Nỗ lực triển khai hiệu quả phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

Phân loại rác thải sinh hoạt (RTSH) không chỉ thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) mà còn tiết kiệm chi phí xử lý, mang lại giá trị kinh tế. Để chính sách phân loại triển khai hiệu quả, công tác chuẩn bị cần phải nghiêm túc, đồng bộ từ các khâu thu gom tới xử lý.

Để thực hiện có hiệu quả phân loại RTSH tại nguồn giai đoạn mới cần có giải pháp đồng bộ với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Bố trí thùng rác để phân loại tại Trung tâm Thương mại AEON Mall

Khó khăn, vướng mắc

Theo ông Trần Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh, việc thực hiện phân loại RTSH tại nguồn theo Luật BVMT năm 2020 so với luật thời điểm tỉnh triển khai thí điểm hoàn toàn khác nhau. Trước đây, tỉnh khuyến khích thực hiện, nhưng nay theo luật là bắt buộc, có nhiều điều kiện, quy trình kèm theo.

Bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Dĩ An, cho rằng việc phân loại rác thải giai đoạn 2023-2025 có 3 loại, thậm chí 5-6 loại, thực hiện sẽ khó khăn hơn. Ngoài việc chưa có đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý, theo quy định sau khi phân loại rác sẽ được đựng trong bao bì hoặc thùng, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về chủng loại, kích thước, đơn vị phân phối bao bì.

Trong khi đó, ông Mai Thành Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình, TP.Dĩ An lại cho rằng, hiện nay rào cản lớn nhất trong việc thực hiện phân loại rác chính là thói quen, ý thức của nhiều người dân. Trước đây bố trí 2 thùng rác đã vất vả, nay bố trí 3 thùng rác đối với những gia đình có diện tích nhỏ sẽ gặp khó khăn.

Xe thu gom rác thải đã phân loại tại phường Dĩ An, TP.Dĩ An

Xe thu gom rác thải đã phân loại tại phường Dĩ An, TP.Dĩ An

Ngoài ra, một số địa phương cũng nêu thêm một khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đó là tại các khu vực đô thị, có mật độ dân cư đông, tốc độ phát triển cao, quỹ đất để bố trí điểm tập kết, trạm trung chuyển còn nhiều hạn chế, dẫn đến không bảo đảm khoảng cách ly an toàn về môi trường theo quy định. Tình trạng thiếu cán bộ làm việc trong công tác môi trường ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch.

Chuẩn bị kỹ, thực hiện đồng bộ

Ông Trần Thanh Quang cho biết: “Muốn thực hiện được phân loại RTSH, đầu tiên phải ban hành bộ đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý trên địa bàn tỉnh. Song, đến nay Bộ TN&MT chưa định hình được khung định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT). Để giải quyết vấn đề này, Sở TN&MT đã mạnh dạn tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức KTKT của địa phương. Hiện nay, tỉnh có nhiều quy trình thu gom, phương tiện vận chuyển nhiều loại. Tỉnh sẽ thống nhất lại theo quy định của Luật BVMT, xây dựng theo một quy trình. Từ đó, ban hành định mức KTKT của địa phương mới xây dựng đơn giá đúng, đủ, từ thu gom, vận chuyển đến xử lý.

Trong kế hoạch thực hiện, các địa phương cần nêu rõ lộ trình, tần suất và thời gian thu gom. Sau này, đơn vị thu gom cũng phải đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật, tham gia đấu thầu công khai và trang bị kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu mới trong thu gom, vận chuyển. Ngoài ra, cơ chế giám sát chéo cần chặt chẽ để làm sao phân biệt được rác đã phân loại và chưa phân loại. “Trước đây, đơn vị thu gom không có quyền từ chối thu gom, nhưng theo luật mới họ có quyền từ chối nếu rác không được phân loại. Bắt đầu từ đầu năm 2025 sẽ áp dụng xử phạt nếu người dân không phân loại rác”, ông Trần Thanh Quang cho biết thêm.

Cũng theo ông Quang, hiện nay rác thải đã phân loại hay chưa phân loại trên địa bàn tỉnh đều xử lý được. Sau này, việc xử lý rác sẽ theo quy trình khép kín, không có hình thức chôn lấp. Đối với quy định về lưu trữ RTSH, theo Luật BVMT việc tính tiền trên khối lượng, áp dụng đối với tổ chức, xí nghiệp. Đối với hộ dân chỉ có 2 hình thức tính, qua bao bì và thùng chứa. Định hướng của Sở TN&MT sẽ để 2 hình thức cho các huyện, thị, thành phố lựa chọn. Nếu tính theo thùng chứa, cần quy định chuẩn về chủng loại thùng, khối lượng.

Từ những vấn đề bất cập, khó khăn hiện nay cho thấy, để triển khai có hiệu quả phân loại RTSH tại nguồn theo giai đoạn mới cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, thực hiện đồng bộ (từ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý). Đặc biệt, việc tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân trong việc phân loại RTSH tại nguồn để đồng lòng thực hiện.

Ông Trần Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh: Để thực hiện phân loại RTSH tại nguồn theo kế hoạch mới, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức KTKT nhằm kịp áp dụng. Sau khi Bộ TN&MT ban hành mức quy định KTKT khung, tỉnh sẽ điều chỉnh lại phù hợp. Đối với nội dung lưu giữ RTSH, dự kiến vào tháng 8 tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với một số xã, phường làm thí điểm phân phối bao bì và hình thức thu tiền.

TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/no-luc-trien-khai-hieu-qua-phan-loai-rac-thai-sinh-hoat-tai-nguon-a317373.html