NSND Thái Bảo: Luôn dạt dào cảm xúc khi hát về những người lính

Thái Bảo không chỉ hát trước các chiến sỹ, các thương binh, chị còn rất nhiều lần hát ở các nghĩa trang liệt sỹ, đặc biệt là ở Quảng Trị, Quảng Bình và lần nào chị cũng hát với cảm xúc dạt dào.

Nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo luôn hát những ca khúc cách mạng với cảm xúc dạt dào. (Ảnh: NVCC)

Nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo luôn hát những ca khúc cách mạng với cảm xúc dạt dào. (Ảnh: NVCC)

Càng gần tới đợt kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh, nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo càng bận rộn với lịch diễn dày đặc. Chị sẽ lại “cháy” trong những ca khúc đã “đóng đinh” với tên tuổi của mình như “Thăm bến Nhà Rồng,” “Thời hoa đỏ,” “Vết chân tròn trên cát”

Gặp chị sau tấm màn nhung sân khấu, khi chị vừa hoàn thành phần biểu diễn của mình, tôi được nghe nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo chia sẻ lý do vì sao chị vẫn vẹn nguyên cảm xúc trước những bài hát quen thuộc, đã hát đến nghìn lần.

Lội bùn, hát dưới mưa

Khi Thái Bảo 17 tuổi, đang học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia thì được cử lên phía Bắc biểu diễn. Thời điểm đó, chị chỉ ôm một cây đàn guitar gỗ đi diễn và những buổi trình diễn trên sân khấu đất đỏ ngày đó đã trở thành ký ức không thể nào quên.

Cô gái trẻ ngày ấy cảm thấy vô cùng vinh dự được biểu diễn phục vụ bộ đội trong những năm tháng ác liệt ở mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc. Những ký ức lội bùn, hát dưới mưa, không có micro và những tràng pháo tay của các chiến sỹ đã trở thành những kỷ niệm đẹp trong đời chị.

Nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo ôm đàn guitar hát phục vụ đồng bào và chiến sỹ năm 1984. (Ảnh: NVCC)

Nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo ôm đàn guitar hát phục vụ đồng bào và chiến sỹ năm 1984. (Ảnh: NVCC)

Đó cũng chính là lý do khiến chị có tình yêu đặc biệt với người lính và những ca khúc về người lính.

“Sân khấu lúc đó không đèn, không micro mà tôi hát đến cả chục bài không đủ. Có lúc chân phải lội bùn đứng hát cho bộ đội nghe. Hát xong thì chân đã lún sâu xuống bùn, không bước ra được,” Thái Bảo nhớ lại.

Kỷ niệm sâu sắc nhất của chị là một tối mưa phùn năm 1984. Sau buổi biểu diễn, chị trở về lán trại. Nửa đêm, chị bỗng nghe tiếng gọi cửa, thì ra là các chiến sỹ bộ đội đã vượt hơn 30 cây số đường rừng để đến nghe Thái Bảo hát lại bài “Vết chân tròn trên cát.”

“Hình ảnh người thương binh đứng trước mặt tôi trong đêm ấy khiến tôi không bao giờ quên được. Khuôn mặt anh ướt đẫm, không rõ là nước mắt hay nước mưa nhưng nhìn thấy cảnh đó tôi bật khóc,” nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo rưng rưng.

Khi mới bước vào con đường nghệ thuật, hình ảnh của chị gắn liền với cây đàn bầu. (Ảnh: NVCC)

Khi mới bước vào con đường nghệ thuật, hình ảnh của chị gắn liền với cây đàn bầu. (Ảnh: NVCC)

Và chị hát, các anh bộ đội lặng yên nghe. Ngay sau đó, theo hiệu lệnh quân đội, đoàn chiến sỹ phải rời đi. Thái Bảo cứ đứng nhìn theo và chỉ biết khóc.

Nhắc đến kỷ niệm đó, đôi mắt chị lại long lanh. Tôi tin rằng ấn tượng sâu đậm như vậy chính là lý do khiến Thái Bảo luôn có cảm xúc khi hát về người lính dù những bài hát đó đã được chị hát đi, hát lại nhiều lần, trên nhiều sân khấu.

Thái Bảo không chỉ hát trước các chiến sỹ, các thương binh, chị còn rất nhiều lần hát ở các nghĩa trang liệt sỹ, đặc biệt là ở Quảng Trị, Quảng Bình.

“Không có lần nào vào nghĩa trang hát mà tôi không xúc động. Tôi hát ‘Cỏ non thành cổ’ mà vừa hát vừa khóc bởi nghĩ rằng nơi mình đang đứng đây là cỏ, là đất mà cũng là xương máu các liệt sỹ. Họ đã hy sinh và xương máu họ đã thấm vào trong mảnh đất này, đúng như câu thơ ‘Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ’,” nghệ sỹ chia sẻ.

Mỗi khi cất tiếng hát, Thái Bảo lại thả hồn theo những ký ức ấy, nhớ đến những kỷ niệm ấy mà rung động trái tim.

Cả gia đình ‘cháy’ cùng nghệ thuật

Nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo là một giọng ca vang danh của dòng nhạc cách mạng. Ở tuổi U60, chị vẫn giữ được sự tươi tắn, trẻ trung ít người có được. Lý giải điều này, chị bảo rằng có lẽ vì chị “giàu” nên không phải lo lắng, suy nghĩ gì nhiều cho cuộc sống.

Ở tuổi U60, chị vẫn giữ được sự tươi tắn, trẻ trung. (Ảnh: NVCC)

Ở tuổi U60, chị vẫn giữ được sự tươi tắn, trẻ trung. (Ảnh: NVCC)

“Tài sản lớn nhất của tôi là gia đình. Chồng tôi là nghệ sỹ ưu tú Anh Tuấn, con trai Nguyễn Bảo Anh là nghệ sỹ saxophone. Cả nhà đều công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Tôi không giàu về tiền bạc, nhưng may mắn là giàu về tình cảm, có một gia đình yên ấm, hạnh phúc,” nghệ sỹ chia sẻ.

Trong gia đình, khi tất cả cùng làm nghệ thuật thì dễ thấu hiểu, thông cảm và hỗ trợ cho nhau. Nghệ sỹ Thái Bảo may mắn vì có chồng làm nghệ thuật, rồi con trai duy nhất cũng tiếp nối bố mẹ. Nhờ đó, gia đình chị luôn có tiếng nói chung, đó là âm nhạc.

“Âm nhạc xuất hiện trong mọi cuộc trò chuyện, thậm chí khi ăn chúng tôi cũng nói chuyện về âm nhạc. Âm nhạc trở thành sợi gây gắn kết cả gia đình,” chị chia sẻ.

Chị không giấu sự tự hào khi nhắc đến con trai. Ngoài đời, Bảo Anh khá kín tiếng, khiêm tốn, thậm chí thường muốn giấu “thân thế” là con trai của một nghệ sỹ nhân dân và một nghệ sỹ ưu tú bởi muốn khẳng định mình bằng thực lực.

“Khoảng 10 năm trước, Bảo Anh bắt đầu đi biểu diễn, tôi ngỏ ý muốn để cho con sử dụng chiếc xe máy tay ga của mình nhưng bạn ấy một mực từ chối vì sợ “chơi trội,’ chỉ muốn mua một chiếc xe giá trị nhỏ để tiện đi lại,” Thái Bảo kể.

Ngoài âm nhạc, nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo tìm niềm vui trong thể thao và nuôi động vật. Chị chơi bóng bàn rất giỏi và chăm sóc cho 3 chú cún.

Tiếp xúc với chị, dễ nhận thấy chị là người hồn nhiên. Trong âm nhạc, chị hồn hiên hát, cứ say sưa cất tiếng là có thể chạm vào trái tim khán giả bằng chính cảm xúc thật của mình. Trong cuộc sống, chị cũng không toan tính đến việc làm kinh tế.

Nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo và con trai Bảo Anh. (Ảnh: NVCC)

Nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo và con trai Bảo Anh. (Ảnh: NVCC)

“Hồi còn trẻ, có ngày tôi nhận gần chục ‘sô’ diễn, nhưng tôi không hề nghĩ đến việc mua vàng, hay mua đất. Hiện nay, tôi chỉ có duy nhất một căn nhà, cũng không dùng hàng hiệu đắt tiền,” chị tâm sự.

Tự nhận là người “biết đủ,” chị cũng không áp đặt con trai phải làm kinh tế. Ngược lại, chị khuyên con “cháy” hết mình vì nghệ thuật.

“So với những gia đình khác ngoài xã hội, chúng tôi thấy mình đã rất đầy đủ rồi. Vậy nên tôi luôn biết cân bằng, biết nhìn lên nhưng cũng biết nhìn xuống và không bao giờ đòi hỏi điều gì quá sức với mình,” Thái Bảo chia sẻ.

Trong ngôi nhà nhỏ ở phố Đặng Tiến Đông, cạnh gò Đống Đa, bên cạnh cây đàn dương cầm mà nghệ sỹ Thái Bảo vẫn luyện giọng hàng ngày còn có một cây kèn saxophone của người con trai và bộ trống của nghệ sỹ Anh Tuấn. Lúc cao hứng, họ cùng hòa tấu và niềm hạnh phúc lại thăng hoa cùng âm nhạc.

Nghệ sỹ Thái Bảo (tên thật là Kỳ Thái Bảo) sinh năm 1964 tại Nghệ An. Chị sở hữu chất giọng mezzo alto khàn, khỏe và ấm áp. Ngoài giọng hát, chị còn biết chơi nhiều nhạc cụ như guitar, piano, đàn bầu…

Nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo hát "Vết chân tròn trên cát":

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nsnd-thai-bao-luon-dat-dao-cam-xuc-khi-hat-ve-nhung-nguoi-linh/810669.vnp