Nỗi khổ của những 'chủ nợ' tái định cư: Bài 2: 'An cư' cho người dân có đất bị thu hồi: Đụng đâu vướng đó

Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó có “bài toán” tái định cư (TĐC) cho TĐC, khiến tiến độ nhiều dự án xây dựng các khu TĐC trên địa bàn Đồng Nai bị chậm trễ. TĐC “đi sau” dẫn đến tình trạng “nợ” TĐC liên tục tái diễn trên địa bàn tỉnh.

Khu tái định cư tại phường Thống Nhất và Tân Mai, thành phố Biên Hòa liên tục bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Ảnh: P.Tùng

Khu tái định cư tại phường Thống Nhất và Tân Mai, thành phố Biên Hòa liên tục bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Ảnh: P.Tùng

Trong khi đó, việc giải quyết tạm cư cho người dân có đất bị thu hồi nhưng chưa được giao đất TĐC cũng gặp không ít trở ngại.

Ì ạch các dự án xây dựng khu TĐC

Đầu tháng 2-2023, khu TĐC tại xã Long Đức (huyện Long Thành) là khu TĐC đầu tiên trong 4 khu TĐC được quy hoạch xây dựng phục vụ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh được khởi công xây dựng. Thế nhưng, gần nửa năm sau đó, nhà thầu liên tục phải duy trì thi công cầm chừng vì thiếu mặt bằng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do diện tích vườn cao su trong khu vực triển khai dự án chậm được thanh lý. Cũng do mặt bằng được bàn giao chậm nên khu TĐC tại xã Long Đức thay vì hoàn thành xây dựng vào giữa năm 2024 theo như kế hoạch ban đầu thì phải đến cuối năm 2024 mới có thể “về đích”.

“Kịch bản” này cũng xảy ra với Dự án Xây dựng khu TĐC tại xã Long Phước, khu TĐC thứ 2 phục vụ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trên địa bàn huyện Long Thành.

Được khởi công vào cuối năm 2023 nhưng phải đến giữa tháng 4-2024, việc thanh lý rừng tràm trong khu vực dự án mới được triển khai thực hiện. Trong suốt quãng thời gian đó, nhà thầu phải thi công cầm chừng do không có mặt bằng.

“Sau lễ khởi công, chúng tôi đã huy động đủ máy móc, nhân lực nhưng tiến độ thi công rất chậm do không có mặt bằng. Máy móc thì nằm chờ la liệt” - ông Nguyễn Văn Dũng, Chỉ huy phó thi công thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng Hiệp Phong, nhà thầu thi công dự án, cho hay.

Tại huyện Xuân Lộc, trải qua gần 4 năm, đến nay khu TĐC tại thị trấn Gia Ray phục vụ bố trí TĐC cho các hộ dân thuộc Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chưa hoàn thành xây dựng. Nguyên nhân chính là do công tác GPMB để xây dựng khu TĐC chưa hoàn thành.

“Hiện còn vài hộ dân thuộc diện TĐC tại chỗ vẫn chưa đồng thuận việc đền bù GPMB. Huyện đang tiếp tục thực hiện các bước giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Dự kiến cuối tháng 5 này, huyện tổ chức bốc thăm, cấp nền cho các hộ dân vào các phân khu đã hoàn thiện hạ tầng xây nhà, ổn định cuộc sống” - Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn cho biết.

Tương tự, khu TĐC tại phường Thống Nhất và Tân Mai, thành phố Biên Hòa theo dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2022, thế nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng. Việc “lỡ hẹn” về đích của khu TĐC này cũng do vướng mặt bằng.

Theo UBND thành phố Biên Hòa, tiến độ xây dựng các khu TĐC trên địa bàn bị ảnh hưởng rất lớn do công tác GPMB. Bởi vì, không có quỹ đất sạch để xây dựng các khu TĐC, địa phương phải thực hiện công tác GPMB, bố trí TĐC cho người dân có đất bị thu hồi để xây dựng các khu TĐC.

Trong số các khu TĐC đang được triển khai thực hiện, nhiều khu đến thời điểm này thành phố Biên Hòa vẫn chưa được giao đất và các khu đất này đang thuộc sự quản lý của các đơn vị quốc phòng, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh.

“Cùng với đó, một số vị trí xây dựng các khu TĐC chưa đồng bộ về hạ tầng giao thông kết nối, như khu TĐC tại phường Tam Hiệp” - Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho biết.

Theo Bí thư Thành ủy Biên Hòa HỒ VĂN NAM, trên địa bàn thành phố có nhiều khu đất được quy hoạch xây dựng các khu TĐC có diện tích nhỏ, địa chất không phù hợp nên khi tính toán thì suất đầu tư rất lớn.

Tạm cư cho người dân cũng gặp khó

Gần 2 năm đi tạm cư trong thời gian chờ cấp đất TĐC, mỗi tháng, gia đình bà Huỳnh Thị Sẩm (ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, có đất bị thu hồi để thực hiện Dự án Đường ven sông Đồng Nai) được hỗ trợ tiền thuê nhà 4,5 triệu đồng. Thế nhưng, từ tháng 1-2024 đến nay, khoản tiền hỗ trợ thuê nhà cho gia đình bà Sẩm vẫn chưa được chi trả.

“Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên không nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà lại càng khó khăn hơn” - bà Sẩm chia sẻ.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Duy Tân, quy định tại Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 22-2-2018 về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, các hộ dân khi bàn giao sớm mặt bằng sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà (tạm cư) trong thời gian 5 tháng. Đây là khoảng thời gian để người dân xây dựng nhà ở khu TĐC. Tuy nhiên, không nhiều dự án có được điều kiện “lý tưởng” là giao đất TĐC ngay khi thu hồi đất để người dân bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà cửa nên trên thực tế, thời gian tạm cư của người dân thường kéo dài hơn. Do đó, năm 2018, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương duy trì hỗ trợ tạm cư cho người dân cho đến khi được nhận đất TĐC.

Đối với Dự án Đường ven sông Đồng Nai, thành phố Biên Hòa đã chi trả tiền tạm cư cho người dân đến hết năm 2023. Thành phố Biên Hòa đã tổng hợp trình UBND tỉnh và UBND tỉnh đã chấp thuận giao Sở Tài chính thẩm định để tiếp tục chi trả tiền tạm cư cho người dân từ thời điểm đầu năm 2024 đến khi giao đất TĐC. Cùng với Dự án Đường ven sông Đồng Nai, hiện thành phố đã tổng hợp để tiếp tục thực hiện chính sách đối với 11 dự án khác đang có các hộ dân phải tạm cư trong thời gian chờ giao đất TĐC.

Không chỉ gặp vướng mắc về chi phí tạm cư, việc tìm và hướng dẫn người dân nơi tạm cư cũng đang là vấn đề đau đầu của không ít địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo cam kết với Chính phủ, Đồng Nai sẽ bàn giao mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 30-6 tới. Do tiến độ xây dựng một số khu TĐC bị chậm, các địa phương đã vận động người dân bàn giao mặt bằng trước và đi tạm cư. Tuy nhiên, ở một số địa phương đang rất thiếu các khu nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu của các hộ dân.

“Người dân hiện cơ bản đồng thuận, nhưng chúng tôi rất lo vì không biết giới thiệu tạm cư cho người dân ở đâu. Trên địa bàn chỉ có các phòng trọ cho thuê và khó có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các hộ gia đình. Đây cũng là trở ngại khi vận động người dân bàn giao mặt bằng sớm” - Bí thư Đảng ủy xã Phước Thái (huyện Long Thành) Huỳnh Minh Thảo chia sẻ.

Phạm Tùng

Bài 3: “Trả nợ” tái định cư

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202405/noi-kho-cua-nhung-chu-no-tai-dinh-cu-bai-2-an-cu-cho-nguoi-dan-co-dat-bi-thu-hoi-dung-dau-vuong-do-a5b4895/