Những 'nữ tướng' vùng cao

Bài 1: Người ta không dám làm, mình phải làm

Bài 2: Muốn dân vận tốt thì phải hiểu dân

Bài 3: Dân vận không chỉ bằng lời nói

LCĐT - Ở Tả Phìn (Sa Pa) có một nữ đảng viên luôn nuôi ước mơ giúp phụ nữ quê hương mình vươn lên thoát nghèo bằng nghề truyền thống. Đó là chị Lý Mẩy Pham, ở thôn Sả Séng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Phìn.

Chị Lý Mẩy Pham (phải ảnh) cùng mẹ thêu thổ cẩm sau giờ làm việc.

Chị Lý Mẩy Pham (phải ảnh) cùng mẹ thêu thổ cẩm sau giờ làm việc.

Hầu hết cô gái người Dao ở Tả Phìn (Sa Pa) ngay từ nhỏ đã được bà, mẹ dạy cách thêu thổ cẩm, hái lá thuốc tắm. Giống như những cô gái Dao, ngay từ nhỏ, Lý Mẩy Pham cũng thạo nghề truyền thống, nhưng khác các bạn cùng trang lứa, chị muốn được đến trường học chữ và mong muốn góp sức mình giúp phụ nữ tại địa phương phát triển nghề truyền thống.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Lý Mẩy Pham là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em. Bố của Lý Mẩy Pham từ nhỏ đã không đi học và không biết chữ, trái lại, mẹ của chị là Lý Mẩy Chạn lại là người ham học hỏi, chịu khó tìm tòi và dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vì quá đông con, nên các anh chị của Lý Mẩy Pham chỉ học hết lớp 2, lớp 3 rồi nghỉ học ở nhà làm việc hoặc lập gia đình. Riêng Lý Mẩy Pham, ngay từ nhỏ đã ham học, luôn coi mẹ mình là tấm gương để chị học tập.

Lý Mẩy Pham học hết lớp 5, khi đó ở Tả Phìn mới chỉ có bậc tiểu học, muốn học tiếp, chị phải lên thị trấn Sa Pa cách nhà 12 km. Gia đình không đủ điều kiện cho đi học xa, chị đã xin mẹ và cô giáo cho học đi học lại kiến thức tiểu học nhiều năm. Vậy là 3 năm liền, Lý Mẩy Pham kiên trì học lớp 5. “Vừa được đến lớp học để không bị quên kiến thức, sau giờ học lại được phụ giúp mẹ bán đồ thổ cẩm, bán lá thuốc tắm. Chỉ cần mỗi ngày được đến trường học, dù học lại kiến thức cũ nhưng mình vẫn muốn học”, Lý Mẩy Pham tâm sự khi nghĩ lại tuổi thơ của mình.

Sau 3 năm chờ đợi, Tả Phìn cũng có chương trình học THCS để Lý Mẩy Pham học tiếp. Tốt nghiệp THCS, chị đi học trung cấp văn thư và về địa phương làm việc tại Công ty tắm lá thuốc Sapanapro của mẹ. Sau khi tham gia công tác tại địa phương, Lý Mẩy Pham vừa học vừa làm, đến nay chị đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Công tác xã hội. Ở Tả Phìn có rất ít phụ nữ học cao như chị, đa phần chỉ học hết lớp 5 rồi lấy chồng. Lập gia đình khi 25 tuổi, Lý Mẩy Pham cười: “Bằng tuổi mình ở đây mọi người lấy chồng hết rồi, khi đó mình là cô gái lấy chồng muộn nhất trong thôn do mải đi học và tham gia công tác mà không đồng ý lập gia đình”.
Tích cực tham gia các hoạt động đoàn, năng nổ, nhiệt tình cùng các chị em tại địa phương lưu giữ và quảng bá nghề thêu thổ cẩm, nghề tắm lá thuốc của người Dao đỏ, năm 2004, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chị tâm sự: Với mình, mẹ là đảng viên ưu tú để học tập và noi theo. Từ nhỏ, thấy mẹ tập hợp chị em trong thôn cùng thêu thổ cẩm, bán lá thuốc tắm, vận động chị em không chèo kéo khách du lịch, bán hàng rong. Khi đó, mình ước lớn lên có thể giống như mẹ, giúp phụ nữ quê mình có cuộc sống ngày càng tốt hơn”. Năm 2011, chị được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Phìn và bắt đầu có những đóng góp trong công tác phụ nữ của xã.

Với phụ nữ ở Tả Phìn, trước đây nạn tảo hôn diễn ra nhiều, còn có những gia đình vì mải mê công việc nương, ruộng bỏ bê không quan tâm đến con em, dẫn đến con bỏ học. Những năm trở lại đây, nạn tảo hôn ở Tả Phìn đã giảm, chị em trong xã đã quan tâm hơn đến việc học tập của con em. Đặc biệt, góp phần đưa Tả Phìn sớm “cán đích” nông thôn mới, có sự chung tay xây dựng của Hội Phụ nữ xã với mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Đến nay, xã Tả Phìn đã xây dựng được 3 mô hình, mỗi mô hình có 25 hộ tham gia. Giờ đây đến Tả Phìn, nhiều người ngỡ ngàng bởi những con đường làng luôn được quét dọn sạch sẽ, những ngôi nhà được sửa sang, trang trí gọn gàng.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị thường xuyên bám sát cơ sở, tận tình hướng dẫn hội viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp nhau vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, để đưa ra những kế hoạch sâu sát với tình hình thực tế, chị thường xuyên trau dồi kiến thức, tìm hiểu những mô hình phù hợp để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ làm việc trong giờ hành chính, chị tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, có dịp là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng hộ. Cả xã có hơn 400 hội viên phụ nữ, hầu hết là chị em dân tộc Mông và Dao làm nông nghiệp, một số khác thêu, bán hàng thổ cẩm, thuốc tắm người Dao và hướng dẫn viên du lịch. Trước kia, nhiều phụ nữ còn ngồi tràn trên vỉa hè, ven đường, chèo kéo khách mua hàng, nay chị em được tuyên truyền, vận động nên tập trung ngồi thêu theo vị trí quy định. Nhiều phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng, vươn lên làm chủ kinh tế gia đình. Hiện đã có 2 hội viên phụ nữ của xã mở cửa hàng tự thêu và bán đồ thổ cẩm, đó là chị Thào Thị Sung và chị Thào Thị Pằn, còn gia đình chị Giàng Thị Mẩy không chỉ bán đồ thổ cẩm mà còn trồng hoa địa lan xuất bán ra thị trường.

Chị Lý Mẩy Pham luôn trăn trở, mong muốn hội viên phụ nữ của Tả Phìn có thêm nhiều người đứng trong hàng ngũ của Đảng, để tiếng nói của chị em được xã hội biết đến. Đến nay, chị đã giới thiệu được 3 hội viên phụ nữ để các chi bộ xem xét, kết nạp Đảng. Bằng sự chân thành và gần gũi, lý lẽ thuyết phục, chị được các hội viên và bà con trong xã tín nhiệm. Nhờ đó, những hoạt động và phong trào của hội phụ nữ đều được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện và hội viên ủng hộ nhiệt tình. Nói về Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lý Mẩy Pham, ông Lý Phù Siệu, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn nhận xét: Lý Mẩy Pham là đảng viên gương mẫu, luôn quan tâm đến chị em và tích cực trong mọi hoạt động. Những nhân tố năng nổ và nhiệt huyết với công việc như chị sẽ góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển.

Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, sau giờ làm, chị Lý Mẩy Pham còn giúp chồng quản lý Hợp tác xã tắm lá thuốc, quảng bá nghề truyền thống đến du khách và nâng cao thu nhập cho gia đình. “Đảm việc nước, giỏi việc nhà”, năm 2017, chị được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua và nhiệm vụ công tác hội.

Hoàng Thu - Thy Khanh - Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nhung-nu-tuong-vung-cao-z5n20190722093959704.htm