Nỗ lực phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi thời điểm giao mùa
Thời điểm giao mùa, công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi đang được ngành chuyên môn, người chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh quan tâm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/2024, trên địa bàn huyện Thạch Hà xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi. Ổ dịch đầu tiên tại xã Tân Lâm Hương với 10 con lợn của 2 hộ dân ở thôn Văn Bình phát hiện vào ngày 15/8. Tiếp đó, ngày 21/8, trên địa bàn xã Thạch Lạc xuất hiện ổ dịch thứ hai với 11 con lợn của 2 hộ dân ở thôn Vĩnh Thịnh nhiễm bệnh. Ngoài ra, từ đầu năm 2024, ở địa bàn xã Thạch Trị cũng phát hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi với 10 con nhiễm bệnh.
Ông Nguyễn Văn Duy - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: "DTLCP vẫn còn có nguy cơ cao lây lan trên diện rộng. Huyện đang tập trung chỉ đạo các địa bàn rà soát, theo dõi chặt chẽ tình hình đàn vật nuôi, kịp thời báo cáo cơ quan chuyên môn khi xảy ra bất thường để có phương án xử lý sớm, phù hợp.
Đồng thời, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn. Chỉ đạo đoàn liên ngành cấp xã thường xuyên kiểm tra tại các chợ, điểm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ gia súc tập trung, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… Khuyến cáo người chăn nuôi khi lợn đến tuổi xuất chuồng cần xuất bán ngay; không tăng đàn, tái đàn khi không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh; chuẩn bị cho đợt tiêm phòng gia súc đợt 2 năm 2024”.
Tại huyện Cẩm Xuyên, các loại dịch bệnh đang tiếp tục phát sinh tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các địa phương như Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ… Theo chia sẻ của người chăn nuôi, thời tiết nắng nóng kéo dài, không khí oi bức làm sức đề kháng của vật nuôi giảm nên vi-rút dễ tấn công, gây bệnh hơn. Cùng với đó, trong thời gian tới, Hà Tĩnh bước vào mùa mưa lũ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng cao vì môi trường ẩm thấp, vi-rút cũng sẽ theo dòng nước lũ dễ dàng xâm nhiễm ra môi trường.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, tình hình các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật như DTLCP, cúm gia cầm A/H5N1, viêm da nổi cục... vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước. Thông qua kết quả giám sát chủ động, bị động và giải trình tự gen của các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm của Bộ NN&PTNT cho thấy các loại mầm bệnh này còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và trong quần thể gia súc, gia cầm.
Đặc thù của Hà Tĩnh là chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ còn chiếm tỉ lệ cao, chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi hằng năm còn thấp.
Hoạt động vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm vào những tháng cuối năm tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, tổng đàn lớn (đàn lợn toàn tỉnh đạt hơn 399.900 con, đàn gia cầm ước đạt hơn 10 triệu con, đàn trâu, bò ước đạt hơn 230.600 con). Thời điểm giao mùa diễn biến phức tạp cũng là lúc gia súc, gia cầm nhạy cảm với dịch bệnh nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên diện rộng là rất cao.
Trước những nguy cơ đó, bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) khuyến cáo, các địa phương có dịch cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống để kiểm soát, khống chế các ổ dịch không để lây lan diện rộng; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, nhất là các vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao, khu vực chợ kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm,..; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; bổ sung vào khẩu phần ăn thêm các loại vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng; sửa chữa, che chắn chuồng trại hạn chế ảnh hưởng của mưa lũ đến đàn vật nuôi.
Đặc biệt, toàn tỉnh tập trung nhân lực, vật lực để bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin đợt 2 năm 2024 cho gia súc, gia cầm từ ngày 1/9 đến 30/10. Theo kế hoạch đề ra, đối với đàn trâu, bò, tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Đối với đàn lợn, tiêm phòng vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Đối với đàn gia cầm, tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng.
Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trong thời điểm này hết sức quan trọng bởi vật nuôi đã hết thời gian miễn dịch, rất dễ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục trên trâu, bò, lở mồm long móng, cúm gia cầm...
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y cấp xã, phường, thị trấn; chủ động tham mưu, cung ứng đầy đủ, đảm bảo chất lượng các loại vắc-xin, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng tại các địa phương.