Nước cờ Đông Á của Tổng thống Donald Trump

Hội nghị thượng đỉnh G-20 cuối tuần qua tại Osaka Nhật Bản đã không gây được nhiều sự chú ý bằng hoạt động bên lề hội nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhất là cuộc tiếp xúc tay đôi của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và sau đó là chuyến thăm chớp nhoáng của ông tới làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) trong khu phi quân sự chia cắt Nam - Bắc bán đảo Triều Tiên, gặp gỡ Chủ tịch Kim Joung-un và trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.

 Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau trên lãnh thổ Triều Tiên hôm Chủ nhật. Ảnh: NYT

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau trên lãnh thổ Triều Tiên hôm Chủ nhật. Ảnh: NYT

Mỹ - Trung ngưng thương chiến, đàm phán sẽ kéo dài

Trước khi đến Nhật Bản, ông Trump đã bắn tiếng rằng nếu ông Tập không đến gặp ông ở Osaka bàn việc mở lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung, Chính phủ Mỹ sẽ ngay lập tức áp thuế 25% lên lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 300 tỉ đô la, nghĩa là tất cả hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ đều phải chịu thuế 25%. Ông Tập đã đến Nhật Bản và gặp ông Trump, tất nhiên là với tư cách nguyên thủ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo nội dung thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị G-20, Mỹ và Trung Quốc sẽ tạm thời “ngưng chiến”; hai đoàn đàm phán của Bắc Kinh và Washington sẽ sớm gặp nhau, nối lại cuộc thương lượng đã bị đổ vỡ hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Trong thời gian ngưng chiến, hai bên sẽ không đưa ra biện pháp tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của nhau - có nghĩa là Mỹ sẽ không áp thuế lên 300 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như đã loan báo; và Trung Quốc cũng vậy, nhưng Trung Quốc hầu như không phải làm gì bởi vì hầu hết hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc đã bị đóng thuế 25% trong hai đợt ăn miếng trả miếng trước đây.

Mỹ cũng sẽ nới lỏng một phần cuộc cấm vận thương mại đối với tập đoàn Huawei, Trung Quốc. Một số công ty Mỹ sẽ tiếp tục được cung cấp cho Huawei những thiết bị, linh kiện không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Thông tin công bố, qua tường thuật của báo chí, rất mơ hồ nên chưa rõ công nghệ nào là ảnh hưởng an ninh quốc gia, công nghệ nào sẽ tiếp tục được cung cấp.

Mỹ đồng ý đưa ra khỏi “danh sách đen” của Bộ Thương mại tám công ty công nghệ Trung Quốc mà chính quyền Mỹ trước đây cho là có nguy cơ đối với an ninh quốc gia và các doanh nghiệp Mỹ phải cẩn trọng khi giao dịch.

Đổi lại các nhượng bộ của Mỹ, phía Trung Quốc hứa sẽ tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản và khí đốt, nhưng chưa nói rõ đó là những mặt hàng gì, số lượng và giá trị bao nhiêu.

Với cuộc đàm phán thương mại sắp diễn ra, Tổng thống Donald Trump và các cố vấn kinh tế của mình đều cho biết, họ chưa quyết định thời điểm đàm phán và không vội vàng đi tới một thỏa thuận. Ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, cho biết Mỹ hy vọng sẽ bắt đầu thương lượng từ kết quả của 11 vòng đàm phán trước đây mà ông đánh giá là đã đạt được 90% của một hiệp định thương mại song phương.

“90% là công bằng, chỉ còn 10% là cứng rắn, khó nhượng bộ”, ông Kudlow nói trên đài Fox News hôm Chủ nhật 30-6. Mười phần trăm còn lại đó, theo giới phân tích, là yêu cầu của Mỹ đòi Trung Quốc phải đối xử công bằng, cụ thể là phải “luật hóa” việc chấm dứt trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ và bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác địa phương để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường.

Phía Trung Quốc từ lâu đã khẳng định đây là những “nguyên tắc cốt lõi” của thể chế kinh tế của họ và Bắc Kinh sẽ không nhân nhượng. Chính vì khoảng cách còn quá xa giữa quan điểm của hai bên, cuộc đàm phán thương mại, cho dù được nối lại, dự tính sẽ kéo dài và thị trường thế giới sẽ tiếp tục vận hành trong nỗi phập phồng về sự bất định trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Triều Tiên “đóng băng” chương trình hạt nhân?

Có rất ít thông tin về cuộc tiếp xúc bất ngờ của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Joung-un và cuộc hội đàm kéo dài một tiếng đồng hồ ở Bàn Môn Điếm. Nhưng ông Trump cho biết Mỹ và Triều Tiên sẽ sớm nối lại cuộc đàm phán “trong vài tuần tới” về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang bị ngưng trệ sau cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội hồi đầu năm nay.

Với ông Trump, giải pháp “đóng băng” chương trình hạt nhân của Triều Tiên có thể được coi là “một thắng lợi”, tránh được một cuộc đối đầu quân sự không cần thiết.

Bế tắc nằm ở chỗ phía Triều Tiên yêu cầu Mỹ gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp cấm vận đối với nước này, cam kết bảo đảm an ninh cho Triều Tiên trong khi phía Mỹ cho biết Bình Nhưỡng chỉ đồng ý ngưng phát triển chương trình vũ khí hạt nhân thay vì hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân và các cơ sở sản xuất chúng như yêu cầu của Washington.

Sau cuộc gặp hôm Chủ nhật vừa qua, Mỹ vẫn chưa quyết định bãi bỏ cấm vận Triều Tiên nhưng theo bình luận từ các quan chức tham dự cuộc hội đàm, có thể Mỹ sẽ nhân nhượng trong quan điểm về “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên, theo đó tình hình Triều Tiên sẽ được “giữ nguyên trạng”, Bình Nhưỡng sẽ phải phá hủy cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân Yongbyon và thậm chí phải ngừng hoạt động cơ sở làm giàu uranium Kangson đã bị tình báo Mỹ và Hàn Quốc phát hiện trước đây, đổi lấy việc Mỹ bãi bỏ một số biện pháp cấm vận.

Cuộc đàm phán theo hướng này sẽ kéo dài, lúc trồi lúc sụt, nhưng rốt cuộc Triều Tiên vẫn mặc nhiên được thừa nhận là một quốc gia hạt nhân, không tiếp tục phát triển nhưng vẫn sở hữu một số lượng vũ khí hạt nhân đáng kể, lại được nới lỏng cấm vận và được hỗ trợ của thế giới để vực dậy nền kinh tế của mình. Với ông Trump, giải pháp “đóng băng” chương trình hạt nhân của Triều Tiên có thể được coi là “một thắng lợi”, tránh được một cuộc đối đầu quân sự không cần thiết.

Thái Bình

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290974/nuoc-co-dong-a-cua-tong-thong-donald-trump-.html