biết: “Chở là học sinh ngoan, hiếu học. Dù không nằm trong danh sách đối tượng được hưởng bán trú theo quy định hiện hành nhưng Chở rất chuyên cần, không nghỉ học bao giờ, trừ lý do bất khả kháng. Không có xe đạp, Chở đi bộ suốt 5 năm trời. Để học 2 buổi/ngày, Chở phải đi, về 4 lượt, tương đương quãng đường gần 8 km. Nhưng không vì thế mà Chở chùn bước, bất kể ngày Hè nóng nực hay mùa Đông mưa phùn, gió bấc, Chở đều đến lớp đúng giờ”.

Rời nhà bà Máy, hình ảnh bà đưa tay gạt vội những giọt nước mắt, nói lời tâm can khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng: “Các cháu có mẹ, nhưng một năm chỉ về thăm 1 – 2 lần mà không hề đưa tiền nuôi dưỡng, không đồng quà, tấm bánh. Đêm ngủ, thấy Chở giật mình gọi “Mẹ ơi!” mà tôi đau xé tim gan. Tôi mỗi ngày một già yếu; cháu Nhù và Chở đang tuổi ăn, tuổi học mà cái nghèo thì cứ đeo bám mãi. Tôi không biết phải làm sao để cáng đáng”.

Không chỉ có hoàn cảnh của 3 anh em Chở mà hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn hơn 220 trường hợp tương tự. 100% các cháu đều mồi côi bố hoặc mẹ, người còn lại ít có mặt ở nơi cư trú. Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Đồng Văn Bùi Văn Đàm cho biết: “Thực tế, nhiều trường hợp bố/mẹ bỏ đi khỏi nơi cư trú nhưng thỉnh thoảng vẫn về thăm hoặc giữ liên lạc với các con, song không thực hiện nghĩa vụ chu cấp tiền nuôi dưỡng. Điều này khiến trẻ vốn đã mất nguồn nuôi dưỡng lại không thể thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội khi Tòa án không đủ căn cứ để làm thủ tục công bố một người mất tích, giúp các cháu hưởng trợ cấp xã hội theo quy định. Đó thực sự là một thiệt thòi rất lớn”.

Cần có thêm chính sách đặc thù

Như đã nói ở trên, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 220 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhưng không đủ điều kiện để được hỗ trợ kinh phí hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ phần lớn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng sâu, xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Điều này khiến trẻ đối diện nguy cơ bỏ học giữa chừng để mưu sinh, thậm chí đối mặt với nhiều tai, tệ nạn xã hội. Cuộc sống và tương lai của trẻ sẽ ra sao?

Thực tế trên không chỉ là sự thiệt thòi của trẻ, gánh nặng đối với gia đình người nuôi dưỡng, trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi trẻ sinh sống mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc có cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội phù hợp với trẻ em. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Nguyễn Minh Hoàng cho biết: “Khi vợ hoặc chồng chết, người còn lại bỏ đi khỏi địa phương hoặc có gia đình mới thường bỏ mặc trẻ cho người thân chăm sóc hoặc trẻ tự chăm sóc nên cuộc sống rất thiếu thốn, bấp bênh. Mặc dù đây là những trường hợp trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng không đủ điều kiện hỗ trợ kinh phí hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội (do bố hoặc mẹ thỉnh thoảng vẫn giữ liên lạc). Bởi vậy, chúng tôi đang phối hợp với các sở, ngành tham mưu trình UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho trẻ em thuộc các trường hợp trên để giúp các em giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Trăn trở trước hoàn cảnh khó khăn có thể làm “đứt đoạn” đường đến trường của học trò, thầy giáo Phạm Trọng Tâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Ma Lé, xã Má Lé (Đồng Văn) chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tỉnh có cơ chế ưu tiên tuyển sinh đối với trẻ mất nguồn nuôi dưỡng (nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ giúp xã hội) vào các trường nội trú THPT, nội trú liên cấp để hưởng chế độ học sinh nội trú hoặc được hưởng chế độ theo các trường bán trú để các em được hỗ trợ chi phí ăn, ở, học tập, yên tâm theo đuổi con chữ”. Nếu có chính sách này, anh trai của Chở như đã nói ở trên sẽ không phải bỏ học để đi làm thuê; Chở có thể ở lại trường được nuôi ăn, được chăm sóc sẽ bớt gánh nặng cho bà nội và em không phải hàng ngày đi bộ gần 8 km để đến lớp. Hay như 2 anh em Ma Văn Vũ, Ma Thị Linh ở xã Hữu Sản (Bắc Quang) không phải gác lại giấc mơ đến trường để trở thành lao động chính ở tuổi 15.

Thực tế cho thấy, vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như: Trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế, không chịu được áp lực nuôi con một mình, không chịu được cảnh nghèo khó… nên sau khi vợ hoặc chồng chết, người còn lại sẵn sàng bỏ đi khỏi nơi cư trú khiến những đứa trẻ mất nguồn nuôi dưỡng. Nhiều người trong số đó thỉnh thoảng liên lạc với con nhưng không quan tâm, chăm sóc, chu cấp tiền nuôi dưỡng. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp theo quy định của pháp luật, yêu cầu bố hoặc mẹ của trẻ chịu trách nhiệm chu cấp kinh phí nuôi dưỡng.

Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, “mầm xanh” của xã hội; bởi vậy, Nghị quyết 06 và 17 của HĐND tỉnh ra đời một lần nữa khẳng định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Tuy nhiên, trước những phận đời “mắc kẹt”, kỳ vọng T.Ư và tỉnh Hà Giang tiếp tục có thêm những chính sách an sinh xã hội phù hợp với hoàn cảnh của trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng. Qua đó, tiếp thêm động lực, lan tỏa tình yêu thương để con đường tương lai của trẻ rộng mở, tươi sáng và hạnh phúc hơn.

Bài, ảnh: NHÓM PV

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202411/phao-cuu-sinh-cua-tre-mat-nguon-nuoi-duong-ky-cuoi-thap-lua-yeu-thuong-579699f/