NSND Bạch Tuyết gửi gắm nỗi niềm về cải cách bài vọng cổ

Thập niên 1960 của thế kỷ 20, tân nhạc Việt Nam bắt đầu phát triển với nhiều tác phẩm ấn tượng như: 'Ai về sông Tương', 'Ai xuôi vạn lý', 'Đêm tàn bến Ngự', 'Thương hoài ngàn năm'… NSND Viễn Châu là người tiên phong gieo duyên cho tân nhạc và vọng cổ.

NSND Thanh Hải phát biểu trong chương trình đào tạo của Học viện Cải lương

Vòng đào tạo (tập 6) của Học viện Cải lương do NSND Bạch Tuyết và ê-kíp trẻ tâm huyết với bộ môn nghệ thuật cải lương sẽ phát sóng trên Today TV - You TV lúc 19 giờ ngày 12-5, đồng thời trên kênh YouTube NSND Bạch Tuyết lúc 20 giờ.

Trong số đặc biệt này, NSND Bạch Tuyết và các khách mời gồm những nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đang tạo được sức hút với công chúng trẻ, bàn xoay quanh việc cải cách bài vọng cổ sao cho phù hợp, thuyết phục giới trẻ tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc.

Có thể nói, NSND Viễn Châu là người đặt nền tảng cho ra đời bài "tân cổ giao duyên". Trên nền nhạc tân, ông viết thêm những câu vọng cổ tạo thành tân cổ giao duyên.

Ca sĩ, nhạc sĩ Hồ Phi Nal giao lưu với các thí sinh Học viện Cải lương

Bài tân cổ giao duyên đầu tiên mà NSND Viễn Châu viết là "Chàng là ai?" trên nền tân nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hũu Thiết, do NSND Lệ Thủy thể hiện, hãng đĩa Hồng Hoa thu âm. Dư luận phản ứng. Nhiều nhà báo, nhạc sĩ nổi tiếng thời đó cho rằng NSND Viễn Châu làm hư hại bài vọng cổ, kêu gọi tẩy chay.

Tuy nhiên, ông âm thầm nhận những lời khen chê, vẫn nhẫn nại, kiên trì với sự cách tân này. Sau đó, ông nhận được những thành quả đẹp, từ sự thành công của đĩa tân cổ giao duyên "Cô hàng chè tươi, Chàng là ai?" ngoài sự mong đợi. Từ đó, bài tân cổ giao duyên được đón nhận và tồn tại đến hôm nay.

Diễn viên Tú Tri và Lâm Nguyễn ứng biến diễn xuất trong chương trình đào tạo Học viện cải lương

NSND Bạch Tuyết mong muốn, trong thời hoàng kim, cải lương vẫn đi tìm cái mới của thời đại. Vì thế, trong Học viện Cải lương, nhà sản xuất dành riêng một học phần để đào tạo "cải lương trendy", mang hơi thở đương đại của những người trẻ.

Tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho thí sinh trong tập này có: MC Bảo Anh, ca sĩ -nhạc sĩ Hồ Phi Nal, ca sĩ Hoài Anh Kiệt, nhà sáng tạo nội dung/TikToker Đức Anh, diễn viên Lâm Nguyễn.

Ca sĩ, nhạc sĩ Hồ Phi Nal từng kết hợp với NSND Bạch Tuyết trong sản phẩm "Cô Ba ca cổ", kết hợp giữa âm nhạc hiện đại, trẻ trung và vọng cổ. Tác phẩm gây chú ý khi ra mắt cận kề dịp Tết Nguyên đán 2024 và lọt vào top 5 ca khúc nhạc Tết thịnh hành nhất do Tiktok VN bình chọn. Một đoạn nhạc trong bài này cũng tạo nên cơn sốt nhảy múa trên mạng xã hội, cho thấy tính độc đáo, hợp thời.

Các thí sinh tham gia Học viện cải lương

Gần đây, hình ảnh của NSND Bạch Tuyết và Hồ Phi Nal trong "Tân khúc Lý cô Ba" (một phiên bản của "Cô Ba ca cổ") xuất hiện ở Quảng trường Thời đại (Mỹ) trong chiến dịch quảng bá nhạc Việt ra thế giới do do VIEENT MUSIC (đơn vị chuyên phát hành, bảo vệ bản quyền, hiện là đối tác trực tiếp với nhiều nền tảng như YouTube, TikTok, Apple Music, Spotify...) thực hiện.

Ca sĩ, nhạc sĩ Hồ Phi Nal cho rằng đây là cơ hội lớn trong quá trình làm nghệ thuật. Trước đó, anh chưa từng kết hợp giữa cải lương và âm nhạc hiện đại vào một tác phẩm. Khi NSND Bạch Tuyết ngỏ ý, anh thấy áp lực nhiều hơn vui mừng nhưng cuối cùng vẫn chinh phục được thử thách vì thích cảm giác này.

Theo anh, điểm khó nhất là tạo "mối nối" cho nhạc và câu vọng cổ mượt mà, không bị gãy nhịp. Phần lời tân nhạc và vọng cổ do hai người viết nên tempo nhạc khác nhau. Anh cũng khuyên thí sinh đừng quá ôm đồm nhiều chất liệu vào trong một ca khúc, sẽ rất khó thể hiện.

NSND Bạch Tuyết cho biết: "Theo thời gian, năm tháng, thân người sẽ già đi. Nhưng tâm và ý là 2 thứ có thể vẫn chứa đựng những tâm huyết, hoài bão, suy nghĩ muốn tiếp tục sáng tạo. Tôi luôn theo dõi, lắng nghe và có sự chủ động tìm đến những người trẻ để học họ, nghe và cảm cái hơi thở thanh xuân, thời đại mà họ đang là chủ nhân.

Trong "Em gái mưa" có câu "Mưa rơi để lại ngây thơ", tôi nghe và liền gọi điện thoại cho nhạc sĩ Mr Siro để xin được chuyển thể bài vọng cổ. Lần này, trong "Cô Ba ca cổ", tôi yêu câu này của Nal "Bắt con nắng mà thả trên lưng", đẹp và trong trẻo quá! Và tất cả đó, tôi muốn tải bằng âm điệu, ca từ của cải lương...đó cũng là điều mà bà già 80 tuổi này muốn làm".

Ca sĩ, nhạc sĩ Hồ Phi Nal giao lưu với khán giả

Lý giải về điều này, ông Trần Thanh Dũng, giám đốc sản xuất chương trình chia sẻ: "Việc bắt nhịp các xu hướng, gu thưởng thức của giới trẻ cũng là những yếu tố quan trọng trong việc làm mới, giúp cải lương đi xa hơn, gần người trẻ hơn. Vì lẽ đó, Đức Anh xuất hiện ở đây để chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm mà bạn có được với mạng xã hội. Điều này cũng sẽ có ích cho thí sinh để chủ động xây dựng hình ảnh trên các nền tảng".

Học viện Cải lương xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là NSND - Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết. Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng "thầy đờn" - nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình để đào tạo, truyền nghề. Dẫn dắt chương trình là nhà sáng tạo nội dung Thầy Beo U40.

Học viện Cải lương với tổ hợp gồm đào tạo - tranh tài - trình diễn, hướng đến xây dựng hình ảnh nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, không chỉ làm nghề, mà còn làm văn hóa.

Học viện Cải lương gồm 12 tập. Trong đó 3 tập đầu là vòng tuyển chọn các thí sinh. 8 tập sau đó là các thử thách để đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho họ. Từ 50 thí sinh ban đầu, giám khảo chọn ra 25 bạn đi tiếp, sau đó loại dần còn một số thí sinh trước chung kết. Tập 12 khép lại chương trình, tìm ra ngôi vị quán quân.

Thanh Hiệp (Ảnh: Học viện Cải lương)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nsnd-bach-tuyet-gui-gam-noi-niem-ve-cai-cach-bai-vong-co-196240511105408549.htm