Nỗ lực giữ đà tăng trưởng

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Để góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, ngành Công Thương đang nỗ lực giữ đà tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Dây chuyền gia công giầy xuất khẩu tại Công ty cổ phần Giầy Hạ Hòa.

Dây chuyền gia công giầy xuất khẩu tại Công ty cổ phần Giầy Hạ Hòa.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Năm 2023, ngành Công Thương thực hiện nhiệm vụ với nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, thuận lợi cơ bản là: Cơ chế chính sách về đảm bảo kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, tiêu dùng được triển khai kịp thời, phát huy tác dụng; cơ sở hạ tầng được đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, ngành cũng phải đối mặt với không ít khó khăn: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm; thị trường có nhiều biến động; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu thị trường giảm... Những yếu tố đó đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện các định hướng chỉ đạo và giải pháp điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sáng tạo, hiệu quả trong công tác tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước của đơn vị. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành trong năm duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động công nghiệp, thương mại phát triển, thị trường cơ bản giữ được bình ổn, đảm bảo cung cầu các hàng hóa thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 11,54%, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 11,4% so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng công nghiệp là động lực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế của tỉnh. Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, có 5/18 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bổ sung năng lực mới, tăng khá so cùng kỳ, trong đó sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 40,8%, sản xuất thiết bị điện tăng 70,1%, sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 7,9%...

Cũng trong năm 2023, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tăng cao, thị trường cơ bản giữ bình ổn, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng của dịch vụ đạt 6%, giá trị tăng thêm của dịch vụ ước đạt 18.922 tỉ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 50 nghìn tỉ đồng, tăng 15,5% so với năm 2022. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm so với cùng kỳ nhưng giá trị vẫn đạt ở mức cao (đứng thứ tám của cả nước). Xuất khẩu ước đạt 10.400 triệu USD, đạt 85,7% so với cùng kỳ.

Hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử có nhiều đổi mới. Đã tổ chức 10 khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tại các hội chợ triển lãm trong nước. Tổ chức giới thiệu sản phẩm và kết nối tiêu thụ một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại các sự kiện xúc tiến thương mại được tổ chức các tỉnh, thành phố. Duy trì, phát triển Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Phú Thọ. Thông qua hoạt động của Điểm giới thiệu đã trợ giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Duy trì vận hành, triển khai hiệu quả và hỗ trợ khách hàng hoạt động Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Phú Thọ giao thuong.net.vn. Thông qua Sàn giao dịch TMĐT đã có nhiều thông tin khách hàng được chuyển đến các doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, Sở Công Thương đã đẩy mạnh cải cách hành chính; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành trên tất cả các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, công nghiệp, thương mại, quản lý năng lượng, quản lý hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra, khuyến công... được triển khai tích cực, đồng bộ, đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại.

Siêu thị Go! Việt Trì bày bán trên 90% là hàng Việt, phục vụ nhu cầu của người dân.

Siêu thị Go! Việt Trì bày bán trên 90% là hàng Việt, phục vụ nhu cầu của người dân.

Giải pháp trọng tâm

Năm 2024, là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo đà hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021- 2025. Một số chỉ tiêu đặt ra là: Tốc độ tăng trưởng công nghiệp phấn đấu đạt 10,3%, giá trị tăng thêm của công nghiệp phấn đấu đạt 16.800 tỉ đồng (tăng 10,3% so với năm 2023). Tốc độ tăng trưởng của dịch vụ phấn đấu đạt 6,5%, giá trị tăng thêm của dịch vụ phấn đấu đạt 20.160 tỉ đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng- Giám đốc Sở Công Thương, để góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ngành Công Thương triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để những định hướng chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển công nghiệp - thương mại năm 2024. Trong đó, trọng tâm là theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp và tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm. Chủ động bám sát doanh nghiệp, tham mưu đề xuất cụ thể với UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các dự án công nghiệp, trong sản xuất, kinh doanh, tập trung tham mưu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, thương mạị. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích, lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện các dự án đảm bảo về năng lực, tính khả thi cao, có dây chuyền, sử dụng công nghệ tiên tiến, gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu, hài hòa lợi ích giữa nhà máy với người sản xuất nguyên liệu thân thiện và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch thuộc lĩnh vực Công Thương; tăng cường công tác khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp để khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được tiếp cận về trình độ quản lý, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Về hoạt động thương mại, ngành xác định một trong những giải pháp trọng tâm là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Việt Trì và trung tâm các huyện; phối hợp phát triển, nâng cấp các chợ nông thôn tại các nơi có điều kiện.

Triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ hoạt động xúc tiến thương mại, TMĐT, bán hàng đa cấp, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành. Đồng thời, ngành sẽ tạo điều kiện kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với đối tác có nhu cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiêu thụ hàng hóa. Kịp thời thông tin biến động của thị trường, tìm kiếm cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.

Ngoài ra, ngành Công Thương chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân trong thực thi các nhiệm vụ của ngành.

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/no-luc-giu-da-tang-truong/207673.htm