Nỗ lực gỡ khó giải phóng mặt bằng
Là địa phương có mặt bằng bị thu hồi trong dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (phường 13, quận Tân Bình, TPHCM) đang đi đến những bước cuối cùng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; qua đó góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn quận Tân Bình nói riêng và TPHCM nói chung.
Đảng viên phải gương mẫu
“Con đường này mà hoàn thành được trước tết thì phấn khởi còn gì bằng”, ông Phạm Văn Nhung (sinh năm 1952, ngụ đường Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình) hồ hởi nhận xét. Ông Nhung là hộ dân đầu tiên bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, nhưng từ khi bàn giao mặt bằng đến nay đã một năm trôi qua, dự án vẫn chưa được thi công.
Gia đình ông Nhung sinh sống trên đường Hoàng Hoa Thám từ năm 1990, xây căn nhà 3,5 lầu từ năm 2005. Tổng diện tích giải tỏa của gia đình ông là 17m², trong đó 2,63m² được đền bù 100%, diện tích còn lại được hỗ trợ 40%.
Ông Nhung cũng là hộ dân được bà con cho là “thiệt thòi nhất” trong 150 trường hợp bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là vì ông đã chia đôi mảnh đất của mình để bán cho nhà hàng xóm, nhưng nhà hàng xóm được đền bù với số tiền nhiều hơn do vấn đề pháp lý. “Lúc đầu, tôi cũng có băn khoăn, vì cùng một miếng đất mà bên được đền bù ít, bên được đền bù nhiều. Tôi đã kiến nghị và được nghe lãnh đạo địa phương giải thích các quy định của pháp luật, tôi hiểu và là hộ đầu tiên bàn giao mặt bằng”, ông Nhung nói.
Vợ ông Nhung nhớ lại ngày ông chia sẻ với vợ con về quyết định bàn giao mặt bằng: “Gia đình mình có ý kiến thì kiến nghị và đã được trả lời hợp lý, hợp tình. Huống chi con đường ngay trước nhà mình, mình là người được lợi nhiều nhất. Mẹ con tôi nghe ông thuyết phục thì không ý kiến gì nữa”.
Ông Nhung là đảng viên đã có hơn 50 năm tuổi Đảng. Ông chia sẻ, đây là công trình trọng điểm quốc gia, quy mô lớn nên không muốn vì một chút lăn tăn cá nhân mà ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
“Đảng viên phải gương mẫu đi trước rồi làng nước mới theo sau. Công trình ngay trên thành phố mang tên Bác, thuận ý Đảng lòng dân là vui nhất rồi. Chỉ mong dự án sớm thi công, để người dân đỡ bức xúc về bụi bặm, ngập nước”, ông Nhung bày tỏ. Điều khiến ông mừng và xúc động nhất là nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ địa phương thuyết phục, vận động các hộ còn lại bàn giao mặt bằng.
Nỗ lực để dự án sớm thi công
Cả năm nay, người dân trên đường Hoàng Hoa Thám trở nên quen thuộc với hình ảnh ông Trần Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường 13, cùng các đoàn công tác đến từng nhà để vận động bà con chấp thuận bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn vài trường hợp chưa đồng thuận.
Chiều 20-11, ông Tùng đứng tần ngần trước cổng căn nhà số 247 đường Hoàng Hoa Thám hồi lâu, vì đã cận thời điểm buộc phải cưỡng chế thu hồi đất. “Phải tính đến phương án cuối cùng là cưỡng chế thu hồi đất là điều không ai mong muốn”, ông Trần Quang Tùng tâm sự.
Tháng 12-2023, UBND quận Tân Bình ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Sau nhiều lần tổ chức tiếp xúc tuyên truyền vận động chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của dự án, hiện còn 3 trường hợp đang sử dụng nhà đất số 151, 247 và 251 đường Hoàng Hoa Thám chưa đồng ý bàn giao mặt bằng và phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, thu hồi đất từ ngày 22-11.
Phó Chủ tịch UBND phường 13 cho biết, trong 3 trường hợp chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, có 2 trường hợp không đồng thuận với mức hỗ trợ 40% và 1 trường hợp kiến nghị thu nhỏ diện tích bị thu hồi.
“Lãnh đạo quận, phường, khu phố; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Ban cưỡng chế thu hồi đất... đã đến từng nhà giải thích, vận động, thuyết phục. Chúng tôi đều mong muốn có phương án tốt nhất để hỗ trợ người dân, nhưng các kiến nghị phải xác đáng và đúng với quy định của pháp luật. Đây là 3 trường hợp chúng tôi đã rất kiên trì và đến nhà thuyết phục không dưới 10 lần, nếu còn kéo dài nữa thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án”, ông Trần Quang Tùng thông tin.
Dẫn chúng tôi đến xem căn nhà ở số 151 đường Hoàng Hoa Thám, ông Tùng chia sẻ, căn nhà nằm ngay góc giao lộ nên chủ nhà đề nghị thu nhỏ góc giao lộ, tăng diện tích nhà lên. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã có lý giải đúng quy định về quy chuẩn đảm bảo an toàn giao thông đến hộ dân này, nên không thể đáp ứng kiến nghị.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND quận Tân Bình cho biết, việc các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, không đảm bảo tiến độ hoàn thành và thông xe toàn tuyến ngày 31-12-2024. Do đó, Ban cưỡng chế thu hồi đất của dự án sẽ tổ chức cưỡng chế, thực hiện quyết định thu hồi đất đối với 3 trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, quận Tân Bình vẫn tiếp tục nỗ lực thuyết phục bà con chấp hành trước khi tiến hành cưỡng chế như kế hoạch.
Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay Tân Sơn Nhất) đến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình để giải quyết ùn tắc khu vực Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, kết nối với đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa và Nhà ga quốc tế T3, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực quận Tân Bình nói riêng và TPHCM nói chung, tạo đà phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 269 tỷ đồng, chiều dài tuyến hơn 783m, mặt cắt ngang 22m. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/no-luc-go-kho-giai-phong-mat-bang-post769470.html