Nơi người có công được quan tâm, chăm sóc như ở nhà

Hôm nay chúng tôi được đến Trung tâm Điều dưỡng người có công (NCC), có Ban Giám đốc và cán bộ, nhân viên đón tiếp nhiệt tình; quan tâm chăm sóc, chúng tôi vui và xúc động lắm, cứ như trở về ngôi nhà mình, với người thân.

Chăm lo cho người có công như người nhà

Ngồi trong phòng nghỉ Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội, bệnh binh hạng 2 Nguyễn Văn Pha đến từ xã Thống Nhất, huyện Thường Tín đã chia sẻ như vậy khi lần đầu tiên được đến nơi này. Trưởng đoàn NCC huyện Thường Tín cũng cho biết cảm nhận của mình về Trung tâm có cơ sở vật chất tốt, sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều khu vui chơi giải trí phù hợp với người cao tuổi. Với chương trình 7 ngày điều dưỡng, những NCC được trải nghiệm nhiều hoạt động như chơi thể thao ở ngoài trời (cờ tường, cầu lông, bóng chuyền…), ngâm chân thuốc Bắc, tắm sục, xông khô, nằm đệm massa, hát, đọc báo, giao lưu văn hóa – văn nghệ, nghe nói chuyện thời sự, tư vấn sức khỏe...

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội thăm khám sức khỏe cho các bác người có công.

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội thăm khám sức khỏe cho các bác người có công.

“Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo đã đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, hôm nay được đến Trung tâm, anh em, đồng đội gặp nhau rất mừng. Trung tâm điều dưỡng NCC là nơi hội ngộ nên đợt này có người trên 80 tuổi vẫn đăng ký đi để được gặp gỡ, hàn huyên với các đồng đội. Có người sức khỏe yếu được các đồng chí ở Trung tâm ra tận xe dìu vào rất phấn khởi” – Trưởng đoàn NCC huyện Thường Tín Nguyễn Văn Pha bộc bạch.

Khi đến các trung tâm điều dưỡng, người có công được ngâm chân thuốc Bắc có công dụng thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết hóa ứ, giảm đau.

Khi đến các trung tâm điều dưỡng, người có công được ngâm chân thuốc Bắc có công dụng thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết hóa ứ, giảm đau.

Tại Trung tâm Điều dưỡng NCC số 2 trực thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội, các bác NCC phấn khích kể về việc vừa thăm quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, trải nghiệm tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. Bác Nguyễn Hữu Xuân là bệnh binh hạng 2 đến từ phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm lựa chọn điểm đến Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đã có nhiều cảm xúc khi được xem lại những hình ảnh, kỷ vật thời chiến tranh. 17 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và Tây Nguyên, đến nay người cựu chiến binh gần 80 tuổi này vẫn mang trong mình khí chất của anh Bộ đội Cụ Hồ. Những ngày được đi điều dưỡng, ông Xuân lại nhớ đến những đồng đội của mình: “Cách đây mấy ngày, tôi có viết một bài nhớ lại các đồng đội hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên. Hiện nay, anh em trong Ban liên lạc hội bạn chiến đấu đã lo chuyển hài cốt các đồng chí ấy về địa phương để yên nghỉ nơi quê hương mình.”

Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội Chu Đình Điệp (áo xanh, bên trái) thăm hỏi 2 đoàn điều dưỡng huyện Đông Anh và huyện Thạch Thất, tháng 5/2022.

Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội Chu Đình Điệp (áo xanh, bên trái) thăm hỏi 2 đoàn điều dưỡng huyện Đông Anh và huyện Thạch Thất, tháng 5/2022.

Ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội và Trung tâm Điều dưỡng NCC số 2, cho thấy, nhiều NCC đã chọn quay trở lại nơi này lần thứ hai, thứ ba. Nhiều NCC cho biết rất bất ngờ trước sự đổi thay của Trung tâm, đường đi được mở rộng và trải thảm nhựa; vườn hoa cây cảnh xanh tươi; nhà cửa khang trang, phòng nghỉ khép kín đầy đủ tiện nghi… Những điều đó cho thấy sự cố gắng, nỗ lực, bỏ ra nhiều công sức cùng cái tâm của anh, chị, em công tác tại các trung tâm điều dưỡng NCC

Các bác người có công quận Ba Đình và Bắc Từ Liêm phấn khởi khi được trải nghiệm đi tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Các bác người có công quận Ba Đình và Bắc Từ Liêm phấn khởi khi được trải nghiệm đi tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Cán bộ, nhân viên vui vì được phục vụ người có công

Chia sẻ về công tác chuẩn bị đón NCC vào điều dưỡng, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng NCC số 2 Nguyễn Văn Triệu cho biết: Năm 2022, Trung tâm được giao điều dưỡng 1.825 chỉ tiêu, đến nay đã thực hiện được 12 đợt với 1.392 người. Trong đó có nhiều bác đã đến Trung tâm điều dưỡng năm 2020 và có ông, bà tới các năm trước. Hai năm dịch bệnh Covid-19, Trung tâm tập trung cải tạo cơ sở vật chất, cây cảnh, cây hoa được trồng từ cổng vào đến các khu nhà điều dưỡng. Nhà cửa được đầu tư sửa chữa theo hướng tiện nghi thuận tiện cho NCC sinh hoạt.

Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 chuẩn bị bữa ăn ngon, bổ dưỡng, trình bày đẹp mắt phục vụ các bác người có công.

Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 chuẩn bị bữa ăn ngon, bổ dưỡng, trình bày đẹp mắt phục vụ các bác người có công.

“Trước đây, có khu nhà điều dưỡng, 4 phòng dùng chung nhà vệ sinh, giờ được Trung tâm cải tạo thành các phòng khép kín có khu vệ sinh riêng; trong phòng có ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, cây nước nóng – lạnh. Ngày đầu tiên NCC đến điều dưỡng, Trung tâm tổ chức khám sức khỏe, xây dựng phác đồ chăm sóc và điều trị (nếu có bệnh)…” – bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó phòng Quản lý và Nuôi dưỡng, Trung tâm Điều dưỡng NCC số 2 cho hay.

Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 Nguyễn Văn Triệu đi đến từng bàn ăn chúc các bà, các bác ăn ngon miệng.

Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 Nguyễn Văn Triệu đi đến từng bàn ăn chúc các bà, các bác ăn ngon miệng.

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội cũng đã có sự chuẩn bị đón NCC trước đó rất lâu, từ việc kiểm soát dịch bệnh, xây dựng phương án nếu có trường hợp mắc Covid-19. Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC Hà Nội Chu Đình Điệp cho biết, đến thời điểm này, chúng tôi đón được 987 NCC/1.893 chỉ tiêu được giao. Công tác chuyên môn điều dưỡng là công việc thường niên nhưng năm nay được thực hiện cẩn thận hơn rất nhiều. Các sản phẩm thịt, cá, rau,…dùng để nấu ăn hằng ngày được kiểm soát chặt hơn, yêu cầu nhà cung cấp phải thông tin về nguồn gốc, có hợp đồng, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, mã số thuế.

Người có công chơi cờ người và tham gia nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.

Người có công chơi cờ người và tham gia nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.

Các phòng NCC ở gọn gàng, sạch sẽ, được đầu tư tốt hơn, như thay chăn, ga, gối, đệm, giường, tủ; hệ thống vệ sinh từ gương, chậu rửa lavabo cũng được lắp mới; trong khu vệ sinh có hộp đựng xà phòng, sữa tắm… tất cả đều rất lịch sự, đạt chuẩn 3 sao. Hệ thống ngâm chân hoàn toàn mới; hệ thống tắm sục, xông khô, và các phòng chức năng khác đều được duy trì và phục vụ chu đáo hơn. Trung tâm cũng đầu tư bát, đĩa, nồi soong mới. Năm nay Trung tâm thực hiện nấu ăn sáng cho NCC là phở bò, phở gà, bún cua, bún cá; các món ăn chính được nấu ăn ngon hơn và trình bày đẹp mắt hơn.

Các bác người có công khi đi điều dưỡng được tham gia các hoạt động thể thao để giữ gìn sức khỏe.

Các bác người có công khi đi điều dưỡng được tham gia các hoạt động thể thao để giữ gìn sức khỏe.

“Chúng tôi rất hồi hộp khi đón NCC đến chăm sóc vì không biết 2 năm dịch bệnh Covid-19 sức khỏe các bác ra sao. Nhưng khi đi đón, được các bác NCC nhận ra, thấy các bác khỏe và phấn khởi, tinh thần của anh, chị, em vui lắm. Chúng tôi vui vì được phục vụ NCC; bởi vậy trên tất cả quần áo đồng phục của cán bộ, nhân viên các bộ phận đều có logo bộ mặt cười và mọi người đều có gương mặt tươi tỉnh” – ông Chu Đình Điệp cho hay.

Các cán bộ, nhân viên làm công tác điều dưỡng rất vui và luôn nở nụ cười khi được chuẩn bị các bữa ăn phục vụ người có công. Ảnh: Trần Oanh.

Các cán bộ, nhân viên làm công tác điều dưỡng rất vui và luôn nở nụ cười khi được chuẩn bị các bữa ăn phục vụ người có công. Ảnh: Trần Oanh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, việc trực tiếp chăm sóc NCC khi thời tiết nắng nóng tuy hơi vất vả nhưng bằng lòng nhiệt tình, yêu nghề và tận tâm với nghề, cán bộ và nhân viên đều cố gắng nỗ lực hết mình để phục vụ các bác được tốt nhất. Đó cũng là sự cảm ơn của Trung tâm đến các bác đã hy sinh xương máu để chúng ta có được cuộc sống hòa bình hôm nay.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/noi-nguoi-co-cong-duoc-quan-tam-cham-soc-nhu-o-nha.html