Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy trên địa bàn Tây Nguyên
Theo quyết định thanh tra, thời kỳ thanh tra từ khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đến ngày 31-11-2024 (trường hợp cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên). Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Ngày 22-11, Thanh tra Chính phủ tổ chức buổi công bố quyết định thanh tra tại Tổng công ty Giấy Việt Nam. Dự buổi công bố quyết định thanh tra có đại diện lãnh đạo các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum.
Ông Nguyễn Tất Thành, thanh tra viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ (trưởng đoàn thanh tra) đã công bố quyết định về thanh tra việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng cho biết, sẽ thực hiện nghiêm quyết định và kế hoạch của đoàn thanh tra; đồng thời khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh tra trong suốt quá trình thanh tra tại địa phương; phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo đúng yêu cầu của đoàn thanh tra.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho hay, đây là cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan thanh tra sẽ thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên theo quy định, trước mắt là các vụ việc có nguy cơ hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, mục đích của việc thanh tra là đánh giá tình hình kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm nghiệp của Tổng công ty Giấy Việt Nam trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; đánh giá tình hình kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất có nguồn gốc từ nông, lâm nghiệp nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Trên cơ sở đó, cơ quan thanh tra đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả công tác thực hiện, đồng thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (nếu có).