Phản ứng của thế giới về quyết định hoãn thuế đối ứng

Việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày với hầu hết quốc gia, trừ Trung Quốc, đã khiến các nước thở phào, song lo ngại vẫn còn khi nhiều mức thuế cao vẫn được duy trì.

 Tổng thống Trump bất ngờ hoãn áp thuế, mở đường đàm phán với hơn 75 quốc gia. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump bất ngờ hoãn áp thuế, mở đường đàm phán với hơn 75 quốc gia. Ảnh: Reuters.

Chỉ khoảng 14 giờ sau khi chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế quan trong vòng 90 ngày đối với hầu hết đối tác thương mại - ngoại trừ Trung Quốc, quốc gia thậm chí đối mặt với mức thuế tăng vọt lên 125%.

Theo ông Trump, quyết định tạm dừng áp thuế nhằm “ghi nhận thực tế rằng đã có hơn 75 quốc gia chủ động đàm phán với Mỹ để giải quyết các bất đồng thương mại toàn cầu”. Đây được coi là bước đi bất ngờ nhưng mang tính chiến lược trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết việc tạm hoãn thuế quan không phải là bước lùi, mà là một phần trong chiến lược dài hơi của Nhà Trắng nhằm tạo điều kiện đàm phán song phương, theo Reuters.

“Chúng tôi đã nhận được hơn 75 cuộc gọi từ các quốc gia, không chỉ là hỏi han, mà là các đề nghị thực sự nghiêm túc”, ông Lutnick nói. Ông tiết lộ rằng Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định trong sáng cùng ngày, chỉ với sự hiện diện của ông và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent trong phòng.

Theo Lutnick, quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống “truthed it out” - một cách nói hài hước ám chỉ việc ông Trump sử dụng mạng xã hội Truth Social để công bố chính sách - rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán riêng rẽ với từng quốc gia.

Bộ trưởng Bessent cũng lên tiếng bảo vệ chính sách này, khẳng định: “Đây là một phần trong chiến lược của Tổng thống ngay từ đầu. Ông ấy không làm điều này vì bị áp lực, mà vì thấy đây là thời điểm thích hợp để đàm phán”.

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, nhiều nhà lãnh đạo và giới chức quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh quyết định tạm dừng thuế quan. Thủ tướng Canada Mark Carney gọi đây là “một sự hoãn lại đáng hoan nghênh đối với nền kinh tế toàn cầu”, trong khi phía Anh khẳng định sẽ “bình tĩnh và điềm đạm” tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại với Washington.

Ở châu Á, đặc phái viên thương mại cấp cao của Hàn Quốc Cheong In-kyo nhận định đây là “tin tích cực”, đồng thời nhấn mạnh cần nhanh chóng thúc đẩy các cuộc tham vấn để giảm thiểu tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại.

Tại châu Âu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp François Villeroy de Galhau đánh giá đây là “bước đầu tiên hướng đến một nền kinh tế ổn định hơn”, WSJ cho biết.

Ông Friedrich Merz - Thủ tướng tương lai của Đức - cho rằng động thái này là minh chứng cho hiệu quả của sự đoàn kết châu Âu và kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan xuyên Đại Tây Dương.

Trong khi các đối tác khác được mở lối đàm phán, Trung Quốc lại bị siết chặt hơn khi mức thuế lên hàng hóa nước này tăng mạnh lên 125%. Điều này khiến giới quan sát lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục leo thang và kéo theo rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas từ RSM US cảnh báo chính sách thuế quan thiếu ổn định có thể không đủ để ngăn chặn suy thoái. Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới lên tới 45%.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo rằng nếu cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sụt giảm tới 80%, kéo theo hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu, theo Politico.

Bà kêu gọi các quốc gia thành viên WTO cần "giải quyết thách thức này bằng tinh thần hợp tác và đối thoại thay vì đối đầu".

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/phan-ung-cua-the-gioi-ve-quyet-dinh-hoan-thue-doi-ung-post1544654.html