Nỗ lực 'hồi sinh' vùng trồng đào Nhật Tân sau bão lũ
Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa, lũ từ hoàn lưu bão số 3, nước sông Hồng dâng cao, gây ngập trắng vùng trồng hoa đào ở các phường Nhật Tân, Phú Thượng. Theo đó, hàng chục nghìn gốc đào bị chết, do ngập úng và mưa bão làm gẫy đổ, khiến người dân không khỏi xót xa. Nhiều gia đình trồng đào rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng tạm gác lại những mất mát, cùng với hỗ trợ của chính quyền địa phương, một số hộ dân đang nỗ lực hồi sinh vùng đào chết, để tạo sinh kế, hướng về Tết ấm lo, rực sắc đào.
Đang buộc lại những cành đào đã rũ lá vì mưa bão, ông Nguyễn Trung Việt, ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, với mấy trăm gốc đào được gia đình ông tỉ mẩn chăm bấy lâu nay để chờ đến Tết Nguyên đán khoe sắc. Vậy mà mưa bão vừa qua làm nhiều gốc đào ngập úng, thối rễ đã được gia đình ông nhổ đi, phơi khô để đốt bỏ, còn một số cây đang được chăm sóc với mong muốn được cây nào hay cây đó, giảm bớt thiệt hại.
"Ngoài ra, để khôi phục sản xuất, bên cạnh việc mua cây đào nhỏ về trồng thay thế diện tích cây bị chết, gia đình ông cũng khẩn trương di chuyển những gốc đào còn sống đến các điểm cao hơn, tránh bị ngập nước trong các đợt mưa lũ tiếp theo", ông Nguyễn Trung Việt chia sẻ.
Tình trạng đào chết hàng loạt do ngập úng, thối rễ không chỉ ở Nhật Tân, mà Phú Thượng, nơi có hàng nghìn gốc đào cũng trong cảnh tương tự. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng đang nỗ lực "hồi sinh" các vườn đào để phục vụ Tết. Hiện nay, nhiều hộ trồng đào ở phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) cũng tạm gác lại khó khăn mà tập trung cứu lấy vườn đào, với tinh thần “còn nước còn tát”.
Với tinh thần lạc quan, bà Phạm Thanh Hương, một hộ trồng đào tại phường Phú Thượng bày tỏ, nước rút đi, cây đào chết khô, héo lá, nhưng vùng đất ven sông Hồng cũng được bồi đắp một lớp phù sa mới sau nhiều năm không có nước sông gột rửa, khiến đất trồng bị bạc mầu. Có lẽ, sự sống đang và sẽ nảy mầm từ những vườn đào chết.
Ngay sau khi lũ rút, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền các phường nhanh chóng thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ vốn vay để các hộ trồng đào khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, dự kiến UBND quận Tây Hồ sẽ trình HĐND quận 85 tỷ đồng để hỗ trợ ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho bà con vay vốn với khoảng thời gian vay hai năm và giảm lãi suất xuống bằng mức chi phí quản lý của Ngân hàng theo quy định nhà nước.
Theo báo cáo của UBND quận Tây Hồ, do nước sông Hồng dâng cao, một số khu vực ngoài đê thuộc địa bàn các phường Phú Thượng, Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên và Yên Phụ bị ngập. Phần lớn đất canh tác nông nghiệp bị úng ngập. Nhiều khu vực nước ngập tại các ngõ xóm, khu dân cư. Đối với diện tích đất nông nghiệp, thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 179,05 ha cây trồng, thiệt hại khoảng 86,555 tỷ đồng; trong đó, riêng vùng trồng hoa đào thiệt hại khoảng 65,05 ha ước tính giá trị lên đến hơn 39 tỷ đồng.
Hiện, quận Tây Hồ đã và đang tiếp tục thống kê, đánh giá các thiệt hại do bão, lũ để đề xuất các biện pháp hỗ trợ nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phục hồi sản xuất và ổn định đời sống như: tổ chức hướng dẫn khắc phục đất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh trên các cây cảnh, cây hoa; đề xuất cho vay vốn ưu đãi… đồng thời, tổ chức vận động, quyên góp để ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 để bà con nhân dân sớm ổn định đời sống và duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.