Nơi 'phên dậu' Tổ quốc - Kỳ 2: Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Thông qua nhiều mô hình và chương trình thiết thực, bộ đội biên phòng đã đóng góp vào việc tạo dựng sinh kế bền vững, giúp đồng bào vùng biên ổn định cuộc sống và xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nhiều mô hình sinh kế thiết thực

Với tinh thần "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt," lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều phong trào, chương trình, và mô hình thiết thực, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phù hợp với đặc điểm địa bàn biên giới.

Những chương trình như "Con nuôi đồn biên phòng", "Nâng bước em tới trường", cùng với việc hỗ trợ cây giống, con giống, và chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tất cả đều xuất phát từ lòng tận tụy vì nhân dân.

Nhờ những nỗ lực này, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, đời sống của người dân vùng biên ngày càng khởi sắc, góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng biên giới ổn định, phát triển bền vững.

Trên cánh đồng lúa xanh mướt, nước róc rách từ mương lớn chảy vào ruộng, chị Rơ Mah Pênh (làng Nú, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) không giấu được niềm vui. Chị nhớ lại khoảng 3 năm trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát. Dù có ruộng rẫy nhưng năng suất thấp, cuộc sống gia đình chỉ đủ ăn từng bữa.

Nhưng nhờ sự động viên và hỗ trợ của các chiến sĩ biên phòng, gia đình chị và các hộ khác đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên có cuộc sống ổn định hơn, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và từng bước phát triển.

Bộ đội xuống làng cùng ăn ở, giúp người dân phát triển kinh tế.

Bộ đội xuống làng cùng ăn ở, giúp người dân phát triển kinh tế.

Chị Pênh vui mừng chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng được ít ngô, mì, quanh năm thiếu thốn. Kể từ khi được các chú bộ đội biên phòng hỗ trợ bò giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, cuộc sống dần cải thiện. Giờ đây, gia đình tôi đã có cái ăn đầy đủ, các con cũng được đến trường. Tôi rất biết ơn các chú bộ đội, nhờ có các chú mà gia đình tôi mới thoát khỏi cảnh nghèo khó như hiện nay".

Còn bà Siu Bin (làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) cho biết: "Trước đây, bà con trong làng chỉ trồng lúa một vụ mỗi năm, hoàn toàn phụ thuộc vào mưa trời. Khi được mùa thì vui, còn mất mùa thì đói.

Nhưng từ khi các chú bộ đội biên phòng đến tận làng, hướng dẫn chúng tôi cách làm đất, dẫn nước về ruộng, và chỉ cho kỹ thuật trồng lúa hai vụ, năng suất đã tăng lên rõ rệt. Bây giờ, không chỉ đủ ăn mà còn có lúa để bán, cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nhờ sự giúp đỡ của các chú bộ đội, chúng tôi mới biết cách làm ăn ổn định, ấm no như hôm nay".

Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, người dân đã canh tác được lúa 2 vụ/năm, năng suất vượt trội.

Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, người dân đã canh tác được lúa 2 vụ/năm, năng suất vượt trội.

Xóa đói giảm nghèo

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Rơ Ô Thuy, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Púch, chia sẻ: "Trước đây, bà con chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, dựa vào kinh nghiệm và hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, vì thế năng suất rất thấp. Thấu hiểu khó khăn đó, chúng tôi đã xuống tận làng, ăn cùng, ở cùng và làm đồng cùng bà con.

Chúng tôi từng bước hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt mới, khuyến khích áp dụng máy móc vào sản xuất, đồng thời giúp bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.

Hiện nay, nhiều hộ gia đình đã có thể trồng 2 vụ lúa mỗi năm, năng suất đạt kết quả cao hơn, đời sống của bà con ngày càng ổn định, họ rất vui mừng và tin tưởng. Những việc làm thiết thực này không chỉ giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất mà còn góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc tại biên giới".

Không chỉ đồng hành cùng bà con trong việc phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập, lực lượng Biên phòng tỉnh Gia Lai còn tích cực triển khai chương trình "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" tại vùng biên.

Với tinh thần trách nhiệm và tình cảm gắn bó mật thiết với nhân dân, cán bộ chiến sĩ không ngần ngại khó khăn, huy động ngày công lao động và nguồn lực xã hội để hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, an toàn. Mỗi căn nhà mới không chỉ là nơi an cư, mà còn là biểu tượng ấm áp của tình nghĩa quân dân, góp phần xây dựng một cuộc sống ổn định và bền vững nơi biên cương Tổ quốc.

Vợ chồng ông Siu Hoàng (làng Khôn, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) hạnh phúc khi được trao tặng nhà mới.

Vợ chồng ông Siu Hoàng (làng Khôn, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) hạnh phúc khi được trao tặng nhà mới.

Trong ngày lễ trọng đại khi nhận ngôi nhà mới khang trang từ bộ đội biên phòng, vợ chồng ông Siu Hoàng (làng Khôn, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) không giấu được niềm xúc động, nước mắt hạnh phúc.

Ông Hoàng chia sẻ trong nghẹn ngào: "Nhà cũ của tôi dột nát lắm, mỗi khi trời mưa, chúng tôi phải lấy thau, nồi hứng nước khắp nơi. Mưa to, cả gia đình phải co lại một góc để tránh ướt. Bao năm qua, vợ chồng con cái sống trong cảnh tạm bợ, chỉ mong có được mái nhà vững chãi để che nắng, che mưa.

Hôm nay, khi nhận ngôi nhà mới do các chú bộ đội biên phòng xây tặng, tôi mừng đến rơi nước mắt. Ngôi nhà kiên cố, sạch sẽ, giúp chúng tôi cảm thấy an lòng hơn để ổn định cuộc sống. Cả gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn các chú, vì nhờ các chú, chúng tôi đã thay đổi cuộc đời từ chính nơi khó khăn nhất".

Nhiều người dân nghèo có nhà mới nhờ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Nhiều người dân nghèo có nhà mới nhờ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, chia sẻ: "Với tinh thần 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt', Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã tích cực phối hợp với địa phương hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng biên.

Chúng tôi luôn chủ động triển khai các chương trình, mô hình sinh kế giúp xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu trong Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030".

Hết!

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/noi-phen-dau-to-quoc-ky-2-don-la-nha-bien-gioi-la-que-huong-204250415134731395.htm