Ở nơi được ví như 'nóc nhà Nam Bộ'

Nằm ở độ cao 986m, không khí trong lành, mát mẻ, cảnh quan tuyệt đẹp, núi Bà Đen - Tây Ninh được mệnh danh là

Nằm ở độ cao 986m, không khí trong lành, mát mẻ, cảnh quan tuyệt đẹp, núi Bà Đen - Tây Ninh được mệnh danh là "đệ nhất thiên sơn”, "nóc nhà Nam Bộ”. Được thiên nhiên ưu đãi cùng với sự đầu tư, kiến tạo từ bàn tay, khối óc con người, núi Bà Đen đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến với Tây Ninh.

Khu du lịch núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh nằm ở độ cao 986m, được ví như "nóc nhà Nam Bộ".

Quần thể danh thắng núi Bà Đen trải rộng trên diện tích khoảng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Nằm rải rác từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen là một quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp... Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và điện Bà, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng. Bên cạnh chùa là điện Bà được xây dựng dựa vào thế núi từ một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành am động. Ngoài ra, trên núi còn có một số ngôi chùa khác như: chùa Phật với tượng Phật nhập niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn An Phước tự), chùa Hạ, chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự), chùa Vân Sơn. Đan xen với hệ thống chùa là nhiều hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà, hang Gió... Dưới chân núi là khu du lịch văn hóa với các khu vui chơi, nhà hàng.

Tháng 1/2024, Giáo hội Phật giáo tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ an vị Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc tạo thêm một điểm nhấn cho khu du lịch núi Bà Đen. Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc có chiều cao 36m, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m², nặng 5.112 tấn. Tôn tượng được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. Đến nay khu du lịch núi Bà Đen vẫn đang sở nhiều hữu kỷ lục thế giới Guinness như: Công trình ga Bà Đen là "Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới"; tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn với 2 kỷ lục "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi" và "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhấtViệt Nam tọa lạc trên đỉnh núi"; "Tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn nhất thế giới"; "Thác nước nhân tạo có độ cao cao nhất châu Á". Đây cũng là nơi đầu tiên củaViệt Nam vận hành loại hình du lịch máng trượt và cáp treo.

Lên đỉnh núi Bà Đen, ngoài việc được thu vào tầm mắt cảnh quan tuyệt đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh, du khách còn được chiêm ngưỡng những kiến trúc, tạo hình độc đáo từ những ngôi chùa, pho tượng, thác nước, lối đi… và nghe thuyết minh viên kể sự tích huyền bí về núi Bà Đen. Tương truyền thuở xa xưa, núi Bà Đen vốn có tên là núi Một. Tên gọi núi Bà Đen được truyền tụng vào thế kỷ XVIII bởi một người con gái tuẫn tiết trở về báo mộng. Truyền thuyết kể rằng, nàng Thiên Hương vốn là người con gái xinh đẹp, hiền lương, văn hay võ giỏi và là con của một nhà gia giáo nên được rất nhiều người để ý. Trong làng có chàng tên Lê Sĩ Triệt, mồ côi cả cha lẫn mẹ, được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng nên văn hay võ giỏi và cũng tỏ lòng cảm mến nàng. Trong một lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn, chàng Lê Sĩ Triệt đã xông ra đánh đuổi và cứu được nàng. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Nhưng giữa buổi loạn ly, hai người chưa kịp lấy nhau, chàng trai Lê Sĩ Triệt đã phải tòng quân ra trận.

Khi Lê Sĩ Triệt tòng quân, ở nhà trong một lần lên núi cúng Phật, nàng Thiên Hương lại bị nhóm kẻ xấu trước đó vây bắt, toan làm nhục. Để giữ lòng trung trinh, nàng đã nhảy xuống khe núi tử tiết. Một đêm nàng hiện về gặp nhà sư Trí Tân, trong hình dạng một người phụ nữ đen đúa và kể lại hết sự tình. Sau khi nghe hết câu chuyện, nhà sư tỉnh dậy và cho người đi tìm thi thể nàng đem về mai táng, sau đó được nhân dân quanh vùng lập điện thờ trên núi. Từ đó, núi Một được người dân gọi tên là núi Bà Đen.

Lần báo mộng thứ hai là khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Trong cơn tuyệt vọng, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn Bà Đen phù trợ. Đêm đó, Bà Đen xuất hiện và báo mộng, chỉ đường cho chúa Nguyễn thoát thân và khuyên chúa Nguyễn nên qua Xiêm tá binh để chờ thời cơ khôi phục cơ đồ, thống nhất giang sơn. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, tưởng nhớ đến chuyện lên núi được Thiên Hương mách bảo nơi ẩn náu và thoát nạn đã sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, tạc tượng bà bằng đồng đen để nhân dân chiêm bái, phụng thờ.

Lần hiển linh báo mộng thứ ba được kể lại là nàng Lý Thị Thiên Hương đã nhập vào xác của một cô gái để trò chuyện với Quốc công Lê Văn Duyệt. Rằng nàng thác oan nên đã trở thành tiên thánh được cử xuống phàm trần để cứu nhân độ thế. Nghe vậy, Quốc công đã thay mặt vua phong cho nàng Thiên Hương làm "Linh Sơn Thánh Mẫu”, tạc tượng để thờ.

Không chỉ vậy, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946 - 1975), núi Bà Đen từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta để giải phóng dân tộc. Chứng tích còn lại là động Kim Quang, chùa Hang và bảo tàng dưới chân núi trưng bày một số hiện vật, hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ cách mạng.

Với cảnh đẹp thiên tạo cùng những chứng tích lịch sử, văn hóa đậm nét, tháng 1/1989, núi Bà Đen được công nhận là di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia. Tập đoàn Sun Group và tỉnh Tây Ninh đã hợp tác, đầu tư tôn tạo núi Bà Đen trở thành điểm du lịch hút khách. Từ nhiều năm nay, khu du lịch núi Bà Đen - "nóc nhà Nam Bộ” luôn được chọn là nơi tổ chức các lễ hội tâm linh độc đáo, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm.

Thúy Hằng (CTV)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/189632/o-noi-duoc-vi-nhu-noc-nha-nam-bo.htm