Những phát minh làm thay đổi thế giới của người Ukraine

Ukraine là quê hương của nhiều nhà khoa học sáng chế ra những phát minh có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của thế giới.

Sự ra đời của ổ cứng HHD thực sự là một cuộc cách mạng trong việc lưu trữ thông tin. Một trong hai nhà khoa học phát minh ra nó là Lubomyr Romankiw, sinh năm 1931 tại Zhovkva, Ukraine.

Năm 1965, bác sĩ phẫu thuật người Kiev Mykola Amosov sáng chế ra chi giả chống huyết khối và thực hiện ca phẫu thuật van hai lá tim đầu tiên. Amosov cũng thành lập Trung tâm phẫu thuật tim hàng đầu thế giới về đổi mới y học toàn cầu.

Sikorsky R-4 là máy bay đầu tiên trên thế giới được sản xuất hàng loạt và là trực thăng đầu tiên đưa vào trang bị trong Lục quân, Hải quân, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ và Lực lượng Không quân và Hải quân Hoàng gia của Vương quốc Anh. Người thiết kế nó là Igor Sikorsky, sinh ra ở Kiev năm 1889.

Găng tay EnableTalk hay găng tay chuyển đổi ngôn ngữ là phát minh tuyệt vời của một nhóm sinh viên người Ukraine. Mỗi chiếc găng tay có 15 bộ cảm ứng nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu của người khuyết tật rồi chuyển thành văn bản trên thiết bị di động thông qua Bluetooth.

Élie Metchnikoff sinh năm 1845 tại làng Ivanivka, vùng Kharkiv, là tác giả của các công trình cơ bản về miễn dịch học, vi khuẩn học, dịch tễ học và nghiên cứu quá trình lão hóa của con người. Élie Metchnikoff cũng là người đầu tiên phát triển lý thuyết thống nhất về hệ thống bảo vệ của cơ thể con người.

MBR R-7 được đưa vào quỹ đạo không gian là vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất và là tàu vũ trụ đầu tiên do con người điều khiển. Nó được thiết kế bởi một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Sergey Korolev, sinh năm 1907 tại Zhytomyr, Ukraine.

Việc đề xuất mô hình toán học và đưa ra một mã di truyền định hình sự kết hợp của các axit amin trong phân tử DNA của nhà toán học nổi tiếng người Mỹ gốc Ukraine, George Gamow, đóng vai trò quyết định trong nghiên cứu giải mã các mã protein hình thành nên nó.

Petro Prokopovych sinh năm 1775 gần Chernihiv, Ukraine là người phát minh ra chiếc thùng nuôi ong mật có thể di chuyển đầu tiên trên thế giới. Nó không chỉ giúp thu hút ong dễ dàng hơn mà còn cho phép lấy mật mà không gây hại cho ong.

Động cơ piezo hay động cơ áp điện là loại động cơ không thể thiếu trong thiên văn học, thám hiểm không gian, thậm chí cả chế tạo người máy. Chúng giúp chuyển đổi năng lượng điện thành cơ năng với hiệu suất rất cao (lên đến hơn 90%). Chúng được kỹ sư người Ukraine Vyacheslav Lavrynenko chế tạo vào năm 1964.

Hàn điện mô mềm là phương pháp kết nối các mô mềm với sự hỗ trợ của dòng điện cao tần. Nó được thiết kế vào năm 1992-1993 bởi Viện hàn điện Paton thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine dưới sự lãnh đạo của Borys Paton. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong sản phụ khoa, tiết niệu, nhãn khoa, ung thư ... Ngoài y học, kỹ thuật hàn của Paton được sử dụng trong không gian và dưới nước.

Nguyễn Nguyễn (Theo Ukraine UA))

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/nhung-phat-minh-lam-thay-doi-the-gioi-cua-nguoi-ukraine-1685305.html