Ninh Bình: Bảo tồn và khai thác nhà ở truyền thống trong Di sản Tràng An

Nằm trong địa giới hành chính được mệnh danh là 'địa linh nhân kiệt', Cố đô Hoa Lư có bề dày lịch sử với nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương. Trong đó, có việc bảo tồn những nếp nhà truyền thống được làm từ gỗ, kết hợp với đá nguyên khối có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật điêu khắc.

Những ngôi nhà truyền thống có tuổi đời trên 50 năm trong Di sản Tràng An mang giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật điêu khắc.

Cố đô Hoa Lư thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền. Tồn tại 42 năm qua ba triều đại nhà Đinh (968 - 979), nhà tiền Lê (980 - 1010) và khởi đầu nhà Lý. Sau khi dẹp Loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, vua Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt và mở đầu thời kỳ độc lập, thống nhất lâu dài của Việt Nam suốt các triều đại: Đinh - Lê - Lý - Trần.

Sau khi vua Lý dời đô ra Thăng Long, những giá trị lịch sử, văn hóa của kinh đô vẫn được cộng đồng địa phương tiếp tục bảo tồn và phát huy. Trải qua hàng ngàn năm với bao biến cố lịch sử cộng đồng dân cư ở đây luôn gìn giữ, bồi đắp, xây dựng và làm giàu thêm các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương. Trong đó, có việc bảo tồn những nếp nhà truyền thống được làm từ gỗ, kết hợp với đá nguyên khối có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật điêu khắc.

Ông Bùi Quang Ninh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An cho biết: Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhà có kiến trúc truyền thống trong khu vực vùng lõi di sản đang tồn tại dưới 2 loại hình chủ yếu là loại hình di tích gồm các công trình tôn giáo, tín ngưỡng và loại hình nhà ở. Trong loại hình di tích này, có một số công trình kiến trúc thời hậu Lê (đền vua Đinh, đền vua Lê), còn lại chủ yếu mang phong cách kiến trúc thờ nhà Nguyễn.

Đối với loại hình nhà ở: Đa phần được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, kiểu hình chữ Nhất có ba gian hoặc năm gian, có một trái hoặc hai trái, chất liệu được làm từ gỗ và đá nguyên khối, ngói và gạch được làm từ đất nung, dùng hệ thống cửa chân quay then cài, hoa văn được trạm nổi trực tiếp trên gỗ và đá tại các vị trí ở đốc nhà, các vì kèo, hoành, ngưỡng cửa với các đề tài chủ yếu là về thiên nhiên. Đặc biệt, ở mỗi tảng đá cổ bồng thường được khắc hình bông hoa sen, một văn hóa đặc trựng của thời nhà Đinh.

Nhiều nếp nhà truyền thống đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình vào tháng 9/2023, trong vùng lõi Di sản Tràng An còn khoảng 100 nếp nhà có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân (huyện Hoa Lư). Các nếp nhà có kích thước vừa phải, được bảo tồn tương đối tốt dùng để ở và làm nơi thờ ông bà, tổ tiên. Có một số nếp nhà, khi được trao truyền qua vài thế hệ, đã trở thành một không gian chỉ để thờ tự và đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu là Nhà thờ cụ Dương Đức Vĩnh (thôn Tam Kỳ), Nhà thờ Phó Hiến sứ Hàn Giang Hầu (thôn Trường Thịnh), Nhà thờ Tín Vương Mạc Quyết (thôn Trường Sơn) ...

Những hệ thống nhà cổ là loại hình di sản dễ bị biến đổi, xuống cấp trước sức ép của thời gian và quá trình đô thị hóa. Do đó, công tác quy hoạch, quản lý hệ thống nhà cổ phải được kết hợp với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội phải lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương. Công tác quy hoạch, quản lý và bảo tồn các nếp nhà cổ trong thời đại phát triển đô thị không phải là vấn đề mới, nhưng việc đảm bảo hài hòa giữ những giá trị văn hóa truyền thống và các yếu tố hiện đại luôn là một bài toán khó.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại phát triển đô thị, Ninh Bình có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình có Văn bản số 562/UBN-VP5 ngày 31/7/2023 giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nội dung hỗ trợ cho công tác tu bổ, sửa chữa đối với những ngôi nhà ở mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống có tuổi đời từ 50 năm trở lên trong khu vực vùng lõi Di sản Tràng An. Kết hợp với đó là không ngừng nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và khai thác nhà ở truyền thống từ đó góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô.

Anh Tú

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ninh-binh-bao-ton-va-khai-thac-nha-o-truyen-thong-trong-di-san-trang-an-364202.html