Nỗi lo thiếu thú y viên cấp xãTin khácDự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 3)Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)

Thú y viên cấp xã có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tuy nhiên, hiện nay, việc thu hút người tham gia vào công tác này còn khó khăn.

Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng cao. Tuy nhiên, ngược lại với sự phát triển của ngành chăn nuôi thì mạng lưới thú y viên cơ sở mỏng, ảnh hưởng đến công tác tiêm phòng và bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Cán bộ TTDVNN huyện Bình Gia phun khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi

Cán bộ TTDVNN huyện Bình Gia phun khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi

Ông Hoàng Kim Viện, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, do tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi khá phức tạp, địa bàn vùng sâu, vùng xa di chuyển bất tiện, trong khi phụ cấp lại thấp nên thú y viên đã xin nghỉ. Hiện toàn xã có trên 11.000 con gia súc, gia cầm… nếu xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó khăn trong công tác giám sát, dập dịch. Thời gian qua, UBND xã cũng liên tục tìm ứng viên hoặc vận động thanh niên có bằng cấp về công tác chuyên môn này nhưng không ai ứng tuyển.

Hiện nay, huyện Bình Gia có 3 xã không có thú ý viên là Hòa Bình, Bình La, Tân Hòa. Ông Nông Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện cho biết: Địa bàn huyện có nhiều xã vùng 3, địa hình khó khăn, việc thiếu thú y viên cấp xã là trở ngại lớn. Cứ đến thời điểm tiêm phòng hoặc xã có phát sinh dịch bệnh, trung tâm phải cử cán bộ hỗ trợ hay điều động thú y viên xã khác đến nên tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt khoảng 50%, việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng không được kịp thời. Đơn cử, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện vẫn còn phát sinh dịch tả lợn châu Phi, tụ huyết trùng, tiên mao trùng trên trâu, bò…

Không chỉ Bình Gia, việc thiếu thú y viên cấp xã cũng đang diễn ra ở Hữu Lũng. Theo bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc TTDVNN huyện, toàn huyện có 20 thú y viên phụ trách công tác thú y trên địa bàn 24 xã, thị trấn. Do đội ngũ mỏng, nên rất khó khăn trong việc tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài hai huyện kể trên, một số huyện khác cũng thiếu thú y viên cấp xã như: Chi Lăng, Tràng Định… Theo kết quả điều tra năng lực hệ thống chuyên ngành thú y cấp xã của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hết năm 2021, toàn tỉnh có 182/200 xã, phường, thị trấn có thú y cấp xã. Nguyên nhân là sau khi Nghị quyết số 02 ngày 30/3/2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định nhân viên thú y xã là cán bộ không chuyên trách, việc ký hợp đồng, tuyển dụng và chi trả phụ cấp do UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện…, một số xã không tuyển được thú y viên do chế độ phụ cấp thấp. Đặc biệt, năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra, thú y viên cấp xã phải đi chống dịch không kể ngày đêm, công việc vất vả nên một số đã xin nghỉ việc.

Việc thiếu thú y viên đã ảnh hưởng đến công tác tiêm phòng theo kế hoạch, tỷ lệ tiêm phòng một số loại bệnh chưa cao. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh tiêm phòng bệnh lở mồm long móng trên gia súc chỉ đạt 27%, tiêm phòng tụ huyết trùng đạt 33% và bệnh dịch tả lợn châu Phi đạt 37% so với kế hoạch năm…

Ngoài ra, công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh cũng không kịp thời nên dịch bệnh có nguy cơ lây lan, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ông Đặng Quý Vượng, thôn Tân Tiến, xã Tân Hòa, huyện Bình Gia cho biết: Chăn nuôi lợn, gà đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Năm 2019, khi thông tin các xã lân cận bị dịch tả lợn châu Phi, do xã không có thú y viên, nên tôi chỉ biết phòng tránh theo kinh nghiệm bằng cách rắc vôi bột, phun khử trùng chuồng trại.

Để khắc phục hạn chế trên, ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 146/KH-UBND ngày 26/6/2021 về thực hiện “Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từng bước kiện toàn, củng cố, tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật. Đồng thời, đối với xã không có thú y viên, hằng năm, chi cục đều tham mưu các văn bản gửi UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huy động các thú y viên các xã lân cận đến hỗ trợ tiêm phòng, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

Hệ thống thú y viên cấp xã là lực lượng quan trọng trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn, thiết nghĩ, các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn cần có những giải pháp nhằm hoàn thiện, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y viên cơ sở, đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi hiệu quả.

HỒ DUNG

NHÓM PV KINH TẾ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/513440-noi-lo-thieu-thu-y-vien-cap-xa.html