Những đớn đau mang tên 'đồ uống có cồn': Kỳ 1: Xin đừng chỉ nói một nửa sự thật

Tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, loạn thần, ung thư, xâm hại tình dục, đói nghèo… là những hậu quả khủng khiếp do sử dụng rượu, bia (đồ uống có cồn) gây ra cho con người. Tuy nhiên, do rượu bia tại Việt Nam dễ tiếp cận, được sử dụng tràn lan nên những nỗi đau do thứ đồ uống có hại này đang ngày càng trầm trọng.

Nỗi đau của những đứa trẻ bỗng nhiên mất mẹ

Ngày… một đoàn đi đưa tang ở Bình Định bỗng nhiên bị một chiếc ô tô đâm vào. Hiện trường vụ tai nạn là người nằm la liệt với những thương tích khác nhau; trong số đó có người đã tử vong.

Ngày…. một chiếc “xe điên” lao vun vút trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) tông vào một nữ công nhân đang cố gắng hoàn thành công việc lúc nửa đêm để trở về với gia đình. Cú tông quá mạnh khiến chiếc xe rác bẹp rúm và thi thể nữ công nhân cũng không thể vẹn nguyên. Trong tích tắc, 2 đứa con nhỏ của chị bỗng mất mẹ, trở thành côi cút.

Ngày… lại một chiếc xe phóng với tốc độ “điên dại” tông trúng 2 phụ nữ đi xe máy đèo nhau ở hầm Kim Liên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cú đâm khiến 2 phụ nữ văng ra khỏi xe. Cả 2 người bạn học cùng lớp với nhau thời phổ thông có chung một ngày giỗ. Họ cũng đang trên đường trở về với gia đình sau những giờ lao động căng thẳng.

Điểm chung của những vụ tai nạn giao thông này đều do tài xế sử dụng rượu, bia. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì nồng độ cồn trong máu của tài xế vượt ngưỡng rất nhiều lần. Đây chỉ là một số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong tháng 4-2019, thực tế còn rất rất nhiều những vụ TNGT đau lòng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc sử dụng đồ uống có cồn.

Hậu quả của những mất mát này là vô cùng đau xót: Gia đình ly tán, những người vợ mất chồng, những người chồng mất vợ… Nhưng xót xa hơn chính là số phận của bao đứa trẻ bỗng chốc trở thành côi cút, bơ vơ. Nhiều nạn nhân là lao động chính trong gia đình, khi mất đi họ thì cuộc đời, tương lai của bao đứa trẻ cũng trở nên mờ mịt, bấp bênh. Cho dù có nhận được những sự hỗ trợ của cộng đồng thì liệu có thể bù đắp được nỗi đau khi không còn mẹ trên đời? Những đứa trẻ tội nghiệp đến khi nào mới nguôi ngoai nỗi đau?

 ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Giải pháp gốc rễ là hạn chế sự sẵn có của rượu bia. (Ảnh:T.A)

ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Giải pháp gốc rễ là hạn chế sự sẵn có của rượu bia. (Ảnh:T.A)

82% nạn nhân tử vong do TNGT có nồng độ cồn trong máu

Người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia ngoài việc gây tai nạn, tước đi mạng sống của người khác thì họ cũng gây tai nạn cho chính và tự vứt bỏ cuộc sống của chính mình. Lý do khiến người sử dụng phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn gây tai nạn bởi những nghiên cứu khoa học do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành đã chỉ ra rằng: Rượu bia làm chậm phản ứng khoảng 10%-30%; rượu bia hạn chế khả năng phối hợp vài hoạt động trong cùng một lúc; hạn chế khả năng nhận biết các vật từ xa; tầm nhìn ban đêm có thể giảm tới 25%...

Theo báo cáo toàn cầu của WHO về sử dụng rượu bia và sức khỏe năm 2018, trong số các trường hợp TNGT ở Việt Nam có nguyên nhân do sử dụng rượu bia thì 32,4% là nam giới và 19,6% là nữ giới. Đồng thời, WHO chỉ ra rằng, rượu bia là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong đó gây ra 20% số ca tử vong do TNGT.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu bia do ĐH Y Hà Nội và BV Hữu nghị Việt Đức tiến hành năm 2007-2008 cho thấy: Trong số các ca tử vong có tới 59% trong độ tuổi 15-29; 24% trong độ tuổi 30-44. Trong đó nam giới chiếm 97%; có tới 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu ở mức hơn 50mg/100ml máu. Đa số là tai nạn nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn.

Những thiệt hại kinh tế do TNGT liên quan đến rượu bia ở Việt Nam là 36,2%, xấp xỉ 1 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, mức thuế do các DN rượu bia đóng cũng chỉ xấp xỉ 1,2 tỷ đô la Mỹ.

Để hạn chế những vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia, Việt Nam đã có những quy định về nồng độ cồn trong máu với người điều khiến phương tiện giao thông. Đồng thời, có hẳn chiến dịch kêu gọi “Đã uống rượu bia-Không lái xe”. Tuy nhiên, dưới góc độ y học, các bác sỹ, chuyên gia cho rằng: Không có ngưỡng nào là an toàn với sử dụng rượu bia. “Một khi alcohol (cồn) đã vào người, sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây biến đổi trạng thái tâm lý tình cảm, hành vi… Khi người uống rơi vào trạng thái “được thay máu”, thì mọi suy nghĩ, hành động đều được “điều khiển” bởi “ma men”! Làm sao tránh được những hậu quả của rượu bia gây ra? Thực chất, chỉ có gây thêm ra hậu quả mà thôi!”, bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng-một thành viên của Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm bày tỏ.

Một chính sách tốt có thể làm hàng triệu người hạnh phúc

ThS Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế bày tỏ: Sau những tai nạn thương tâm do lái xe uống rượu bia gây ra chúng ta có thể trắc ẩn và thương cảm dành dụm, quyên góp để chia sẻ, vợi bớt một phần nỗi đau và cũng để tìm sự an yên cho tâm hồn mình, có thể kêu gọi cộng đồng thức tỉnh đã lái xe thì không bia rượu để không còn những hậu quả đau lòng. Nhưng đấy chỉ là những ân tình tự phát, nhất thời.

Để bền vững thì cần giải quyết được căn nguyên vấn đề bằng một chính sách bền vững, phải để cho mọi người nhận thức được rượu bia không phải là hàng hóa bình thường và có cơ chế quản lý chặt chẽ với nó bằng các quy định pháp luật như hàng trăm quốc gia khác đã và đang làm từ vài chục thập kỷ trước. Một hành động đẹp có thể cứu sống một con người nhưng một chính sách tốt có thể cứu sống hàng vạn người và làm cho hàng triệu người khác hạnh phúc.

Thời gian qua, cụm từ "Uống có trách nhiệm" là một giải pháp hoa mỹ được ngành công nghiệp rượu bia quốc tế khởi xướng nhằm làm nhẹ đi đặc tính "gây nghiện", "gây hại", "gây ngộ độc cấp và mãn tính" vốn là đặc trưng tiềm ẩn của sản phẩm này. Cụm từ "có trách nhiệm" đã khiến cho không ít người, kể cả những người có trình độ và vị thế xã hội lầm tưởng hoặc có đủ tri thức để hiểu nhưng vì một lý do nào đó cố gắng (muốn) cho rằng rượu bia vô hại và chỉ có người uống là có lỗi mà thôi.

Cách đánh tráo khái niệm này đã hoán đổi hoàn toàn trách nhiệm của ngành công nghiệp rượu bia sang người uống và làm cho rượu bia không còn bất bình thường, lờ đi các giải pháp căn nguyên, gốc rễ của vấn đề về tác hại của rượu bia. Thông điệp này đã được họ tuyên truyền ở khắp nơi, thậm chí họ tài trợ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức trung gian để tạo nên những chương trình "uống có trách nhiệm".

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế chỉ rõ, thực tế hiện nay việc tiếp thị bia, rượu tràn lan khiến cho người uống “ngay cả trước khi uống có đau đáu đến trách nhiệm nhưng uống một cốc, một ly vào đã chuếnh choáng; rồi những tiếng reo hò ở các bàn nhậu xung quanh; rồi sếp, đối tác, bạn bè cứ đứng chờ uống hết để bắt tay thì ta có còn đủ tỉnh táo nghĩ được trách nhiệm không? Rồi với những đứa trẻ hay thanh niên mới lớn thiếu kiến thức sống nhưng thừa sự ngông nghênh, tự phụ ở cái lứa tuổi coi trời bằng vung thì trách nhiệm cái nỗi gì?”.

Một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ mà cần sự cộng đồng, chung tay. Trách nhiệm là thứ có thể khơi gợi, khích lệ và giáo dục nhưng mình nó thôi không đủ mà cần tạo điều kiện, môi trường để nuôi dưỡng, để nó sống được bằng cách dẹp bỏ bớt những cản trở xung quanh.

Vấn đề là phải làm cho rượu bia trở nên khó tiếp cận hơn, không sẵn có, tràn lan như hiện nay bằng cách đánh thuế cao để giá cao, hạn chế/cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, hạn chế mật độ điểm bán, giờ bán, điểm uống, giờ uống, lái xe thì không uống và xử phạt nghiêm. Đấy mới là giải pháp gốc rễ để cho con người có thể còn đủ tỉnh táo mà nghĩ đến trách nhiệm sau mỗi cốc bia, chén rượu”, ThS Trần Thị Trang nhấn mạnh.

(Còn tiếp)

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-don-dau-mang-ten-do-uong-co-con-ky-1-xin-dung-chi-noi-mot-nua-su-that-148050.html