Ông Mark Milley từ chức sẽ tác động gì tới xung đột Ukraine?
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley sẽ bàn giao quyền điều hành cho người kế nhiệm là Tham mưu trưởng Không quân C.Q. Brown vào ngày 29/9 tới. Đây là một thời điểm không thể bấp bênh hơn khi phương Tây có dấu hiệu cạn kiệt vũ khí và hết kiên nhẫn với Ukraine.
Theo tờ Politico, với tư cách là cố vấn quân sự hàng đầu cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tướng Milley là một nhân tố không thể thiếu trong quá trình đưa ra những quyết định quan trọng đối với cuộc xung đột Ukraine, từ việc gửi vũ khí nào cho Kiev cho đến định hướng phương thức huấn luyện lực lượng Ukraine. Ông tạo dựng được mối quan hệ bền vững với Tướng Valerii Zaluzhnyi - Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, cũng như các tư lệnh quốc phòng khác trên khắp thế giới. Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, vị tướng này đã lãnh đạo nhiều nhiệm vụ chung của các nước phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine.
Tuy nhiên, xung đột tại Ukraine được dự đoán còn lâu mới kết thúc và người kế nhiệm của Tướng Milley là Tướng C.Q. Brown sẽ phải đối mặt với một loạt các thách thức. Trong khi lực lượng Ukraine dốc hết sức để giành được một bước đột phá trước khi mùa đông đến, Washington và châu Âu có thể sẽ dần cảm thấy mệt mỏi và mất kiên nhẫn. Tại tòa nhà quốc hội, các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn liên tục lên tiếng phản đối việc gửi thêm viện trợ. Ở bên kia Đại Tây Dương, Ba Lan gần đây cũng tuyên bố họ không thể gửi thêm bất kỳ vũ khí nào cho Ukraine trong thời gian tới. Các quan chức Pháp mới đây cũng bắn tín hiệu đưa ra một động thái tương tự.
Giống như những gì mà Tướng Milley phải làm trong cuộc xung đột kéo dài 19 tháng qua, người đứng đầu mới của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Tướng Brown sẽ phải gánh một trách nhiệm nặng nề, cân bằng việc giúp Ukraine đối phó với lực lượng Nga mà không kéo quân đội Mỹ vào một cuộc chiến tranh toàn diện hay khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân. Bên cạnh đó, ông sẽ phải tiếp tục cân nhắc trước các yêu cầu của Kiev về các loại vũ khí tiên tiến trong khi kho vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ đang suy giảm và các cơ sở công nghiệp quốc phòng thì đang trì trệ.
Theo nhận định của Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, việc thay đổi nhân sự tại Lầu Năm Góc diễn ra vào thời điểm có thể coi là “bước ngoặt” trong cuộc xung đột Ukraine. “Nếu cuộc phản công thất bại hoặc không vượt qua được khu vực phòng thủ của Nga, tôi nghĩ nỗi lo về một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ ngày càng lớn hơn”.
Về phần mình, các quan chức Ukraine lạc quan rằng Tướng Brown sẽ ủng hộ việc gửi các loại vũ khí tinh vi và tân tiến. Theo một cố vấn của chính phủ Ukraine, Kiev có ấn tượng tốt về Tướng Brown. Vị cố vấn này cho biết Tướng Brown và người quyền lực đứng thứ hai trong Lực lượng Không quân Mỹ là những người ủng hộ sớm và nhất quán trong việc gửi máy bay không người lái và máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden đã thông qua việc đào tạo phi công Ukraine để vận hành máy bay F-16. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa bật đèn xanh cho việc tài trợ máy bay không người lái tầm xa Grey Eagle mà Kiev đang tìm kiếm cho nhiệm vụ giám sát và tấn công không đối đất.
Khi cuộc chiến bước sang giai đoạn mới, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào Tướng Brown để xem ông sẽ đưa ra những quyết định như thế nào.
Kể từ tháng 2/2022, các nhà phê bình trong và ngoài chính quyền cho rằng Lầu Năm Góc quá chậm trong việc phê duyệt các loại vũ khí cần thiết khẩn cấp cho Ukraine. Một quan chức chính quyền cấp cao lưu ý Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đang tiếp cận vấn đề Ukraine với tốc độ khác nhau dựa trên những lý do khác nhau.
“Trong khi Bộ Ngoại giao đánh giá dựa trên cơ hội thì Bộ Quốc phòng lại xem xét các mối đe dọa. Bộ Quốc phòng nói rằng họ cần suy nghĩ về ưu và nhược điểm của từng quyết định về vũ khí và trách nhiệm đó thuộc về họ”, một quan chức giấu tên cho hay.
Hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa ATACMS mà Tổng thống Joe Biden đã đồng ý gửi tới Ukraine vào tuần trước sau hơn một năm tranh luận là ví dụ mới nhất. Ban đầu, Lầu Năm Góc phản đối việc gửi tên lửa vì họ không còn dự trữ tên lửa trong kho dự trữ của Mỹ. Các quan chức cho rằng các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đang tiếp cận Ukraine theo hướng có chủ ý, làm đúng quy trình từ việc đánh giá nhu cầu chiến trường của Ukraine trong bức tranh xung đột rộng lớn.