Những giáo viên trẻ đam mê sáng tạo vì học sinh thân yêu
Trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên trẻ của TP Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo để cải thiện phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trong số đó, nhiều cá nhân tiêu biểu đã được vinh danh vì những thành quả nổi bật của mình.
Đó là thầy Lê Văn Thái (1995) - giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà), người đã để lại dấu ấn sâu sắc với sáng kiến xây dựng mô hình “Cổng trường bình yên”. Đây là một giải pháp kết hợp giáo dục an toàn giao thông (ATGT) với các hoạt động của nhà trường, tạo nên sự thay đổi tích cực trong nhận thức của học sinh, giáo viên và phụ huynh. Trong năm học 2023-2024, mô hình này không chỉ được UBND quận Sơn Trà công nhận đạt loại C mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Thầy Thái đã thành công trong việc xây dựng một môi trường học đường an toàn, nơi phụ huynh và học sinh đồng lòng tuân thủ quy định giao thông, góp phần xây dựng lối sống văn minh, gia đình hạnh phúc. “Hiệu quả lớn nhất mà chúng tôi đạt được chính là sự thay đổi nhận thức tích cực về ATGT. Học sinh và phụ huynh đều đã nhận thức rõ vai trò của mình, từ đó hình thành nếp sống văn hóa giao thông”- thầy Thái chia sẻ.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Trà Linh (1995) – giáo viên Anh Văn trường THCS Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn) thì dành nhiều năm tâm huyết vào việc nâng cao kỹ năng nghe, nói Tiếng Anh cho học sinh. Với sáng kiến “Một số biện pháp rèn kỹ năng nói cho học sinh khối 6” năm học 2022-2023, cô đã giúp học sinh khối lớp 6 Trường THCS Trần Đại Nghĩa trở nên tự tin hơn khi giao tiếp, sử dụng Tiếng Anh. Cô Linh đã áp dụng phương pháp học tập trải nghiệm, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh có cơ hội thực hành và nâng cao kỹ năng nói Tiếng Anh. Điều này không chỉ tạo động lực cho các em, mà còn giúp các em tự tin trong giao tiếp. Sáng kiến này đã được đánh giá cao và xếp loại C cấp quận. Năm học 2023-2024 vừa qua, cô Linh tiếp tục có sáng kiến “Một số giải pháp trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Anh khối 8”. Với sáng kiến này, “đội ngũ học sinh giỏi khối 8 của trường ngày càng tự tin trong việc giao tiếp bằng Tiếng Anh, kỹ năng nghe và kiến thức chuyên môn của các em đã có sự tiến bộ rõ rệt”- cô Linh chia sẻ thêm.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Như Nguyên (1992) – giáo viên dạy tại Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn), thì mang lại một làn gió mới trong phương pháp giảng dạy thông qua sáng kiến “Vận dụng thuyết đa trí tuệ vào thiết kế các hoạt động dạy học ở bậc THPT”. Cô Nguyên đã áp dụng lý thuyết đa trí tuệ vào dạy học, giúp các em học sinh nhận thức được khả năng của mình và phát triển tư duy toàn diện. Điều này đã tạo điều kiện để học sinh tham gia vào các hoạt động học tập một cách sáng tạo và hứng thú hơn.
Cũng giống như cô Nguyên, cô Nguyễn Thị Đông (1991)- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Dư (quận Cẩm Lệ), đã có nhiều đóng góp trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua công nghệ. Từ năm học 2018 - 2019 đến nay, cô đã liên tục triển khai nhiều sáng kiến nổi bật, trong đó có sáng kiến: “Bìa giảng Elearning Giáo dục ATGT trong trường học”, “Giáo dục và phát triển kỹ năng sống cho học sinh”, sáng kiến “Một số video tư liệu phục vụ dạy học lịch sử địa phương” đạt loại B cấp quận năm học 2022-2023 và “Sổ tay khoa học “Những điều lý thú về Nấm” đạt loại A cấp quận năm học 2023 – 2024...
Cô Đông đã tận dụng sự phát triển của công nghệ để mang đến những bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn cho học sinh. Những sáng kiến của cô đã giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, đồng thời tạo ra môi trường học tập sáng tạo, thúc đẩy học sinh phát triển kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, cô cũng là người khởi xướng mô hình “Phân loại rác thải tại lớp học”; “Thư viện mở”; Mô hình giáo dục STEAM; Mô hình Câu lạc bộ (CLB) 0 đồng; Mô hình CLB Thủ lĩnh khăn quàng đỏ... tại trường. Các mô hình không chỉ giúp học sinh học hỏi về kiến thức mà còn góp phần giáo dục các em nâng cao khả năng, hiểu biết về xã hội.
Có thể nói, với tinh thần đổi mới, không ngừng tìm tòi, sáng tạo, các thầy cô giáo trên không chỉ làm tròn trách nhiệm của người giáo viên mà còn góp phần vào việc phát triển toàn diện thế hệ trẻ, từ đó tạo nên những thay đổi tích cực cho xã hội. Những sáng kiến của các thầy cô không chỉ có giá trị thực tiễn mà còn lan tỏa tinh thần học tập và sáng tạo trong toàn ngành giáo dục.
Ngày 5-10 vừa qua, họ là 4 cá nhân ở lĩnh vực giáo dục/tổng số 39 cá nhân công chức, viên chức trẻ tiêu biểu vinh dự được Hội LHTN Việt Nam TP Đà Nẵng trao Giải thưởng “Cán bộ, Công chức, Viên chức trẻ giỏi” năm 2024. Việc tôn vinh đó không chỉ là sự ghi nhận mà còn là sự khích lệ rất lớn để đội ngũ giáo viên trẻ tiếp tục sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp giáo dục của Đà Nẵng nói riêng, vì sự nghiệp “trồng người” nói chung.