'Phao cứu sinh' cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tham gia BHTN, người lao động sẽ giảm bớt khó khăn trong thời gian nghỉ việc và chờ tìm kiếm việc làm mới

Sau 9 năm làm việc tại một nhà máy may ở Khu Công nghiệp Phú Bài, đầu năm 2024, chị Nguyễn Thị Ánh quyết định làm đơn nghỉ việc với lý do bị bệnh không phù hợp với nghề may phải ngồi nhiều giờ liền. Sau khi được đơn vị sử dụng lao động hướng dẫn, chị Ánh đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; đồng thời, tư vấn để tìm việc làm mới phù hợp với tình hình sức khỏe của chị. Chị Ánh chia sẻ: “Sau khi hoàn tất các thủ tục để hằng tháng đến nhận chế độ TCTN của Nhà nước, tôi còn được cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu các công việc phù hợp nên khá yên tâm để tiếp tục công việc mới”.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 123 ngàn người tham gia BHTN. Theo Luật Việc làm năm 2013, chính sách BHTN bao gồm: TCTN; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

Theo đó, tiền TCTN được chi trả hằng tháng cho NLĐ. Mỗi tháng, NLĐ thất nghiệp phải đi thông báo tình hình tìm kiếm việc làm mới được nhận tiền trợ cấp. Mức hưởng TCTN hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Trong đó, mức hưởng TCTN tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động, đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do đơn vị sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, thời gian NLĐ hưởng TCTN được xác định theo số tháng đóng BHTN, trong đó đóng BHTN đủ 12 - 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ đóng BHTN đủ thêm 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp; thời gian hưởng tối đa bằng 12 tháng. Về hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, NLĐ bị thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Về hỗ trợ học nghề, NLĐ tham gia BHTN được hỗ trợ học nghề theo nhiều hình thức, trong đó khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Lãnh đạo BHXH tỉnh cho rằng, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang đề nghị sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN, bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng BHTN. Ngoài ra, nhiều quy định về TCTN cũng được nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, như: điều kiện hưởng TCTN theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp; sửa đổi quy định về mức hưởng TCTN tối đa… theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ.

Bài, ảnh: Minh Ngọc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/phao-cuu-sinh-cho-lao-dong-that-nghiep-139719.html