Phân công rõ người, rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06
Đây là chỉ đạo của đồng chí Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong tỉnh đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06) 8 tháng của năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh vào chiều ngày 20/8.
Trong 8 tháng qua, UBND tỉnh, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai, thực hiện quyết liệt các biện pháp để hoàn thành các nội dung nhiệm vụ Đề án theo tiến độ đề ra. Trong đó, đã tập trung triển khai làm sạch dữ liệu chuyên ngành với dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến, kiểm tra đối chiếu xác minh, cập nhật làm sạch dữ liệu đảm bảo nguồn thông tin công dân luôn “đúng, đủ, sạch, sống” nhằm phục vụ chia sẻ, kết nối; củng cố, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống để kết nối, đồng bộ, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), hệ thống định danh và xác thực điện tử với các CSDLQG, CSDL chuyên ngành.
Đến nay, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính toàn tỉnh đạt 78,25%; tỷ lệ khai thác sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa đạt 87,16% trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động và cố định đã phủ đến 100% xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp; thu thập, rà soát, đồng bộ gần 1,5 triệu nhân khẩu thường trú vào hệ thống CSDLQG về DC, cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử cho tất cả công dân đủ điều kiện, góp phần phục vụ người dân trong việc đi lại, giao dịch cũng như thực hiện cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng cho rằng, một số nhiệm vụ thực hiện còn chậm tiến độ, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Thông tin công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa đầy đủ, chính xác gây khó khăn cho công tác kết nối, chia sẻ, tích hợp thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mặt khác, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện các dự án, Đề án 06... tại một số đơn vị, địa phương, nhất là cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu công tác…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho rằng, mặc dù sở, ngành, địa phương có nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, tuy nhiên đến nay chỉ mới hoàn thành 15/63 nhiệm vụ, vẫn còn nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành tất cả chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024. Bám sát các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh để khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, tạo sự đột phá trong những tháng cuối năm.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung 5 nhóm nhiệm vụ: Pháp lý, hạ tầng, an toàn thông tin an ninh mạng, dữ liệu và nguồn nhân lực. Trong đó, rà soát hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân, căn cước, các tài khoản định danh điện tử cấp độ 2; cập nhật làm sạch dữ liệu đảm bảo luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân về ý nghĩa, mục đích tầm quan trọng của Đề án 06, góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính năm 2024, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là thực hiện thành công chủ đề năm 2024 là “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh rà soát các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh triển khai kịp thời và đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện của các sở, ngành, địa phương; tăng cường nhân lực, vật lực, phương tiện, đôn đốc các sở ngành, Tổ công tác cấp huyện, xã thu thập, cập nhật, làm sạch dữ liệu dân cư, thu nhận hồ sơ căn cước, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, cần thực hiện rà soát các dịch vụ công, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư; rà soát để đánh giá toàn diện việc vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC); thực hiện rà soát, bổ sung các điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo tiêu chuẩn của trung tâm dữ liệu quốc gia.