Ông Tập Cận Bình cảnh báo thương chiến với Mỹ sẽ 'không có người chiến thắng'
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/12 cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ sẽ 'không có bên nào chiến thắng', truyền thông nhà nước đưa tin.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ đã phát động một cuộc chiến thương mại khốc liệt với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chỉ trích hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và các hành vi "không công bằng" khác.
Ông đã cam kết sẽ áp dụng mức thuế quan cao hơn nữa đối với Trung Quốc sau khi nhậm chức vào tháng 1, ngay lúc Bắc Kinh đang phải vật lộn với quá trình phục hồi kinh tế không ổn định sau đại dịch.
Theo đài truyền hình CCTV, ông Tập Cận Bình phát biểu về quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ trong cuộc gặp với một số người đứng đầu các tổ chức tài chính đa phương tại Bắc Kinh rằng: "Các cuộc chiến thuế quan, chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ đi ngược lại xu hướng lịch sử và các quy tắc kinh tế, và sẽ không có bên nào chiến thắng".
Ông Tập Cận Bình cho biết: “Trung Quốc sẵn sàng duy trì đối thoại với chính phủ Hoa Kỳ, mở rộng hợp tác, quản lý bất đồng và thúc đẩy phát triển quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ theo hướng ổn định, lành mạnh và bền vững”.
Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm vào năm 2024 ở mức khoảng 5%, bất chấp tình trạng tiêu dùng trong nước chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp cao và cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản rộng lớn.
Ông Tập cũng cho biết trong cuộc họp ngày 10/12 rằng Trung Quốc "hoàn toàn tự tin" sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024.
Nhận xét của ông được đưa ra khi dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu của nước này tăng trong tháng 11 với tốc độ chậm hơn dự kiến trong khi nhập khẩu tiếp tục giảm, nhấn mạnh những thách thức mà Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt.
Chiến tranh thương mại đang đến gần
Lượng hàng xuất khẩu năm 2024 là điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế Trung Quốc, khi chi tiêu trong nước sa lầy vào tình trạng suy thoái và những khó khăn dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước lên 312,3 tỷ USD vào tháng 11.
Nhưng con số này chậm hơn nhiều so với mức 8,7 % mà các nhà kinh tế dự đoán trong một cuộc khảo sát của Bloomberg và giảm mạnh so với mức tăng 12,7 % vào tháng 10, mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm.
Dữ liệu cho thấy xuất khẩu tăng 5,4 % so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn tháng 1 đến 11.
Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng gần đây trong các lô hàng là do người mua nước ngoài, lo sợ về một cuộc chiến thương mại khác, đang chạy đua để tránh bất kỳ mức thuế nào mà ông Trump có thể áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc.
Mức giảm 3,9 % trong lượng nhập khẩu vào tháng trước đã kéo dài đà giảm của tháng trước đó – và tệ hơn nhiều so với mức tăng 0,9 % được dự báo – vì nhu cầu trong nước tiếp tục giảm do chi tiêu tiêu dùng ảm đạm.
Các số liệu được đưa ra trong bối cảnh các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ tín hiệu từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người sẽ nhóm họp tại Bắc Kinh trong tuần này để tham dự một loạt các cuộc họp quan trọng về kế hoạch kinh tế cho năm tới.
Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc, hôm thứ Hai 9/12 đã kêu gọi "mạnh mẽ" hỗ trợ tiêu dùng và nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2025.
Nhưng các nhà quan sát vẫn đang chờ đợi thông báo về các chính sách cụ thể, đặc biệt là bất kỳ biện pháp nào nhằm thúc đẩy đáng kể mức tiêu dùng.
Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết trong một lưu ý rằng một cuộc họp quan trọng khác về chính sách kinh tế - dự kiến diễn ra trong những ngày tới - có thể "làm sáng tỏ hơn, đặc biệt là về mặt chính sách tài khóa".