Ở nơi biên cương Tây Nam Tổ quốc

Ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã và đang ngày, đêm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện '3 bám, 4 cùng', hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an ninh, trật tự, giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Báo Hànôịmới điện tử trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết 'Ở nơi biên cương Tây Nam Tổ quốc'.

Bài 1: Những chiến sĩ can trường

Vào những ngày giữa tháng 5, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo thành phố Hà Nội chúng tôi có dịp đến với biên giới Tây Nam, thăm các đồn biên phòng của hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Có tận mắt chứng kiến thời tiết khắc nghiệt, điều kiện làm việc còn thiếu thốn, chúng tôi càng khâm phục và trân trọng ý chí, nỗ lực và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng can trường nơi đây.

Lướt vỏ lãi thăm chốt biên phòng

Đường vào chốt biên phòng, phải đi vỏ lãi tầm 15 phút mới tới.

Ngồi sau xe máy của chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Mỹ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), chúng tôi băng qua con đường giữa những cánh đồng, xen lẫn kênh rạch chằng chịt. Gió ù ù, thổi bật cả mũ bảo hiểm. Đi chừng 4km, chúng tôi xuống xe, lên một chiếc vỏ lãi (xuồng, ghe, thuyền nhỏ) vượt sông Giang Thành. Chiếc vỏ lãi chỉ vừa vặn 6 người. Một chiến sĩ biên phòng đã chờ sẵn, nổ máy, rẽ sóng đưa chúng tôi lướt đi trên sông. Giữa trưa, không gian vắng lặng, chỉ có tiếng xuồng máy reo ùng ục. Rặng dừa nước trải dài như hai dãy trường thành, gặp cái nắng dữ đã chuyển màu xanh bợt bạt. Tôi được nghe giới thiệu, con sông Giang Thành nổi tiếng là thắng cảnh đẹp của tỉnh Kiên Giang. Dòng sông hiền hòa này cũng góp phần đưa nước ngọt về phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Chúng tôi đến “Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid -19” số 9 trên tuyến biên giới Giang Thành lúc 14h. Trước mắt chúng tôi là căn nhà lợp tôn màu xanh lá, rộng tầm 30m2. Gần đó là chiếc lán nhỏ, chừng 8m2, được lợp bằng lá cọ, nơi các chiến sĩ tránh nắng nóng. Nhìn ra đường biên giới, chỉ thấy cỏ tranh nhấp nhô lượn sóng, loang loáng ánh mặt trời. Xung quanh chốt, không có một bóng cây.

Bên trong “Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid -19” chỉ có 2 chiếc giường tầng.

Chúng tôi đi vòng quanh tham quan chốt, vừa bước vào cửa phòng ở của cán bộ, chiến sĩ đã cảm nhận được hơi nóng hầm hập từ mái tôn phả xuống. Cái nóng càng thêm dữ dội khi cơn nắng trưa đổ thẳng xuống mái tôn giữa cánh đồng, không có cây hay vật liệu che chắn... Những giọt mồ hôi của chúng tôi cứ tuôn ra như tắm. Trong gian phòng chẳng có đồ đạc gì nhiều, ngoài 2 chiếc giường tầng, phía trên treo cờ và ảnh Bác Hồ. “Phải 23h, chúng em mới nằm được xuống giường chị ạ, vì mọi thứ trong phòng đều bỏng rát”, Thiếu úy chuyên nghiệp Lê Văn Quân (quê Phú Thọ) chia sẻ.

Ấy vậy mà, các cán bộ, chiến sĩ trực chốt vẫn duy trì tuần tra, kiểm soát để bảo vệ biên giới, bất kể thời tiết bất lợi, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn... Trung úy Danh Thành Huy, Đội trưởng vận động quần chúng, Đồn biên phòng Phú Mỹ chia sẻ: “Thời tiết khắc nghiệt, địa hình biên giới nhiều kênh rạch đi lại khó khăn nhưng anh em luôn bám trụ địa bàn, thường xuyên, liên tục tổ chức tuần tra, phòng, chống tội phạm, ngăn chặn đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới”.

Vất vả là thế, nhưng từ vị chỉ huy đến cậu tân binh trẻ măng, không một ai lơi là nhiệm vụ dù chỉ một phút. Tân binh Phạm Hoàng Tính (quê Quảng Nam) đưa tay quệt vội dòng mồ hôi trên mặt, rồi cười hiền bộc bạch: “Chúng em quen rồi, nắng nóng mấy cũng chịu được”.

Cán bộ, chiến sĩ trực chốt vẫn duy trì tuần tra, kiểm soát để bảo vệ biên giới, bất kể thời tiết bất lợi.

Chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ dừng chân ở chốt biên giới của Đồn biên phòng Phú Mỹ, chúng tôi chưa thể cảm nhận được hết những gian nan mà các cán bộ, chiến sĩ phải trải qua. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là họ luôn nỗ lực, lạc quan, nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám chốt không rời, mặc cho biên cương ngày nắng, đêm mưa... để thực hiện nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Hết mình phụng sự Tổ quốc

Trong hành trình đến với các đồn biên phòng biên giới tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau, chúng tôi gặp rất nhiều chiến sĩ trẻ nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng dấn thân, cống hiến. Mỗi người một quê, song họ đều có chung một tấm lòng xem “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”.

Trung úy Đỗ Đại Thanh (bên phải) trò chuyện với ngư dân.

Mới chỉ gặp sĩ quan Mai Văn Rinh (sinh năm 1995) lần đầu, song chúng tôi ấn tượng bởi nụ cười luôn nở trên môi chàng trai trẻ. Sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu, cũng như nhiều thanh niên khác, sau khi tốt nghiệp lớp 12, Rinh đi nghĩa vụ quân sự. Sẵn mang trong mình tình yêu mãnh liệt với màu áo lính, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Rinh nỗ lực ôn thi để đỗ bằng được vào Học viện Biên phòng. Ra trường, tháng 9-2022, Trung úy Mai Văn Rinh về công tác tại Đồn biên phòng Đất Mũi (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau). Hiện Rinh là trinh sát viên đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau.

Nhớ lại lần đầu tiên cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ, Rinh kể: “Sau thời gian trinh sát, nắm tình hình về tụ điểm tệ nạn xã hội, 12h đêm hôm đó, toàn đội bí mật, chủ động tiến hành vây bắt. Lần đầu tiếp cận đối tượng, tôi cũng cảm thấy hồi hộp, lo lắng. Nhưng nhờ vận dụng kinh nghiệm chỉ huy đã truyền đạt, chúng tôi đã xử lý gọn ghẽ nhóm đối tượng, đúng pháp luật. Trong quá trình trinh sát, theo dõi và đấu tranh với tội phạm, nhiều vụ việc gặp khó khăn và nguy hiểm, nhưng qua mỗi lần, tôi có thêm kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Tôi càng thấy yêu mến và muốn gắn bó lâu dài với màu áo biên phòng để góp phần giữ gìn biên cương của Tổ quốc”.

Quê mẹ ở Ba Vì, Hà Nội, quê cha ở Phú Thọ, Trung úy Đỗ Đại Thanh (sinh năm 2000) sau 4 năm học tập ở Học viện Biên phòng đã về công tác tại Trạm kiểm soát biên phòng Rạch Tàu, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào khu vực biên giới, hướng dẫn ngư dân hoàn thiện giấy tờ còn thiếu sót… Vốn ít nói, chỉ tập trung làm nhiệm vụ, nhưng khi gặp những người đồng hương quê mẹ, Trung úy Đại Thanh cởi mở chia sẻ: “Trước khi ra đến Cà Mau, nhà tôi vốn ở vùng núi, chưa ra biển bao giờ, nên có phần bỡ ngỡ. Nhưng khi về đơn vị, được chỉ huy và đồng đội quan tâm, giúp đỡ, tôi được tham gia huấn luyện các kỹ năng, bơi lội trên sông nước, được trang bị kiến thức cơ bản sơ cấp cứu người bị đuối nước… Giờ tôi đã quá quen với cảnh sông nước và đặc thù biên giới nơi đây, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dù đó là ngày hay đêm”.

Trở lại đơn vị sau đợt nghỉ phép, cũng là khi người vợ mang bầu đứa con đầu lòng, Thượng úy Bùi Duy Tiến (quê ở Nghệ An), Đội trưởng Đội Tham mưu hành chính Đồn biên phòng Tây Yên (Bộ đội biên phòng Kiên Giang) không thể giấu niềm vui khi được làm bố, song vì nghĩa vụ với Tổ quốc, trách nhiệm gia đình vẫn phải đặt lên vai người vợ.

“Công tác xa nhà, tôi cũng khó có thể chăm sóc bố mẹ hai bên. Tuy vậy, tôi may mắn luôn nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ hậu phương và yên tâm công tác. Niềm yêu thương gửi về gia đình thì nhiều lắm, nhưng hơn cả, với trách nhiệm của người lính, khi Tổ quốc cần, chúng tôi luôn sẵn sàng. Tôi muốn nhắn nhủ với vợ tôi rằng, hãy đặt sự tin tưởng ở tôi!”, Thượng úy Bùi Duy Tiến bày tỏ.

Các chiến sĩ biên phòng bám trụ địa bàn, thường xuyên, liên tục tổ chức tuần tra, phòng, chống tội phạm.

Nghe những lời chia sẻ, tâm sự, chúng tôi hiểu rằng, một phần sức mạnh giúp các chiến sĩ quân hàm xanh luôn vững tay súng nơi tiền tiêu, ấy chính là gia đình, là hậu phương, nơi nuôi dưỡng lòng anh dũng, can trường, quả cảm của họ. Cái khắc nghiệt của nắng mưa, địa hình đi lại khó khăn cùng điều kiện sinh hoạt thiếu thốn ở miền biên giới Tây Nam chẳng thể làm nản lòng họ. Gác lại mưu cầu hạnh phúc riêng, họ như những cánh chim trên tuyến đầu, vẫn thầm lặng ngày đêm, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Dương Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/1065670/o-noi-bien-cuong-tay-nam-to-quoc