Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh
Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong các trường phổ thông có vai trò quan trọng, giúp cho các em học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp để có thể đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.
Giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông trong nhà trường còn giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp và chính bản thân học sinh để có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp.

Học sinh Trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì thực hành nghề hàn.
Trong những năm qua, Trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì đã và đang nỗ lực để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Nhà trường chủ động hợp tác với một số doanh nghiệp như: Công ty CP công nghệ Windtech Việt Nam, Công ty TNHH GKM trong đào tạo các nghề Cơ khí chế tạo, Hàn, Công ty Cổ phần công nghệ Windtech Việt Nam. Theo đó, học sinh sẽ được đào tạo thực tế tại các công ty từ 12 đến 13 tháng với máy móc hiện đại nhất hiện nay, được tiếp cận chương trình đào tạo chất lượng cao...
Ngoài thực hiện tốt chương trình giáo dục hướng nghiệp dạy nghề phổ thông, Nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa về kỹ năng tìm hiểu thông tin, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Đồng thời phối hợp với Trung tâm KT-TH tổ chức các “Ngày hội hướng nghiệp - tuyển sinh” hằng năm và tư vấn tuyển sinh tại các trường THCS... Qua đó, đẩy mạnh triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh đào tạo và tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, làm tốt công tác theo dõi và tư vấn giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp vào các công ty, doanh nghiệp đảm bảo có việc làm ổn định... Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng sư phạm, công nghệ thông tin và quản trị tinh gọn cho giáo viên. Nâng cao kỹ năng mềm và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Ngoài kỹ năng chuyên môn, học sinh còn được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý thời gian, văn hóa doanh nghiệp... Các hoạt động trải nghiệm, thực tập, tham quan tại doanh nghiệp giúp học sinh sớm có tâm thế nghề nghiệp vững vàng.
Thầy Vũ Xuân Thủy - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Nhà trường cùng doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cụ thể. Lấy ý kiến doanh nghiệp vào quá trình rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo hàng năm. Mời chuyên gia, kỹ sư từ doanh nghiệp giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, học sinh được trực tiếp làm thử các thao tác nghề cơ bản dưới sự hướng dẫn của giáo viên và học sinh đang theo học chương trình...”
Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông đã được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục.
Bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội đối với việc chọn nghề, chọn ngành, huy động ngày càng nhiều số lượng học sinh sau phổ thông tham gia thị trường lao động. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhu cầu lao động xã hội nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Chỉ tính trong 4 năm học gần đây từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024, các thông số đều tăng theo từng năm học. Riêng năm học 2023-2024 công tác phân luồng học sinh THCS tốt nghiệp 99,3%; học sinh vào học THPT 75,5%; học sinh học Trung tâm GDNN-GDTX, cao đẳng, trung cấp 17,6%; học sinh không tiếp tục đi học tham gia lao động 6,9%. Phân luồng học sinh sau THPT tốt nghiệp đạt 99,93%; học sinh đỗ vào đại học 52,3%; học sinh học nghề (cao đẳng, trung cấp) 10,46%; học sinh không tiếp tục đi học (tham gia lao động sản xuất) 37,24%.

Hướng dẫn học sinh Khoa kỹ thuật điện tử và tự động Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ thực hành.
Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp; mỗi cơ sở giáo dục thành lập một tổ tư vấn hướng nghiệp. Hướng dẫn các trường THCS phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện, các trường trung cấp trên địa bàn tổ chức dạy nghề phổ thông. Khuyến khích việc dạy nghề truyền thống của địa phương, dạy nghề gắn liền với sản xuất, kinh doanh...
Thông qua công tác hướng nghiệp, phân luồng... giúp học sinh đánh giá đúng hơn về phẩm chất, năng lực bản thân, từ đó có các quyết định phù hợp trong quá trình học lên cao và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phan-luong-huong-nghiep-cho-hoc-sinh-231518.htm