Pakistan: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với chiến lược 'ngoại giao biển xanh'
Tiếp giáp huyết mạch hàng hải Ấn Độ Dương, Pakistan nỗ lực đẩy mạnh 'ngoại giao biển xanh' để khai thác nguồn lợi biển và gia nhập dòng chảy thương mại quốc tế,
Đại dương không chỉ là môi trường sống của nhiều loài động thực vật, mà còn trở thành cầu nối liên kết vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và con người giữa các quốc gia, tạo tiền đề cho chiến lược phát triển kinh tế biển của các quốc gia.
Hiện nay, nhiều chuyên gia gắn việc phát triển kinh tế biển với nội hàm “ngoại giao biển xanh”, có nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ phát triển kinh tế biển trên cơ sở hợp tác quốc tế. Nằm ở Nam Á, tiếp giáp với biển Arab và Ấn Độ Dương, Pakistan hiện là một trong những quốc gia tiên phong đẩy mạnh chiến lược “ngoại giao biển xanh”.
Tiềm lực biển
Pakistan sở hữu đường bờ biển dài khoảng 1050km và có diện tích Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là 240.000 km2. Đặc điểm này cho phép Islamabad khai thác rộng rãi nguồn lợi biển như thủy sản và dầu khí. Riêng về thủy sản, theo tờ Modern Diplomacy, ngành này có thể phát triển hơn nữa bằng cách áp dụng các kỹ thuật đánh bắt hiện đại, nâng cao chất lượng hải sản và thúc đẩy nghề cá định hướng xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành hàng hải của Pakistan đóng vai trò mạch máu của nền kinh tế vì gần 95% thương mại và 100% khoáng sản, tài nguyên được nhập khẩu qua đường biển.
Bên cạnh đó, các cảng biển còn có ý nghĩa mật thiết với tăng trưởng kinh tế của Pakistan, nổi bật là cảng Karachi. Cảng nước sâu này có vị trí chiến lược, trải dài trên 600 dặm bờ biển từ eo biển Hormuz đến đường biên giới với Ấn Độ, một địa điểm lý tưởng để kết nối phát triển với Afghanistan, nội địa Trung Á và miền Tây Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Qasim là cảng lớn thứ hai của Pakistan, vận chuyển khoảng 40% lượng hàng hóa quốc gia và có liên kết với sáu tuyến đường sắt và đường cao tốc trong phạm vi khoảng 15 km. Hai cảng này là tiền đề để Islamabad đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải và tăng cường ngành thủy sản, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững, kiểm soát ô nhiễm biển.
Tăng cường kết nối
Hiểu rằng khai thác nguồn lực biển không chỉ là nhiệm vụ của mỗi người dân và doanh nghiệp, Pakistan còn phát huy vai trò của lực lượng Hải quân trong phục vụ chiến lược quốc gia về biển. Nhân chuyến thăm Malaysia năm 2019, Đô đốc Hải quân Pakistan Zafar Mehmood Abbasi đề xuất với đối tác rằng, thông qua liên doanh, hai nước có thể xây dựng nền kinh tế biển xanh bền vững và phát triển quan hệ hải quân bền chặt.
Ngoài ra, Pakistan còn phối hợp với Trung Quốc triển khai Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) từ năm 2013 đến nay. Đây là dự án thuộc khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), góp phần phát triển nền kinh tế Pakistan trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tăng cơ hội việc làm và đào tạo, cũng như khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh hưởng lợi khi đầu tư mạnh vào ba cảng lớn của Pakistan là Karachi, Qasim và Gwadar, giúp nước này kết nối thương mại tốt hơn với Trung Á và Trung Đông.
Hơn nữa, trong bối cảnh Ấn Độ và Mỹ đẩy mạnh tập hợp lực lượng và tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua cơ chế Bộ tứ, việc Bắc Kinh và Islamabad mở rộng hợp tác trên biển là tiền đề để hai nước cùng bảo vệ lợi ích quốc gia tại khu vực sát sườn, cũng như tạo thế cân bằng với các nước lớn khác.
Như vậy, trên cơ sở tiềm lực và nhu cầu phát triển kinh tế biển, Pakistan tranh thủ chiến lược ngoại giao biển xanh nhằm đẩy mạnh hợp tác hàng hải với các đối tác quan trọng, thông qua hệ thống cảng biển chiến lược hướng ra cửa ngõ huyết mạch Ấn Độ Dương. Nhờ vậy, Islamabad hướng tới mục tiêu không chỉ mở rộng mạng lưới hợp tác thương mại quốc tế, mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển và an ninh hàng hải của chính mình.