Nỗ lực trong cải cách giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần mục tiêu nâng hạng

Quyết tâm cải cách thể chế và xử lý các rào cản kỹ thuật, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiến sát hơn đến mục tiêu nâng hạng. Trong bối cảnh dòng vốn quốc tế tìm kiếm điểm đến mới, nỗ lực nâng cao chất lượng vận hành và thiết lập nhóm đối thoại chính sách được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt về thu hút vốn dài hạn.

Xoay quanh câu chuyện về tiến trình cải cách hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Văn Huy - Phó Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản (FIDT).

PV: Thưa ông, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng phần lớn tiêu chí kỹ thuật theo yêu cầu của FTSE và từng bước hoàn thiện các tiêu chí mà MSCI đặt ra. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Bùi Văn Huy: Việc cải thiện 9 tiêu chí kỹ thuật từng là rào cản lớn cho thấy nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Việt Nam, nhưng quá trình nâng hạng vẫn chưa hoàn tất khi còn tồn tại 2 tiêu chí quan trọng chưa đạt theo đánh giá cập nhật.

Ông Bùi Văn Huy

Ông Bùi Văn Huy

Đại diện FIDT cho rằng, khối ngoại vẫn giữ niềm tin chiến lược với thị trường Việt Nam, nhưng để thu hút dòng vốn bền vững, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch chính sách và thể hiện rõ sự nhất quán trong cải cách sau khi Hệ thống KRX vận hành.

Trước đây, Việt Nam vốn được xếp trong nhóm thị trường cận biên và chỉ mới được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ năm 2018. Tại thời điểm đó, FTSE xác định Việt Nam chưa đạt 9 tiêu chí kỹ thuật quan trọng, chủ yếu liên quan đến khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, cơ chế giao dịch và quy định sở hữu.

Việc xử lý dứt điểm các rào cản này, đặc biệt là triển khai mô hình không yêu cầu ký quỹ trước (non-prefunding, cải thiện khả năng giao dịch lô lẻ và mở rộng quyền tiếp cận thị trường là bước tiến mang tính nền tảng, thể hiện quyết tâm rõ rệt trong lộ trình hội nhập tiêu chuẩn quốc tế.

Theo đánh giá mới nhất của FTSE Russell trong tháng 3/2025 cho thấy, vẫn còn hai tiêu chí quan trọng đang ở trạng thái “Restricted”, gồm cơ chế thanh toán giao hàng đối ứng và quy trình xử lý giao dịch thất bại. Đây là 2 yếu tố mang tính kỹ thuật sâu, liên quan trực tiếp đến mức độ an toàn, minh bạch và rủi ro đối tác trong hệ thống thanh toán, vốn là mối quan tâm hàng đầu của các định chế đầu tư tổ chức.

Vì vậy, dù Việt Nam đã tiến rất gần đến ngưỡng nâng hạng, chặng đường còn lại đòi hỏi phải hoàn tất các tiêu chí còn thiếu và quan trọng hơn là chứng minh khả năng vận hành hiệu quả sau cải cách, đặc biệt trong giai đoạn Hệ thống KRX chính thức đi vào hoạt động.

PV: Chiều ngày 6/5 vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết, điều kiện đủ để nâng hạng phụ thuộc vào đánh giá của khối ngoại. Ông đánh giá thế nào về mức độ tin tưởng và quan tâm của khối ngoại đối với thị trường Việt Nam hiện nay?

Ông Bùi Văn Huy: Khối ngoại vẫn duy trì cái nhìn tích cực dài hạn với Việt Nam, nhưng mức độ tin tưởng trong ngắn hạn còn dè dặt do độ trễ cải cách và rủi ro vĩ mô toàn cầu chưa được gỡ bỏ rõ ràng.

Việt Nam vẫn được xem là điểm đến tiềm năng nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, dân số trẻ và vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong các chiến lược phân bổ dài hạn, Việt Nam luôn nằm trong danh sách theo dõi của nhiều quỹ lớn, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường châu Á mới nổi.

Tiến trình cải cách hướng đến nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, để chuyển từ “quan tâm” sang “hành động”, nhà đầu tư tổ chức cần sự chắc chắn về môi trường pháp lý, độ minh bạch thông tin và khả năng bảo vệ quyền lợi. Trong mắt họ, Việt Nam vẫn là thị trường còn độ trễ chính sách và thiếu nhất quán trong thực thi - đặc biệt ở các vấn đề như giới hạn sở hữu nước ngoài, xử lý giao dịch lỗi hay tiếp cận thông tin doanh nghiệp.

Ngoài ra, rủi ro từ bên ngoài như xung đột địa chính trị, thuế quan từ Mỹ, hay chính sách lãi suất duy trì cao tại các nền kinh tế lớn cũng làm tăng chi phí cơ hội, khiến nhà đầu tư ngoại thận trọng hơn khi tái gia nhập thị trường cận biên. Điều này lý giải vì sao phần lớn dòng tiền ngoại hiện nay vẫn đi qua các kênh gián tiếp như ETF, thay vì đầu tư trực tiếp với quy mô lớn.

PV: Bộ Tài chính dự kiến thành lập nhóm đối thoại chính sách với sự tham gia của các tổ chức đầu tư quốc tế. Ông đánh giá thế nào về vai trò của nhóm đối thoại này trong việc thúc đẩy quá trình nâng hạng?

Ông Bùi Văn Huy: Nhóm đối thoại chính sách là cơ chế then chốt giúp Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, mà còn thể hiện năng lực điều hành chủ động và phản ứng chính sách kịp thời - điều từng là khoảng trống lớn trong quá trình cải cách trước đây.

Đây không phải là một diễn đàn mang tính hình thức, mà là một thiết chế tư vấn chuyên môn với sự tham gia của cả cơ quan quản lý (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), các tổ chức đầu tư quốc tế, công ty chứng khoán, và các chuyên gia độc lập.

Điểm cốt lõi là nhóm này không chỉ “ghi nhận kiến nghị”, mà còn có năng lực phân tích và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc một cách linh hoạt, khả thi và đúng trọng tâm thay vì để các cải cách dàn trải hoặc thiếu tính đồng bộ như từng xảy ra trong giai đoạn trước.

Quan trọng hơn, nhóm đối thoại sẽ trở thành kênh kết nối có tổ chức giữa thị trường và nhà điều hành chính sách, nơi nhu cầu thực tiễn từ room ngoại, quy trình mở tài khoản, đến cơ chế xử lý lỗi giao dịch sẽ được phản ánh đúng cấp độ và đúng thời điểm.

Nhiều chuyên gia thị trường đã nhận định rằng, trong quá khứ, Việt Nam mặc dù đã thực hiện cải cách, nhưng lại thiếu sự dẫn dắt từ một đầu mối tư vấn đủ hiểu rõ yêu cầu của nhà đầu tư tổ chức, đồng thời nắm vững các giới hạn của quy định trong nước.

Nếu vận hành đúng vai trò, nhóm đối thoại không chỉ góp phần tháo gỡ các tiêu chí kỹ thuật cuối cùng để được nâng hạng, mà còn giúp nâng tầm chất lượng điều hành thị trường vốn Việt Nam theo hướng đối thoại - phản hồi - cải thiện, như cách các thị trường mới nổi thành công đã từng làm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Hương (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/no-luc-trong-cai-cach-giup-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-tien-gan-muc-tieu-nang-hang-176123.html