Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch

Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng các kế hoạch, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu giải ngân đến ngày 30/9 đạt từ 65% trở lên. Đây là mốc quan trọng, bên cạnh mốc ngày 31/12 (đạt 92% trở lên) và hết tháng 1/2023 (đạt 100%). Tới thời điểm này, các địa phương đang chạy nước rút để đạt tiến độ giải ngân theo kế hoạch.

Dự án nâng cấp đường giao thông từ thị trấn Đinh Văn đi xã Nam Hà (huyện Lâm Hà) thi công và giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ

Dự án nâng cấp đường giao thông từ thị trấn Đinh Văn đi xã Nam Hà (huyện Lâm Hà) thi công và giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến ngày 19/8, đã giải ngân chung các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh là trên 2.611 tỷ đồng (tổng vốn bố trí trên 6.287 tỷ đồng), đạt 41,5% kế hoạch, chưa đạt tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu. Trong đó, có một số địa phương, đơn vị giải ngân đạt thấp như: huyện Cát Tiên (29,7%), huyện Đạ Huoai (35,7%), huyện Đơn Dương (36,9%); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (14,8%), Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (5,7%), Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh (7,7%), Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh (23,4%)...

Tuy nhiên, đến ngày 31/8, khối lượng thực hiện của các sở, ngành, địa phương đã đạt 2.933 tỷ đồng, bằng 46,6% kế hoạch, giải ngân đạt 2.844 tỷ đồng, đạt 45,2% kế hoạch. Đồng thời, đến ngày 30/9, dự kiến khối lượng thực hiện ước đạt 3.457 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch, giải ngân đạt 3.362 tỷ đồng, đạt 53,5% kế hoạch. Nhiều địa phương phấn đấu đạt kế hoạch giải ngân từ 65% trở lên tới mốc thời gian 30/9.

Tại huyện Lâm Hà, ông Hoàng Ngọc Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng (ĐTXD&CTCC) huyện thông tin, năm 2022, tổng vốn bố trí trên 392 tỷ đồng với 44 dự án. Thống kê tới ngày 14/9 đã giải ngân trên 229 tỷ đồng, đạt 58,52% kế hoạch. Dự kiến tới ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân đạt trên 68%. Phấn đấu tới ngày 31/12 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022.

Theo ông Hoàng Ngọc Thành, với 13 dự án nguồn ngân sách tỉnh và 30 dự án nguồn ngân sách huyện, tiến độ giải ngân thanh toán khối lượng công trình về cơ bản đạt tiến độ, đạt 70 tới 75% tới ngày 30/9. Tuy nhiên, riêng công trình thuộc ngân sách Trung ương chuyển tiếp là Dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh với số vốn lớn trên 108 tỷ đồng, mới giải ngân được trên 19 tỷ đồng, đạt 17,85% kế hoạch. Trong những tháng còn lại năm 2022, với thời tiết thuận lợi, huyện Lâm Hà sẽ tập trung tổ chức các tổ công tác do lãnh đạo UBND huyện đi kiểm tra từng chủ đầu tư, tiến độ thực hiện từng dự án chậm giải ngân, đến hết năm 2022, phấn đấu giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Tại huyện Di Linh, tổng vốn đầu tư công năm 2022 là 456,642 tỷ đồng. Tới ngày 20/9, thực hiện giải ngân được 271,644 tỷ đồng, đạt 59,49% kế hoạch. Theo báo cáo của UBND huyện Di Linh, nhiều công trình đầu tư công khi triển khai trên địa bàn huyện ít nhiều đều gặp vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, khiến việc giải ngân chưa đạt so với kế hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo mục tiêu ngày 30/9 giải ngân đạt 65% kế hoạch vốn được giao, ông Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Ban Quản lý Dự án ĐTXD&CTCC huyện Di Linh cho biết, các đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, đối với các dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân dưới 60%, dự án khởi công mới có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, Ban Quản lý Dự án ĐTXD&CTCC huyện đã có báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện thủ tục rút, điều chuyển vốn cho những công trình khác có tỷ lệ giải ngân cao nhằm đảm bảo kế hoạch giải ngân đạt tiến độ chung.

Còn tại huyện Đức Trọng, theo báo cáo đến ngày 17/9, vốn đầu tư công trên địa bàn mới giải ngân hơn 362 tỷ đồng trên tổng vốn hơn 538 tỷ đồng bố trí năm 2022, đạt 51% kế hoạch. Mặc dù tỷ lệ giải ngân thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh nhưng theo đại diện Ban Quản lý Dự án ĐTXD&CTCC huyện Đức Trọng, đơn vị được giao làm chủ đầu tư khoảng 80% dự án đầu tư công trên địa bàn, thì tới ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân dự kiến sẽ tăng mạnh, đạt tỷ lệ giải ngân từ 65 - 70% kế hoạch vốn được giao năm 2022. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiến hành rà soát, đề xuất điều chỉnh, chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án.

Trước đó, trong cuộc họp về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vào tháng 8/2022, đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua đạt khá nhưng vẫn còn chậm so với kỳ vọng. Một số địa phương, sở, ngành, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp. Với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh (ngày 30/9 đạt từ 65% trở lên, đến ngày 31/12/2022 đạt từ 92% trở lên và đến ngày 30/1/2023 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư đã được bố trí cho các dự án), các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải lập tổ công tác, theo dõi hàng tuần tiến độ thực hiện từng hạng mục công trình của từng chủ đầu tư để nắm chắc tiến độ đầu tư, tiến độ giải ngân, từ đó tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời. Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Những trường hợp không giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ thì kiên quyết thu hồi phần vốn đã bố trí và không xem xét cấp lại vốn cho dự án, địa phương, đơn vị, cơ quan đó.

C.THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202209/phan-dau-giai-ngan-von-dau-tu-cong-dung-ke-hoach-3136769/