Ô nhiễm không khí đã biến mất ở Trung Quốc?

Tại các thành phố Trung Quốc, bầu trời đã trong xanh trở lại. Nồng độ PM2.5 – các hạt bụi mịn có thể đi sâu vào phổi và máu – đã giảm 54% trong giai đoạn 2013 - 2023. Bộ Môi trường Trung Quốc đã công bố con số ấn tượng này vào tháng 9, gọi đây là 'sự cải thiện ổn định'.

Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Vào năm ngoái, Bắc Kinh đã trải qua 90% ngày có chất lượng không khí tốt, cùng 2% ngày có chất lượng không khí xấu - tức 8 ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, trong đó có 6 ngày do bão cát.

Tiến sĩ Christa Hasenkopf, Giám đốc Chương trình Không khí sạch tại Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago, nhận định: “Trung Quốc đã đưa ra minh chứng chưa từng có về tốc độ giải quyết ô nhiễm không khí với ý chí chính trị, ý chí xã hội và nguồn lực thống nhất. Dữ liệu cũng cho thấy một quốc gia có thể đạt được không khí sạch hơn mà không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế”.

Hành động của Trung Quốc

Trung Quốc đã “tuyên chiến” với ô nhiễm không khí bằng kế hoạch hành động, được gọi là chính sách môi trường có ảnh hưởng nhất của đất nước.

“Ô nhiễm không khí là vấn đề tồn tại lâu dài đối với đất nước và việc kiểm soát là một ‘nhiệm vụ vô cùng khó khăn’”, tài liệu viết.

Chính phủ đã cắt giảm và di dời các ngành công nghiệp nặng ra khỏi các thành phố lớn như Bắc Kinh. Giới chức cũng yêu cầu các tòa nhà và hộ gia đình chuyển sang sử dụng hệ thống sưởi ấm sạch và bắt đầu điện khí hóa giao thông đường bộ.

Vào năm 2017, Thâm Quyến đã trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới điện khí hóa toàn bộ đội xe buýt công cộng gồm khoảng 17.000 chiếc.

Theo Tân Hoa xã, chính quyền trung ương sẵn sàng chi trả để có không khí trong lành hơn, đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD vào việc kiểm soát ô nhiễm không khí mỗi năm.

“Ngày tận thế không khí” đã biến mất?

Người dân đi bộ trên phố giữa sương mù ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc, hôm 2/11. Ảnh: Tân Hoa xã

Người dân đi bộ trên phố giữa sương mù ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc, hôm 2/11. Ảnh: Tân Hoa xã

Nhưng liệu “ngày tận thế không khí” ở Trung Quốc đã biến mất vĩnh viễn?

Theo Chỉ số chất lượng cuộc sống không khí của Đại học Chicago, 99,9% trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc vẫn sống ở những khu vực có mức ô nhiễm không khí trung bình vượt quá mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mùa đông là mùa ô nhiễm cao điểm ở nước này, khi hoạt động đốt than để sưởi ấm và phát điện tăng cao. Nhưng những ngày không khí ô nhiễm cũng có thể xảy ra vào các thời điểm khác.

Vào tháng 3/2023, sương mù dày đặc đã bao phủ Bắc Kinh. Năm đó, mức PM2.5 đã tăng đột biến sau khi giảm trong 10 năm qua.

Nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc, các hạt PM2.5 đặc biệt có hại cho sức khỏe con người khi hít phải. Chúng phát ra từ khí thải xe cộ, quy trình công nghiệpvà các nguồn tự nhiên như cháy rừng, bão bụi.

Theo các cư dân sống tại thủ đô Bắc Kinh, máy lọc không khí đã trở nên phổ biến trong các hộ gia đình thành thị Trung Quốc.

“Tôi từng có một máy lọc không khí hoạt động 24/7. Nhưng những ngày này, chất lượng không khí đã tốt hơn nhiều”, anh Tang, một cư dân Bắc Kinh 38 tuổi, cho biết.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cũng phát hiện ra rằng ô nhiễm PM2.5 là nguyên nhân gây ra 49 triệu ca tử vong sớm ở Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1980 đến 2020.

Du khách đeo khẩu trang nhìn Tử Cấm Thành qua làn sương mù dày đặc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/1/2013. Ảnh: CNN

Du khách đeo khẩu trang nhìn Tử Cấm Thành qua làn sương mù dày đặc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/1/2013. Ảnh: CNN

Tiến sĩ Hasenkopf lưu ý ô nhiễm không khí vẫn là yếu tố nguy cơ lớn thứ hai làm giảm tuổi thọ ở Trung Quốc, chỉ sau hút thuốc lá.

Bà Hasenkopf cho biết ô nhiễm không khí thường liên quan tới số người tử vong. Nhóm nghiên cứu của bà đã nêu ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tác động đến tuổi thọ của con người.

Theo chỉ số này, trung bình con người mất đi 3,2 năm tuổi thọ ở khu vực ô nhiễm nhất của Trung Quốc – gồm Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc.

Bà Hasenkopf chỉ ra rằng điều này không chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em, trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi ô nhiễm không khí so với người trưởng thành.

Kế hoạch hành động mới

Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động mới về chất lượng không khí nhằm cắt mức PM2.5 xuống 10% vào năm tới so với năm 2020.

Kế hoạch này bao gồm việc cắt giảm tỷ lệ những ngày ô nhiễm nặng mỗi năm xuống còn 1% hoặc thấp hơn và giảm 10% lượng khí thải oxit nitơ và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.

Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 và năng lượng không hóa thạch chiếm ít nhất 20% tổng mức tiêu thụ năng lượng của nước này vào năm 2025.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể, nhưng các mục tiêu mới đang ngày càng khó đạt được hơn.

Giáo sư Huang Yanzhong, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, cho biết: “Vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Nhưng việc cải thiện chất lượng không khí, vì không còn ‘quả chín dễ hái’ nữa, sẽ là một cuộc chiến khó khăn hơn”.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo CNA)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/o-nhiem-khong-khi-da-bien-mat-o-trung-quoc-20241120173300961.htm