Pakistan: Yếu tố quan trọng trong xung đột biên giới Trung-Ấn

Căng thẳng Trung-Ấn đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, thậm chí khiến cả hai nước lâm vào chiến tranh vào năm 1962. Tuy nhiên, các quan sát viên nhận định rằng nguyên nhân chính của xung đột lần này không chỉ nằm ở vấn đề biên giới mà còn về lợi ích chiến lược liên quan tới một nước thứ 3: Pakistan.

Xe tải quân sự của Ấn Độ tại khu vực Jammu và Kashmir. Ảnh: AP

Căng thẳng biên giới gần đây diễn ra chỉ cách khu vực ranh giới giữa khu vực Azad Kashmir của Pakistan và vùng lãnh thổ Jammu của Ấn Độ vài trăm km. Cả hai đều thuộc khu vực "Kashmir", nơi mà cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều tranh chấp chủ quyền từ năm 1947. Pakistan và Ấn Độ hiện tại được tách ra từ Ấn Độ xưa dưới quyền đô hộ của đế quốc Anh.

Vào tháng 8 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã hủy bỏ Điều 370 của hiến pháp, cho phép các tỉnh Jammu và Kashmir lượng lớn quyền hạn độc lập và dưới quyền quản lý của New Delhi. Hành động này nhằm kiểm soát khu vực Kashmir mà Ấn Độ đang sở hữu. Pakistan gọi vùng lãnh thổ này là của họ và Ấn Độ đang chiếm đóng 1 cách bất hợp pháp.

Trung Quốc đã lên án quyết định thay đổi hiến pháp với Jammu và Kashmir khi điều này đồng nghĩa với việc ranh giới ở Ladakh giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng nằm trong vùng kiểm soát mới.

"Ấn Độ đã liên tục thách thức chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc bằng cách đơn phương thay đổi luật tại khu vực đó. Hành động này là không thể chấp nhận và sẽ không được phép thực thi", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay.

Các chuyên gia nhận định rằng hành động này được phía Bắc Kinh coi là gây hấn khi cho Ấn Độ quyền điều hành toàn bộ khu vực đang tranh chấp. "Bằng việc sát nhập các tỉnh Jammu và Kashmir vào lãnh thổ Ấn Độ, nước này đã vi phạm tới lãnh thổ khu vực Aksai Chin khi khu vực này thuộc lãnh thổ cũ của Jammu và Kashmir", Sumit Ganguly, một giáo sư chính trị học tại đại học Indiana cho hay.

Một giáo sư danh dự của đại học quốc gia Australia ở Canberra cũng đồng tình với quan điểm này, nói rằng hành động của Ấn Độ tại Kashmir là "giọt nước làm tràn ly", dẫn tới các vụ đụng độ ở thung lũng Galwan. "Thông điệp mà Chủ tịch Tập gửi ông Modi đã rất rõ ràng: ức hiếp Pakistan là một chuyện, động tới Trung Quốc lại là chuyện khác", ông nói.

Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan và nỗi lo của Ấn Độ

Đối với Trung Quốc có rất nhiều lợi ích kinh tế đang bị ảnh hưởng. Khu vực Kashmir do Pakistan quản lý là một trong những yếu tố chiến lược của hành lang kinh tế Trung-Pakistan (CPEC). Hàng loạt các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đang được triển khai tại đây và được ngân hàng Trung Quốc cấp vốn vay.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gọi CPEC là "dự án chiến lược" trong chiến dịch Một vành đai, một con đường của nước này. Ấn Độ cũng từng lên tiếng phản đối CPEC tại các cuộc gặp song phương ở các hội nghị G20.

Thủ tướng Ấn Độ từng nói rõ rằng việc CPEC bao gồm cả khu vực Kashmir đe dọa tới chủ quyền của Ấn Độ.

"Về lâu dài, trong trường hợp Ấn Độ quyết định hành động quân sự trong khu vực, việc Trung Quốc có quân đội hùng mạnh hơn ở khu vực Ladakh sẽ khiến nước này dễ dàng bảo vệ các tài sản thuộc CPEC ở khu vực Kashmir do Pakistan quản lý", giáo sư Claude Rakisits cho hay.

Tất nhiên, hành động này cũng khiến Ấn Độ phải để tâm. "Rất nhiều lực lượng quân sự bảo vệ biên giới với Pakistan đã được điều động sang khu vực biên giới với Trung Quốc", Rajesh Rajagopalan, giáo sư tại đại học Jawaharlal Nehru cho hay.

Ấn Độ hiện đang lo ngại về một khả năng phối hợp quân sự giữa Pakistan và Trung Quốc tại khu vực tranh chấp, cũng như khả năng phải đồng thời đối đầu với 2 mặt cùng vây công.

"Từ lâu, quân đội Ấn Độ đã lo ngại về một trục Trung-Pakistan và khả năng phải chiến đấu trong một cuộc chiến hai mặt trận", giáo sư Rajesh nói.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pakistan-yeu-to-quan-trong-trong-xung-dot-bien-gioi-trung-an-post84170.html