Nửa đầu năm 2022, cả nước có 33 vụ mua bán người

Ngày 30/7 là Ngày toàn dân phòng chống mua bán người. Với chủ đề 'Sử dụng và lạm dụng không gian mạng', Bộ Công An phối hợp với các cơ quan, tổ chức quyết tâm tăng cường hợp tác nhằm phát triển các giải pháp bền vững dựa trên công nghệ để hỗ trợ phòng, chống mua bán người đặc biệt là tội phạm mua bán người trên không gian mạng.

Theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người; trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ. Đặc biệt, thời gian gần đây trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, tội phạm mua bán người lợi dụng triệt để mạng xã hội để kết bạn, làm quen, dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình. Nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, nếu muốn về nước thì phải chuộc một khoản tiền rất lớn. Internet và công nghệ số đã giúp cho tội phạm mua bán người có thêm công cụ và thủ đoạn để lừa bán người một cách nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí hơn và khó bị phát hiện hơn.

Trung tướng NGUYỄN DUY NGỌC, Thứ trưởng Bộ Công An: "Thứ nhất, tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm giải quyết vấn đề lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Thứ hai, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng, về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm.

Bà NGUYỄN THỊ MINH HƯƠNG, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam:Chúng tôi cũng phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành y tế để hỗ trợ cho nạn nhân khi họ trở về ở trong Ngôi nhà bình yên thì được tiếp cận các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất cũng như hoạt động hướng nghiệp, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng”.

Với 4 biện pháp để đẩy lùi nạn mua bán người hiệu quả là phòng ngừa, truy tố, hỗ trợ, hợp tác nhiều bên, đặc biệt chú trọng việc tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, người dân về sử dụng mạng xã hội an toàn. Qua đó giảm thiểu nguy cơ mua bán người nói riêng và các loại tội phạm nói chung trên không gian mạng góp phần để mỗi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, luôn có quyền được sống trong bình an, hạnh phúc.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nua-dau-nam-2022-ca-nuoc-co-33-vu-mua-ban-nguoi