OpenAI sẵn sàng mua lại Google Chrome
Tại phiên tòa chống độc quyền đang diễn ra với Google ngày 22.4, đại diện OpenAI cho biết công ty này quan tâm đến việc mua lại Chrome nếu Google buộc phải bán trình duyệt này.

OpenAI ngỏ ý muốn mua lại trình duyệt Chrome nếu Google bán nó
Theo hãng tin Reuters, thông tin trên được đưa ra bởi ông Nick Turley, Giám đốc sản phẩm của ChatGPT, khi ông làm chứng tại phiên tòa do tòa án liên bang Mỹ tổ chức.
Phiên tòa là một phần trong nỗ lực của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm buộc Google thực hiện các biện pháp mạnh tay, sau khi thẩm phán Amit Mehta ra phán quyết vào năm ngoái rằng công ty này đang duy trì độc quyền bất hợp pháp trong ngành tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo liên quan.
Mặc dù hiện tại Google chưa từng có ý định bán Chrome, và tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết, nhưng khả năng này đã mở ra những viễn cảnh mới về việc tái cấu trúc thị trường tìm kiếm, lĩnh vực đang ngày càng gắn chặt với công nghệ AI tạo sinh.
Phiên tòa không chỉ xoay quanh vấn đề độc quyền mà còn hé lộ một phần của cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo giữa các tập đoàn công nghệ lớn.
Trong phần trình bày, các công tố viên bày tỏ lo ngại rằng vị thế thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm có thể mang lại lợi thế không công bằng trong cuộc đua AI, khi các sản phẩm như Gemini hay các công cụ tìm kiếm tích hợp AI mới của Google có thể tiếp tục thu hút người dùng về lại hệ sinh thái cũ.
Phản hồi lại, Google chỉ ra rằng thị trường AI đang có sự cạnh tranh sôi động với sự góp mặt của nhiều tên tuổi như Meta và Microsoft.
Một tài liệu nội bộ do phía Google công bố cho thấy, OpenAI từng không xem Google là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình trong mảng chatbot tiêu dùng, mà ngược lại còn mong muốn hợp tác.
Cụ thể, OpenAI từng tiếp cận Google vào tháng 7.2024 với đề xuất sử dụng công nghệ tìm kiếm của Google cho ChatGPT, sau khi gặp trục trặc với nhà cung cấp tìm kiếm hiện tại (được biết là Bing của Microsoft).
Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Google từ chối vào tháng 8, với lý do việc chia sẻ có thể ảnh hưởng đến sự cạnh tranh.
Tại phiên tòa, ông Turley khẳng định việc được tiếp cận API tìm kiếm của Google sẽ giúp ChatGPT cung cấp sản phẩm tốt hơn cho người dùng. "Chúng tôi tin rằng việc có nhiều đối tác, đặc biệt là API của Google, sẽ cho phép chúng tôi cung cấp một sản phẩm tốt hơn," ông trình bày trước tòa.
Theo ông Turley, nếu tòa án yêu cầu Google chia sẻ dữ liệu tìm kiếm với các đối thủ, điều này sẽ tạo ra động lực lớn giúp ChatGPT nâng cao khả năng cung cấp câu trả lời chính xác và cập nhật hơn, một yếu tố then chốt để các nền tảng AI duy trì sức cạnh tranh trong tương lai.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng OpenAI vẫn cần thêm thời gian để phát triển một hệ thống tìm kiếm độc lập đủ mạnh, có thể tự xử lý tới 80% các truy vấn từ người dùng.
Một điểm đáng chú ý khác tại phiên tòa là cáo buộc Google duy trì thế độc quyền bằng cách ký các thỏa thuận độc quyền với các hãng như Samsung, Motorola, AT&T và Verizon, qua đó khiến công cụ tìm kiếm của họ trở thành mặc định trên thiết bị Android, hạn chế cơ hội cạnh tranh cho các đối thủ.
Tuy nhiên, các tài liệu tại tòa cho thấy Google đã bắt đầu nới lỏng các thỏa thuận, cho phép tích hợp công cụ tìm kiếm và AI cạnh tranh. Google khẳng định các đối tác vẫn có thể cài đặt sản phẩm AI khác.
Dù vậy, Bộ Tư pháp Mỹ vẫn muốn tòa án đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm cấm Google trả tiền để giữ vị trí mặc định trên thiết bị.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nhip-song-so/openai-san-sang-mua-lai-google-chrome-129150.html