Phải đặt ưu tiên chất lượng lên hàng đầu

Với quan điểm dự thảo Luật trình Quốc hội 'phải thu hẹp tối đa những vấn đề khác biệt', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải được tập trung lập luận, làm rõ ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm.

Thu hẹp tối đa những vấn đề khác biệt

Trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16.11 đã chỉnh sửa thu gọn một phương án đối với 6 nội dung; 14 nội dung còn 2 phương án và 5 nội dung trong số các nội dung lớn của dự thảo Luật đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ Sáu đã được Đảng đoàn Quốc hội báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Với quan điểm trình trước Quốc hội "phải thu hẹp tối đa những vấn đề khác biệt", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, “những vấn đề gì còn khác nhau phải tập trung lập luận ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ quan điểm, đồng thời đề xuất lựa chọn phương án và thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Liên quan đến Điều 34, dự thảo Luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Cụ thể, phương án 1, loại trừ quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liên với đất thuê. Phương án 2, loại trừ quyền bán và quyền cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê; tuy nhiên, được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê là tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập tạo lập.

"Đơn vị sự nghiệp công lập dù có tự chủ vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập chứ không phải là một doanh nghiệp"; và "đã là tài sản công thì không có quyền bán, thế chấp". Nhấn mạnh quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích: “Đất sự nghiệp công lập, Nhà nước giao cho anh quản lý và sử dụng; tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản công, anh mang đi thế chấp, cuối cùng kinh doanh liên doanh, liên kết rồi vỡ nợ, ngân hàng tịch thu, mất cả đơn vị sự nghiệp công lập, mất cả bệnh viện, trường học thì làm sao?". Trong khi đó, Đảng và Nhà nước ta đã xác định, đối với y tế, giáo dục, nguồn lực của Nhà nước là quan trọng nhất, giữ vai trò chủ đạo. "Xã hội hóa tức là khai thác, chứ mở toang toác thì lấy gì để kiểm soát - rất rủi ro”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, Điều 159, dự thảo Luật đang quy định 2 phương án. Trong đó, phương án 1, quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất, nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Phương án 2, quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Ủy ban Kinh tế tha thiết quy định rõ phương pháp định giá đất như phương án 2 để bảo đảm tính công khai, minh bạch khi áp dụng. Đồng tình với phương án này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải quy định trong Luật thì "ở dưới mới làm được, mới bảo vệ được cán bộ".

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nên thống nhất một phương án về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; và nếu Chính phủ đồng ý, thống nhất thì trình một phương án: Quy định tại Luật về phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp trước Quốc hội; nếu Chính phủ còn ý kiến khác, thì làm rõ cho tường minh và trình Quốc hội quyết định.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải rất minh bạch trong phương pháp định giá đất, và "nguyên tắc là khi ban hành phải vận hành được". Thực tế, Chính phủ cũng phải ban hành Nghị định hướng dẫn về các phương pháp định giá đất, nếu "đằng nào cũng phải làm, thì đưa thẳng vào Luật".

Cái gì đã chín, đã rõ thì đưa vào Luật, chưa chín thì tiếp tục nghiên cứu

Một quan điểm nữa được Chủ tịch Quốc hội lưu ý với việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, đó là "cái gì đã chín, đã rõ thì đưa vào Luật; chưa chín, chưa đủ rõ thì tiếp tục nghiên cứu, cái gì cần thì thí điểm".

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đó, tại Điều 115, dự thảo Luật quy định về Quỹ phát triển đất. Đa số ý kiến đề nghị lựa chọn phương án 1, tức là bỏ Điều 115, nghiên cứu theo hướng ghép chức năng, nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất vào Tổ chức phát triển quỹ đất. Quỹ phát triển đất chỉ là trung gian tiếp nhận nguồn lực từ ngân sách nhà nước phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tái lập quỹ đất của Tổ chức phát triển quỹ đất.

Trong dự thảo Luật đang quy định, Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính ngoài ngân sách có nhiều nội dung khác so với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 792/NQ - UBTVQH, ngày 22.10.2014, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Việc dự thảo Luật "dự kiến sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước sẽ tạo tiền lệ làm sai lệch nguyên tắc quản lý của ngân sách nhà nước đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách". Chỉ ra điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, "lý do bỏ Điều 115 là rất chính đáng, chúng ta không thể “ép luật”, trái với Luật hiện hành thì không thể tán thành được".

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu quan điểm, “nếu Chính phủ muốn làm thì phải có Đề án thí điểm, có tổng kết, tính toán, chứ không thể quyết ngay". Quan điểm là "có đủ lý lẽ thuyết phục thì làm, chưa rõ thì làm thí điểm, chứ không đưa cứng vào Luật", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhất trí với việc bỏ quy định về Quỹ phát triển đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết thêm, theo phương án Chính phủ trình: Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, do UBND cấp tỉnh thành lập để tiếp nhận và ứng vốn phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư. Quy định này khác với Luật Đầu tư công, nếu đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ "rất khó xử và mâu thuẫn với các luật khác, đòi hỏi phải rất thận trọng".

Kết luận số 19 - KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ “việc xây dựng, ban hành Luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng”. Nhấn mạnh yêu cầu này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, điều chỉnh thời gian trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ Sáu sang kỳ họp tiếp theo để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội một cách chắc chắn, thận trọng nhất.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự luật rất hệ trọng. Để tránh trường hợp Luật sau khi ban hành có bất cập sẽ gây nhiều tác động, hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, thì sự cẩn trọng là hết sức cần thiết. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là phải đặt ưu tiên chất lượng lên hàng đầu. Trên tinh thần đó, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiêm túc tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng đầy đủ những vấn đề đã đặt ra, để có được một dự án Luật tốt nhất trình Quốc hội.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/phai-dat-uu-tien-chat-luong-len-hang-dau-i350393/