OECD: Chủ nghĩa bảo hộ gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu
Nền kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng ổn định trong hai năm tới với điều kiện chủ nghĩa bảo hộ không làm chệch hướng đà phục hồi thương mại toàn cầu, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Tổ chức có trụ sở Paris này cho biết, rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu đang gia tăng do căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ dâng cao và nguy cơ leo thang các xung đột địa chính trị cũng như chính sách tài khóa khó khăn ở một số nước.
Tăng trưởng toàn cầu cải thiện vào năm tới
Trong báo cáo công bố hôm 4-12, OECD ước tính, nền kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2% trong năm nay và dự báo tăng 3,3% trong năm 2025 và 2026. Mức tăng trưởng 3,3% trong năm sau cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo của OECD trong báo cáo hồi tháng Chín.
Tổ chức này đánh giá, tình hình lạm phạt dịu lại, tăng trưởng việc làm và làn sóng giảm lãi suất giúp bù đắp cho tình trạng thắt chặt tài khóa ở một số nước.
OECD dự báo, tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,8% trong năm nay. xuống 2,4% vào năm 2025 và 2,1% vào năm 2026 khi thị trường việc làm suy yếu, khiến chi tiêu của người tiêu dùng giảm xuống.
Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến giảm từ mức ước tính 4,9% trong năm 2024, xuống 4,7% vào năm 2025 và 4,4% vào năm 2026 dù Bắc Kinh nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ảm đạm vì chi tiêu của người tiêu dùng vẫn chậm chạp do tiết kiệm cao để phòng ngừa rủi ro.
Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) dự kiến cải thiện từ mức 0,8% trong năm nay. lên 1,3% vào năm 2025 và 1,5% vào năm 2026.
OCED giải thích, tăng trưởng của eurozone khởi sắc hơn khi hoạt động đầu tư được hưởng lợi từ việc nới lỏng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và thị trường lao động thắt chặt hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng.
Được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế, kinh tế Nhật Bản dự kiến phục hồi từ mức giảm 0,3% trong năm nay, lên mức tăng trưởng 1,5% vào năm 2025 trước khi suy yếu còn 0,6% vào năm 2026. Gần đây, nội các Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế 21,9 ngàn tỉ yen (142 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ các hộ gia đình ứng phó lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết, nền kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước những thách thức đáng kể. Theo người đứng đầu OECD, căng thẳng địa chính trị gây ra rủi ro ngắn hạn, trong khi đó, tỷ lệ nợ công tăng lên mức cao ở nhiều nước và triển vọng tăng trưởng trung hạn của kinh tế toàn cầu quá yếu.
Báo cáo của OECD bật 3 ưu tiên chính của các chính phủ: giảm lạm phát, giải quyết áp lực tài khóa gia tăng và tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Alvaro Pereira, nhà kinh tế trưởng của OECD cho rằng, nếu không thể kiềm chế lạm phát một cách bền vững, điều này sẽ làm tăng rủi ro đối với tăng trưởng và thu nhập thực tế của các nước.
Báo cáo lưu ý, các cải cách cấu trúc kinh tế là điều cần thiết để đặt nền tảng cho tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn, nhấn mạnh rằng hành động chính sách cần đảm bảo rằng, các kỹ năng phát triển theo nhu cầu của thị trường lao động và sự tham gia của lực lượng lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi và phụ nữ, cần tăng lên.
Chủ nghĩa bảo hộ tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu
Báo cáo trên của OECD là đánh giá đầu tiên về triển vọng tăng trưởng toàn cầu của một tổ chức kinh tế quốc tế lớn kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 5-11 một phần nhờ cam kết chính sách thương mại cứng rắn, bao gồm tăng cường rào cản thuế quan đối với các đối tác thương mại lớn.
OECD cho biết, sau khi chững lại vào năm ngoái, thương mại toàn cầu đang phục hồi và dự kiến tăng 3,6% vào năm tới, dù nhiều nước triển khai các biện pháp hạn chế dòng hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất nội địa.
Theo đó, một môi trường thương mại bảo hộ phân mảnh hơn và các chính sách hướng nội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh, làm tăng giá cả và cản trở năng suất và tăng trưởng, đồng thời gây áp lực lên khả năng bắt kịp của các nền kinh tế thị trường mới nổi.
“Căng thẳng thương mại gia tăng và các động thái hướng tới chủ nghĩa bảo hộ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng giá cả tiêu dùng và tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu” OECD cảnh báo.
Triển vọng thương mại toàn cầu trở nên u ám kể từ khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu nhằm vào hàng hóa từ các đối tác thương mại lớn gồm Trung Quốc, Mexico và Canada ngay sau khi nhậm chức.
OECD ghi nhận, lạm phát tiếp tục suy yếu ở hầu hết các nước trong năm 2024 nhờ lạm phát giá thực phẩm, năng lượng giảm.
Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý, lạm phát giá dịch vụ vẫn cao dai dẳng, đạt mức trung bình gần 4% trong tháng Chín ở 38 nước thành viên OECD. Đối với khối các nền kinh tế lớn G20, lạm phát giá cả tiêu dùng dự kiến suy yếu hơn nữa và trở về mức mục tiêu của hầu hết các ngân hàng trung ương vào cuối năm 2025 và đầu năm 2026.
OECD khuyến cáo, khi lạm phát giảm, các ngân hàng trung ương lớn nên tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng, ngoại trừ Nhật Bản.
“Thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất cần được đánh giá cẩn thận và dựa vào dữ liệu để đảm bảo áp lực lạm phát tiềm ẩn được kiểm soát lâu dài”, OECD nhấn mạnh.
Theo Reuters, AFP