'Nước Mỹ trên hết' liệu có biến Mỹ thành 'đơn độc'?
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã khởi đầu chính sách 'Nước Mỹ trên hết' bằng cách cắt giảm đáng kể viện trợ nước ngoài. Quyết định này đã gây ra những tác động sâu rộng, không chỉ đối với các quốc gia nhận viện trợ mà còn ảnh hưởng đến vị thế và lợi ích của chính nước Mỹ trên trường quốc tế.
Quyết định gây sốc
Ngày 20/1/2025, chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tạm dừng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài trong 90 ngày để đánh giá hiệu quả và có phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà ông đề ra hay không. Lệnh này yêu cầu các cơ quan liên bang ngừng ký kết các thỏa thuận mới và tạm dừng giải ngân các quỹ viện trợ phát triển. Một số ngoại lệ được áp dụng, bao gồm viện trợ quân sự cho Israel và Ai Cập, cũng như hỗ trợ lương thực để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo cấp bách.
Tổng thống Trump cho rằng viện trợ nước ngoài cần mang lại lợi ích trực tiếp cho Mỹ và ông đã chỉ trích các chương trình hiện tại là không hiệu quả. Do đó, ông chủ trương tập trung cắt giảm và tái cấu trúc các chương trình viện trợ nhằm ưu tiên lợi ích quốc gia.
![Tổng thống Donald Trump đang hiện thực hóa mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” của mình bằng việc “đóng cửa” với thế giới.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_99_51437874/ba08ca0df143181d4152.jpg)
Tổng thống Donald Trump đang hiện thực hóa mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” của mình bằng việc “đóng cửa” với thế giới.
Chưa hết, Tổng thống Trump còn quyết định sáp nhập Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) vào Bộ Ngoại giao. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phân phối viện trợ nước ngoài của Mỹ. Việc sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu quả và giảm chi tiêu lãng phí. Đây là một phần trong chương trình cải cách hành chính nói chung mà ông Trump giao cho Cơ quan Hiệu quả Chính phủ (DOGE) tiến hành. Tỷ phú Elon Musk đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo DOGE và đang đề ra mục tiêu cắt giảm 500 tỷ USD chi tiêu hằng năm của chính phủ liên bang.
Hãng tin Reuters dẫn nhiều nguồn thạo tin ngày 6/2 cho biết, chính quyền Tổng thống Trump có kế hoạch giữ lại chưa đến 300 nhân viên tại USAID trong tổng số hơn 10 nghìn nhân viên trên toàn thế giới.
Dù biết những nỗ lực của Tổng thống Trump là để cải thiện hiệu quả hoạt động của Chính phủ Mỹ, nhưng việc dừng đột ngột các khoản viện trợ nước ngoài vẫn là một quyết định "gây sốc" với hầu hết những người theo dõi chính trị Mỹ. Quyết định đó ngay lập tức gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
"Hỗn loạn và đau khổ"
Mỗi năm, Mỹ cung cấp khoảng 68 tỷ USD viện trợ nước ngoài, chiếm hơn 40% nguồn tài trợ nhân đạo toàn cầu. Phần lớn số tiền này được quản lý bởi USAID. Nhiều tổ chức phi chính phủ và chương trình phát triển trên toàn cầu đã lập tức đối mặt với tình trạng hỗn loạn và lo ngại về việc phải ngừng hoạt động do thiếu hụt tài chính. Các chương trình quan trọng như hỗ trợ lương thực, y tế, giáo dục và bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Việc tạm dừng này có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài, bao gồm cả việc gia tăng tỷ lệ tử vong và gây mất ổn định trong các cộng đồng phụ thuộc vào viện trợ.
Hội đồng Phát triển Quốc tế Australia (ACFID) là cơ quan cao nhất của chính phủ nước này làm việc trong các dự án phát triển và nhân đạo quốc tế với phần lớn nguồn tài trợ đến từ USAID đang rơi vào tình trạng "hỗn loạn". Giám đốc điều hành của ACFID Matthew Maury cho biết, nguồn tài trợ cho công tác ứng phó với khủng hoảng khí hậu, thực phẩm, y tế, cơ sở hạ tầng và các chương trình thảm họa đã bị cắt và "Sự gián đoạn này sẽ có tác động sâu rộng, làm ảnh hưởng đến công tác cứu trợ, bao gồm tiếp cận thực phẩm cho các gia đình, giáo dục cơ bản cho trẻ em, sự an toàn cho phụ nữ chạy trốn bạo lực tình dục và giới, cũng như cung cấp thuốc men cho những người đang mắc bệnh ở khắp nơi trên thế giới trong hầu hết các chương trình của họ".
Theo nhà sáng lập của Quỹ Trẻ em Rồng Xanh Michael Brosowski, 10% nguồn tài trợ của quỹ đến từ Mỹ, vì vậy họ sẽ phải thu hẹp quy mô hoạt động. Ông Mark Cubit, nhà sáng lập Mạng lưới Phát triển Quốc tế AIDN cảnh báo "chính sách này đe dọa đến tính mạng con người" và "đang họp với các tổ chức của Mỹ để tìm ra nơi nào đang có nhu cầu cấp thiết nhất". Các cơ sở y tế dã chiến tại các trại tị nạn ở Thái Lan do Aidn quản lý, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm nghìn người tị nạn Myanmar, đã phải đóng cửa ngay lập tức do thiếu kinh phí.
Liên hợp quốc (LHQ), tổ chức lớn nhất thế giới cũng không tránh khỏi "rúng động". Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho LHQ, đóng góp khoảng 14 tỷ USD trong năm 2024, chiếm 47% tổng ngân sách viện trợ nhân đạo toàn cầu của tổ chức này. Việc tạm dừng viện trợ đã đặt ra thách thức cho các hoạt động nhân đạo và phát triển của LHQ. Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông Filippo Grandi, đã kêu gọi các nhà tài trợ khác nhanh chóng lấp đầy khoảng trống tài chính do Mỹ để lại, nhằm tránh khủng hoảng nghiêm trọng. Ông cũng đề nghị thực hiện các biện pháp hạn chế chi tiêu trong hoạt động để ứng phó với tình hình.
![USAID đại diện cho nước Mỹ dẫn dắt nhiều chương trình nhân đạo trên toàn thế giới.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_99_51437874/7e040901324fdb11825e.jpg)
USAID đại diện cho nước Mỹ dẫn dắt nhiều chương trình nhân đạo trên toàn thế giới.
"Nước Mỹ trên hết"?
Một quyết định gây sốc, bất ngờ như trên của chính quyền Tổng thống Trump đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, các đối tác, đồng minh cũng như nội bộ nước Mỹ. Nhiều tổ chức viện trợ quốc tế bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác động tiêu cực của quyết định này. Việc đóng băng viện trợ có thể làm chậm trễ các hoạt động cứu trợ nhân đạo, gây ảnh hưởng đến những người cần hỗ trợ khẩn cấp.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về quyết định này và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ Mỹ đối với các hoạt động nhân đạo toàn cầu. Ông cũng kêu gọi hợp tác với chính quyền Mỹ để đảm bảo rằng những người dễ bị tổn thương nhất vẫn được bảo vệ. Các quốc gia đồng minh của Mỹ cũng bày tỏ quan ngại, lo rằng việc cắt giảm viện trợ có thể ảnh hưởng đến các chương trình hợp tác và hỗ trợ phát triển mà Mỹ đã cam kết, đồng thời làm suy giảm uy tín và ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế. Trong nước Mỹ, quyết định này đã gây ra sự chia rẽ.
Một số quan chức và nhà lập pháp ủng hộ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, cho rằng việc xem xét lại các khoản viện trợ là cần thiết để đảm bảo lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, nhiều người khác lo ngại rằng việc cắt giảm viện trợ có thể làm suy yếu vai trò của Mỹ trên thế giới và gây ra những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra khắp nước Mỹ nhằm phản đối chính sách mới của Tổng thống Trump.
Đến lúc này, quyết định cắt giảm viện trợ tạm thời của Tổng thống Trump không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia nhận viện trợ mà còn có những hệ lụy đối với Mỹ. Viện trợ nước ngoài từ lâu đã là công cụ quan trọng giúp Mỹ xây dựng hình ảnh và ảnh hưởng trên thế giới. Việc cắt giảm viện trợ sẽ làm suy giảm "quyền lực mềm" của Mỹ, tạo điều kiện cho các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, mở rộng ảnh hưởng thông qua việc tăng cường viện trợ và đầu tư vào các quốc gia đang phát triển.
Ở góc nhìn chiến lược, viện trợ nước ngoài không chỉ nhằm mục đích nhân đạo mà còn phục vụ lợi ích an ninh của Mỹ. Bằng cách hỗ trợ các quốc gia ổn định và phát triển, Mỹ giảm nguy cơ xung đột và sự trỗi dậy của các tổ chức cực đoan. Việc cắt giảm viện trợ có thể dẫn đến sự bất ổn tại các khu vực quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh của Mỹ và các đồng minh hay thậm chí "kích động thêm kẻ thù". Quyết định chóng vánh này một lần nữa cho thấy quan điểm đơn phương của ông Trump trong các vấn đề quốc tế.
Về tổng thể, quyết định cắt giảm viện trợ nước ngoài của Tổng thống Donald Trump đã gây ra những tác động sâu rộng, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên khắp thế giới và đặt ra những thách thức đối với vị thế và lợi ích của Mỹ. Chính sách viện trợ không chỉ là trách nhiệm quốc tế mà còn phục vụ cả lợi ích quốc gia, xây dựng mạng lưới đồng minh, giúp duy trì vai trò cường quốc của Mỹ trên trường quốc tế. Khi cắt bỏ tất cả chỉ vì tính toán kinh tế tức thời, "nước Mỹ trên hết" của ông Trump liệu có biến thành một "nước Mỹ đơn độc"?