Những người đủ sức khỏe để tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19

Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca là vaccine đầu tiên triển khai tiêm chủng trên diện rộng ở nước ta để phòng bệnh COVID-19. Lần đầu tiên Bộ Y tế cũng đã ban hành một hướng dẫn riêng trong khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Trước đó, các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng theo hướng dẫn chung về tiêm các loại vaccine.

Những người được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: VGP/Trọng Hải

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế vừa ban hành, sẽ áp dụng cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng Nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Hướng dẫn này có mục tiêu phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVI-19.

Cụ thể, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là những người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine.

Các đối tượng hoãn tiêm chủng gồm những người đang mắc bệnh cấp tính, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ, người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, người ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù.

Những người trong vòng 14 ngày trước đó có điều trị corticoid liều cao, hoặc điều trị hóa trị, xạ trị cũng hoãn tiêm vaccine này. Những người tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước, người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng, người trên 65 tuổi, người giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu cũng hoãn tiêm.

Các đối tượng cần phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh viện, gồm người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác, người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định, người mất tri giác, mất năng lực hành vi, người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống… Những người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước, hoặc với bất kỳ thành phần nào của vaccine thì chống chỉ định tiêm.

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, từ ngày 8/3 đến nay, Việt Nam đã tiêm phòng vaccine COVID-19 cho 24.054 người tại 12 tỉnh, thành phố. Đây là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Tất cả những người được tiêm đều an toàn, tuy nhiên có ghi nhận một số trường hợp sốc phản vệ độ 2-3 sau tiêm. Đến nay, sức khỏe của những người này cũng đã ổn định.

Các bệnh viện gồm: Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã kết thúc tiêm vaccine COVID-19 trong đợt tiêm đầu tiên này.

GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, không riêng vaccine AstraZeneca, hầu hết các loại vaccine khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỷ lệ nhất định. Điều quan trọng là phải có theo dõi, đánh giá. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị tất cả địa phương ghi nhận trường hợp có phản ứng sau tiêm, thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân, trong thời gian sớm tới đây sẽ có phản hồi.

Hiện tại, WHO và các đơn vị chuyên môn khác vẫn khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca. “Đến nay, chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vaccine AstraZeneca với các trường hợp bị đông máu”, bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO cho biết.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/nhung-nguoi-du-suc-khoe-de-tiem-vaccine-astrazeneca-phong-covid19/426167.vgp