Những vấn đề, vướng mắc thực tế với các doanh nghiệp tại Việt Nam
Sáng 30/10, tại Hà Nội, Báo Dân trí tổ chức sự kiện Hội thảo 'Nhân lực bền vững - Trung tâm của chữ 'S' trong ESG? (Môi trường- Xã hội- Quản trị) để cùng bàn thảo, giải đáp những vấn đề, vướng mắc thực tế với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tạo nền tảng đối thoại và hợp tác giữa các doanh nghiệp
Hội thảo tổ chức với mục tiêu tạo dựng một nền tảng đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, ESG (Environmental, Social, and Governance) – Môi trường, Xã hội và Quản trị đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu. Trong đó, yếu tố con người (Social) đóng vai trò then chốt, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và toàn xã hội.
Nhân lực bền vững không chỉ đơn thuần là thu hút và giữ chân người tài, mà còn là việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, công bằng và tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp và tổ chức, Hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và giải pháp hiệu quả về nhân lực bền vững, góp phần xây dựng một thị trường lao động năng động, hiệu quả và bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Nói về xu hướng ESG toàn cầu, TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, trách nhiệm xã hội trước đây là khuyến khích thì nay đã chuyển sang bắt buộc.
Trong báo cáo năm 2023, có 96% các công ty G250 báo cáo về các vấn đề bền vững hoặc ESG; 64% các công ty G250 coi biến đổi khí hậu là một rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh nêu 7 thành tố trọng tâm của chữ “S” trong ESG, bao gồm: Sức khỏe và sự gắn kết của nhân viên bao gồm môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, toàn diện và mức lương cạnh tranh, phúc lợi, phát triển và đào tạo nhân viên;
Đa dạng và hòa nhập, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo; Quyền con người và tiêu chuẩn lao động bao gồm duy trì các tiêu chuẩn cao về quyền con người và thực hành lao động, thực hành lao động công bằng, cấm lao động trẻ em, lao động cưỡng bức...
Quan hệ cộng đồng và tác động biểu hiện qua sáng kiến tham gia và từ thiện; Minh bạch và công khai thể hiện qua báo cáo thường xuyên về các chỉ số xã hội chính, lộ trình và mục tiêu với các dữ liệu thuyết phục.
Theo ông Minh, sự hài lòng của khách hàng và quyền riêng tư dữ liệu thể hiện qua việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng và bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu. Quản lý chuỗi cung ứng và nguồn cung ứng có trách nhiệm biểu hiện qua sự hợp tác với các nhà cung cấp thực hiện hoạt động có trách nhiệm; Đảm bảo sự phù hợp với các mục tiêu trách nhiệm xã hội; Giải quyết các vấn đề như quyền lao động và hành vi đạo đức.
Từ những yếu tố trên, ông Bùi Thanh Minh nêu những thách thức thực hành chữ “S” như khó khăn trong việc định lượng; thiếu các hướng dẫn và quy định chung; tủi ro vi phạm quyền riêng tư; kỳ vọng của các bên liên quan khác nhau...
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp kiểm toán quy mô toàn cầu, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam cho biết, Deloitte đưa ra 3 khái niệm phát triển con người bền vững. Thứ nhất là khả năng của một tổ chức trong việc tạo ra giá trị cho con người. Vượt ra ngoài các số liệu đo lường sự gắn kết của nhân viên truyền thống, phát triển con người bền vững thường tập trung vào sự hài lòng trong công việc và năng suất.
Thứ hai là tiếp cận một cách toàn diện đối với hạnh phúc, phát triển con người bền vững tập trung nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, nâng cao kỹ năng, khả năng tuyển dụng, công bằng, sự gắn kết và ý thức về mục đích của họ.
Thứ ba, về mặt đối tượng không giới hạn ở nhân viên mà hướng đến tất cả các cá nhân kết nối với tổ chức, bao gồm cả nhân viên mở rộng, khách hàng và cộng đồng.
Theo bà Ngọc, việc xây dựng một môi trường làm việc đa dạng, công bằng và hòa nhập không chỉ là yêu cầu đạo đức mà còn mang lại lợi thế chiến lược, giúp tổ chức sáng tạo và hiểu sâu sắc hơn về nhu cầu của khách hàng. Do vậy, các doanh nghiệp nên đầu tư liên tục vào việc phát triển kỹ năng cho nhân viên để họ luôn sẵn sàng trước những biến động của thị trường.
"Tôi khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp áp dụng các hình thức công việc linh hoạt, chẳng hạn như làm việc từ xa và thời gian linh hoạt, để giúp nhân viên cân bằng cuộc sống và công việc, cải thiện sức khỏe và năng suất" - Bà Trần Thị Thúy Ngọc nói thêm.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất
Là một trong 4 diễn giả có chuyên môn, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho rằng: "Dưới áp lực từ thị trường và yêu cầu của khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 và chiến lược đến năm 2030 sẽ hoàn toàn tiếp cận và ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh và mô hình sản xuất tuần hoàn.
Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực giá cả, chi phí sản xuất cao, thiếu hụt đơn hàng, khó khăn về nguồn nhân lực và sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm giá rẻ trên các sàn giao dịch điện tử của Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao, đe dọa trực tiếp đến sản xuất trong nước".
Để duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, ông Phạm Văn Việt cho rằng ngành dệt may cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối, đồng thời áp dụng các chiến lược marketing linh hoạt, sáng tạo kết hợp với công nghệ AI để tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
"Việc quản lý rủi ro và cam kết theo bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang trở thành “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp trong ngành", ông Việt nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Việt cho biết thêm, trong 3 yếu tố của ESG, tiêu chuẩn Xã hội (S) chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố nhân lực như sức khỏe và an toàn, quản lý nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng và kết nối cộng đồng.
Do vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn những tiêu chí phù hợp để cam kết và quản lý rủi ro. Tuy nhiên, các tiêu chí xã hội phổ biến bao gồm: đảm bảo quyền lợi của người lao động, an toàn và sức khỏe lao động, bảo vệ dữ liệu cá nhân và phát triển nguồn nhân lực. “Thiết lập và thực hiện các cam kết bền vững về ESG không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh và thương hiệu, duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường, mà còn thu hút và giữ chân nhân tài”, ông Việt nói thêm.
Xuyên suốt Hội thảo, các chuyên gia, chủ các doanh nghiệp cùng đưa ra quan điểm để cùng thảo luận ra những giải pháp tốt nhất giúp triển khai yếu tố xã hội (chữ "S" trong ESG) tại các doanh nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.