Nỗi lo an toàn giao thông học đường
ĐBP - Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn giao thông cho lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh sinh viên. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trong thanh thiếu niên, nhất là học sinh điều khiển xe gắn máy dung tích dưới 50cm3 và xe máy điện. Lo ngại hơn, không ít trường hợp thanh thiếu niên không chấp hành hiệu lệnh, vi phạm quy định về an toàn giao thông còn thể hiện thái độ thách thức cảnh sát giao thông. Ðể khắc phục tình trạng học sinh vi phạm các quy định an toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng mà đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ nhà trường và gia đình.
Các loại xe gắn máy dung tích dưới 50cm3 và xe máy điện chủ yếu được học sinh lứa tuổi từ 14 đến dưới 18 sử dụng, điều khiển. Ðây là đối tượng chưa nhận thức hết được mối nguy hiểm cũng như hậu quả của việc vi phạm các quy định an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhiều học sinh điều khiển phương tiện với tốc độ khá cao, không đội mũ bảo hiểm, luồn lách, dàn hàng ngang… không chỉ gây nguy hiểm với chính bản thân mình mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn với người khác. Theo quy định của pháp luật hiện nay, người điều khiển các loại xe máy dung tích dưới 50cm3 và xe máy điện không cần phải có giấy phép lái xe cộng thêm sự tiện lợi của các loại xe này khi di chuyển nên nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư trang bị cho con em mình loại phương tiện này để đến trường. Trong khi đó, việc trang bị kiến thức, hướng dẫn các em chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn giao thông còn hạn chế. Vì vậy, không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra do học sinh thiếu kỹ năng lái xe, thiếu kinh nghiệm trong phán đoán và xử lý tình huống, vi phạm các quy định về an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), trên địa bàn tỉnh hiện có trên 15.000 xe máy dung tích dưới 50cm3 và xe máy điện. Với số lượng xe khá lớn như vậy, tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh rất nhiều học sinh điều khiển loại phương tiện này tham gia giao thông. Các lỗi phổ biến của học sinh khi tham gia giao thông chủ yếu là phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, tháo gương chiếu hậu, đi dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ… Ðáng chú ý, không ít học sinh thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật, chỉ nghiêm chỉnh chấp hành quy định an toàn giao thông khi có lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; thậm chí, có hiện tượng lập trang mạng xã hội thông báo địa điểm các chốt có cảnh sát để tránh né kiểm tra, kiểm soát. Tuy là xe máy phân khối thấp và xe máy điện nhưng tốc độ cũng khá cao, đặc biệt vào thời điểm chiều tối, nhiều học sinh chạy xe nhanh, vượt ẩu, xe lại không gây tiếng động lớn khiến nhiều người cùng tham gia giao thông bị giật mình gây ra các vụ va quệt, ngã xe… Thông tin của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia công bố mới đây cho thấy, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông ở trẻ em; trong đó, có tới 55% số vụ tai nạn giao thông xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện, xe đạp điện. Còn trên địa bàn tỉnh, trong 1 năm (10/2019 - 9/2020), lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý vi phạm hành chính đối với 130 trường hợp là học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong 9 tháng năm nay, Công an TP. Ðiện Biên Phủ đã xử lý 592 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông. Ðây là vấn đề cần sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm của mỗi gia đình trước khi mua xe, giao xe cho con em mình.
Thực tế, thời gian qua, việc phổ biến, tuyên truyền về an toàn giao thông đã được lực lượng chức năng tổ chức bằng nhiều hình thức; phối hợp với các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa hay những cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ. Lực lượng công an cũng có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn như thông báo về trường học các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông để nhà trường cùng xử lý nâng cao tính răn đe. Tuy nhiên, với sự gia tăng số lượng phương tiện xe máy điện, xe đạp điện và tình trạng vi phạm quy định đảm bảo an toàn giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên đang có xu hướng tăng hiện nay cần sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa giữa lực lượng chức năng cùng nhà trường và gia đình. Nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, hướng dẫn học sinh các quy tắc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông; đồng thời, đưa vào tiêu chí xét thi đua ý thức chấp hành quy định pháp luật nói chung về an toàn giao thông nói riêng. Các gia đình và mỗi phụ huynh cân nhắc trước khi mua xe cho con; trang bị kiến thức và thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông… Thực hiện tốt những việc này không chỉ đảm bảo an toàn giao thông mà còn bảo vệ an toàn tính mạng của chính bản thân mỗi học sinh, sinh viên.