Ðộng lực cho người công tác ở cơ sở

Trước đây, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri ở cơ sở, các Tổ đại biểu HÐND tỉnh đã ghi nhận rất nhiều ý kiến kiến nghị liên quan đến chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khóm được quy định tại Nghị quyết số 25/2019/NQ-HÐND, ngày 6/12/2019, của HÐND tỉnh (Nghị quyết 25). Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, với mức hỗ trợ còn hạn chế, khó đảm bảo để người làm công tác ở ấp, khóm duy trì hoạt động và gắn bó lâu dài.

Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng đó, HÐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23/2023/NQ-HÐND, ngày 10/10/2023 (Nghị quyết 23) thay thế Nghị quyết 25 và chính thức có hiệu lực đầu năm 2024, tạo động lực, niềm tin để đội ngũ này chuyên tâm phục vụ cộng đồng.

Theo Nghị quyết 23, mức phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bằng 1,60 lần mức lương cơ sở (theo Nghị quyết 25 thì có 2 mức: 1,60 và 1,45 lần). Ðồng thời, người hoạt động không chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp, cao đẳng, đại học thì được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo (bậc 1 của trung cấp là 1,86; cao đẳng là 2,10; đại học là 2,34).

Ðối với quy định mức phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm, cũng có sửa đổi, bổ sung so với Nghị quyết 25, cụ thể là chia mức phụ cấp theo 2 loại ấp, khóm theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Ðiều 34 Nghị định số 33/2023/NÐ-CP của Chính phủ. Ðồng thời, tăng mức phụ cấp đối với ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên; khóm có từ 500 hộ gia đình trở lên; ấp, khóm thuộc xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, ấp, khóm ở xã đảo, thị trấn đảo. Người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp, cao đẳng, đại học thì được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo.

Làng quê phát triển, đổi mới, có sự đóng góp rất lớn của lực lượng làm công tác ấp, khóm.

Ngoài ra, Nghị quyết 23 còn sửa đổi, nâng mức phụ cấp kiêm nhiệm từ 50% lên 100% theo quy định của Nghị định số 33/2023/NÐ-CP, nhằm khuyến khích việc kiêm nhiệm chức danh, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách.

Nhìn chung, theo Nghị quyết 23, mức phụ cấp, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khóm được điều chỉnh và có tăng so với Nghị định 25, tạo sự đồng thuận cao, góp phần động viên tinh thần để lực lượng này tiếp tục cống hiến, phục vụ quê hương.

Ông Ngô Văn Hùng, Phó trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, tính đến nay đã có gần 20 năm tham gia công tác tại địa phương; từng nhận số tiền phụ cấp hằng tháng từ 30 ngàn đồng, 50 ngàn đồng, rồi 350 ngàn đồng, và nay là 1 triệu 80 ngàn đồng (theo Nghị quyết 23). "Trước đây, công việc cũng khá nhẹ nhàng, nhưng từ khi địa phương tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thì chúng tôi rất vất vả. Anh em cơ sở động viên nhau rằng, vì quê hương mà ra sức phục vụ, chứ nếu làm vì tiền thì khó tham gia được. Chúng tôi cũng hiểu được ngân sách tỉnh, Nhà nước còn hạn chế, việc tỉnh ban hành nghị quyết, tăng mức hỗ trợ cho thấy sự quan tâm của địa phương. Chúng tôi rất mừng, đây cũng là sự động viên để chúng tôi ra sức cống hiến, phục vụ quê hương", ông Hùng chia sẻ.

Ông Ngô Văn Hùng (bìa phải), Phó trưởng ban Công tác Mật trận ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, có gần 20 năm tham gia công tác tại địa phương.

Tương tự, anh Phạm Minh Hoài, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Ðồng Tâm B, xã Tân Duyệt, cho biết: "Dù có bằng đại học, nhưng vì hoàn cảnh đơn chiếc nên tôi quyết định ở nhà phụ gia đình làm kinh tế và tham gia công tác địa phương, được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi đoàn ấp năm 2019, nhận phụ cấp 500 ngàn đồng/tháng. Từ năm 2021 đến nay, tôi giữ nhiệm vụ Ấp đội trưởng và đầu năm 2024 kiêm thêm nhiệm vụ Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, với tổng phụ cấp được nhận 5,6 triệu đồng/tháng, mức phụ cấp này cũng khá ổn. Ðồng thời, tôi có thời gian làm kinh tế, chăm sóc gia đình, giúp tôi an tâm công tác".

Anh Trương Minh Hoài hướng dẫn và vận động bà con cắt lộ dal tận dụng sử dụng lại trong gia đình, trước khi thi công làm tuyến lộ mới.

Tỉnh Cà Mau có 101 xã, phường, thị trấn với 883 khóm, ấp và có ít nhất 11 chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng phụ cấp hằng tháng. Số lượng hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 1.594 người, số người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm là 2.610 người. Trong đó, ấp có từ 350 hộ gia đình, khóm có từ 500 hộ gia đình trở lên; ấp, khóm thuộc xã, thị trấn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; ấp khóm ở xã đảo, thị trấn đảo là 1.479 người; ấp, khóm còn lại là 1.131 người, với kinh phí thực hiện phụ cấp 216,8 tỷ đồng/năm. Ngoài nguồn ngân sách khoán của Trung ương, mỗi năm tỉnh bố trí hơn 63,1 tỷ đồng để chi trả cho các đối tượng này./.

Loan Phương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dong-luc-cho-nguoi-cong-tac-o-co-so-a32527.html