Ðổi thay trên quê hương Ngọc Hiển

Huyện Ngọc Hiển được chia tách thành 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, theo Quyết định 138 ngày 17/11/2003 của Chính phủ. Ngày 1/1/2004, huyện Ngọc Hiển chính thức ra mắt và bắt đầu một hành trình mới với nhiều khó khăn, thách thức. Từ một huyện có điểm xuất phát thấp, đến nay tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 3 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 21,3 lần so với thời điểm mới tách huyện; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 54 triệu đồng, tăng gấp 7,7 lần.

Ông Quách Xuân Cận, nguyên Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, chia sẻ: “Khi mới chia tách, Ngọc Hiển gặp khó khăn vô vàn, trụ sở làm việc phải mượn của Lâm Ngư trường Kiến Vàng. Cán bộ đa phần là người ngoài huyện, đi làm việc phải phụ thuộc vào chuyến đò. Giao thông cách trở. Tất cả xuất phát điểm gần như số 0. Sau thời gian phấn đấu nỗ lực, Ngọc Hiển đã chuyển mình rõ nét trên các lĩnh vực”.

Cây cầu Năm Căn thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh bắc qua sông Cửa Lớn nối liền 2 huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, được đưa vào sử dụng tháng 2/2015, chính thức phá thế cô lập cho huyện Ngọc Hiển. Lễ khánh thành cầu Năm Căn là ước mơ ngàn đời của Nhân dân ở 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển nói riêng, cũng như Nhân dân Cà Mau và cả nước nói chung, không còn cảnh qua sông lụy đò như trước đây. Cầu Năm Căn là một điểm nhấn quan trọng, đưa đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ đầu tiên đến trung tâm huyện Ngọc Hiển, thông xe đến Ðất Mũi, mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc, vào cuối năm 2015.

Ông Lý Bông, xã Tân Ân, nhớ lại: “Khi cầu Năm Căn khánh thành, bà con Ngọc Hiển vui lắm, bởi mình có đường bộ, đường xe để đi rồi, ước mơ ngàn đời đã thành hiện thực”.

Nối tiếp niềm vui, đến năm 2015 hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã thông xe đi về trung tâm huyện, các ấp cũng được quan tâm đầu tư xây dựng lộ bê tông.

Nhiều tuyến đường khang trang, sạch đẹp được xây dựng.

Từ nuôi tôm quảng canh truyền thống chuyển đổi sang nuôi tôm sinh thái, với trên 21.500 ha đạt chứng nhận quốc tế, được xem là mô hình giúp người dân phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái rừng. Ðối với nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, năng suất tôm nuôi mỗi năm đạt khoảng 220 kg/ha, tăng khoảng 40 kg so với nuôi tôm truyền thống trước đây.

Khai thác thủy sản vốn là nghề truyền thống của cư dân bản địa. Toàn huyện có trên 400 tàu cá khai thác, thu mua hải sản trên biển, hoạt động chủ yếu ở cửa biển Rạch Gốc, Tam Giang Tây và Ðất Mũi. Sản lượng khai thác thủy sản đến nay đạt 31.100 tấn/năm, bình quân tăng 3,7%/năm.

Làng khô biển thị trấn Rạch Gốc luôn nhộn nhịp vào những ngày cuối năm.

Ngành công nghiệp không khói có bước phát triển mạnh. Sở hữu thương hiệu Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, Ngọc Hiển đã phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch sinh thái; nhiều công trình văn hóa du lịch đặc trưng, nổi bật được đầu tư và đưa vào khai thác, tạo điểm nhấn riêng có cho du lịch địa phương, như Biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh trên biển, Cột cờ Hà Hội, Ðền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ, Biểu tượng Mũi Tàu, Con cua.

Ðất Mũi thu hút đông đảo khách đến tham quan du lịch.

Hoạt động du lịch cộng đồng được hình thành và hoạt động có hiệu quả, đến nay huyện Ngọc Hiển có 9 hộ làm du lịch cộng đồng với nhiều sản phẩm phục vụ đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Trong năm 2023, huyện đã thu hút 750 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng. Khách du lịch tăng bình quân 6%/năm.

Không chỉ tạo được những dấu ấn trong phát triển kinh tế, chặng đường 20 năm qua, huyện đạt nhiều tiến bộ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo từng bước phát triển toàn diện và đồng bộ trên các mặt, từ quy mô đến chất lượng dạy và học. Toàn huyện có 30 trường được, 28 trường trực thuộc huyện, 2 trường THPT trực thuộc Sở Giáo dục và Ðào tạo; đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa ở các cấp học, bậc học. Y tế đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.

Lao động nông thôn có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện.

Ông Phạm Chí Hải, Bí thư Huyện ủy, cho rằng, đạt được kết quả như hôm nay, nhân tố con người luôn giữ vai trò then chốt. Bởi vậy, công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị được Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện tập trung chỉ đạo, gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn được tăng cường, đảm bảo về số lượng, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Hơn lúc nào hết, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ngọc Hiển cần tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XII đề ra, xây dựng huyện Ngọc Hiển ngày càng phát triển bền vững”, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh./.

Hồng My - Chí Hiểu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-oi-thay-tren-que-huong-ngoc-hien-a30691.html