Nông sản hữu cơ vẫn 'tắc' đầu ra
Được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng do giá thành sản phẩm cao hơn nhiều lần so với các sản phẩm thông thường nên nông sản hữu cơ vẫn 'tắc' ở khâu tiêu thụ, khó có 'đất diễn' ở thị trường trong nước.
Với hơn 5 năm công tác trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản và gần 2 năm trực tiếp đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại công ty CP Nông trại hữu cơ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Giám đốc doanh nghiệp này nhận thấy nông nghiệp hữu cơ sẽ là bước đệm quan trọng cho nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa nếu có định hướng kịp thời và phù hợp. Nhưng đây cũng sẽ là những thách thức lớn nếu không khắc phục được.
Chưa hấp dẫn người tiêu dùng
Theo bà Hằng, hiện nay các sản phẩm hữu cơ vẫn rất yếu ở khâu đẩy mạnh tiêu thụ. So sánh về giá và mẫu mã sản phẩm thì nông sản hữu cơ luôn luôn kém ưu thế hơn so với các loại nông sản trên thị trường. Phần lớn khách hàng đang thiếu thông tin nhưng nghi ngờ. Khi mà sự nghi ngờ vẫn còn thì tư duy mua hàng dựa trên tiêu chí chất lượng, an toàn sẽ không thay đổi và người tiêu dùng vẫn tiếp tục chọn mua sản phẩm đẹp, bắt mắt thì việc mở rộng thị trường thực phẩm hữu cơ là điều không thể. Từ đó, đầu ra cho sản phẩm hữu cơ - công nghệ cao luôn gặp phải những rào cản về thói quen và giá thành từ người tiêu dùng.
Hiện nay, thị trường nội địa sản phẩm hữu cơ chưa phát triển và vẫn chưa có số liệu cụ thể về chủng loại và số lượng được sản xuất, tiêu thụ hàng năm. Điều này dẫn đến sự mù mờ trong việc định hướng chiến lược của người sản xuất và chính sách Nhà nước.
"Thêm vào đó, việc xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ đang đi về hướng bế tắc do hiện trạng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm đội lốt nông sản sạch tràn lan ngoài thị trường", bà Hằng chia sẻ.
Hay ông Trần Phong Lan, Giám đốc công ty phát triển nông nghiệp Hải Âu, cho hay đã đầu tư gần 40 tỷ đồng vào trồng trọt hữu cơ từ năm 2013 đến nay. Có lẽ đây chưa phải là con số cuối cùng. "Con đường bán hàng cũng khó khăn như sản xuất mà có khi còn khó hơn. Tạo ra sản phẩm từ năm 2013 nhưng để làm thương hiệu, xây hệ thống, đưa nó đến tay người tiêu dùng còn khó hơn", ông nói.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Vinamit cũng đánh giá, thời của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam là từ năm 2020. Ông cho rằng, người tiêu dùng đang trông đợi sản phẩm thiết thực cho cuộc sống, nói cách khác là thực phẩm sạch. Tuy nhiên, việc đưa nông sản hữu cơ đến người tiêu dùng không dễ. Giai đoạn 2017-2018, bản thân ông phải đi thuyết phục các siêu thị cho đặt quầy bán sản phẩm hữu cơ và kiên trì tiếp thị cho đến bây giờ.
Hiện, nhiều siêu thị đã xây dựng những quầy kệ riêng cho mặt hàng hữu cơ. Tuy vậy, sức mua vẫn còn hạn chế do người tiêu dùng băn khoăn về mức giá. Chị Hoa Mai (Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay hiện nay để tìm mua sản phẩm hữu cơ trên thị trường là không khó. Tuy nhiên, giá nông sản hữu cơ thường cao hơn gấp 3-4 lần nên chính bản thân chị cũng không mặn mà, nhiều khi chỉ đến tham khảo rồi lại đi.
Đẩy mạnh phát triển thị trường
Trong một hội thảo bàn về phát triển nông nghiệp hữu cơ do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chia sẻ muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ không thể chỉ bàn khâu sản xuất mà cần phải đặc biệt quan tâm phát triển thị trường cho ngành hàng này.
Ông Hoan nói: "Có lẽ trong những đại biểu tham dự hội thảo chiều nay khi họp xong trên đường đi về lại ghé qua chợ truyền thống, ngồi trên xe gọi người bán đem cho mớ rau mà chúng ta cũng chẳng cần biết sạch hay không". Thứ trưởng Bộ NN&PTT cho rằng cần phải xây dựng hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp hữu cơ gồm nhà nông dân, nhà khoa học, người tiêu dùng, doanh nghiệp...
Điều này cho thấy thị trường cho nông sản hữu cơ là bài toán cần phải được giải quyết. Thứ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết: Ông đã từng ngồi nói chuyện 2 tiếng với một giám đốc HTX để nghe việc tại sao phải làm nông sản sạch, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phải thu hút được khách du lịch nước ngoài vào thăm quan nông trại. Việc kết hợp được nông nghiệp hữu cơ và du lịch là rất tốt.
"Làm sao để khách nước ngoài sẵn sàng bỏ 10-20 USD chỉ để được cầm một cái thùng tưới nước, vun xới đất khi vào thăm quan trang trại hữu cơ thì khi đó giá trị thu về của sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ rất lớn", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho rằng, liên kết sản xuất là yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, thăm dò các vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp để đẩy mạnh liên kết.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cũng phản ánh với hiện trạng quy mô sản xuất nông nghiệp của nhiều tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún nên trong quá trình tổ chức triển khai, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn.
Đây cũng là những vấn đề cần phải được giải quyết trong đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đang được Bộ NN&PTNT triển khai.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nong-san-huu-co-van-tac-dau-ra-1075548.html