Những bước đi tới mục tiêu Olympic - Bài 3: Nâng cao chất lượng vận động viên và cơ sở vật chất
Để đạt được những thành tích tốt ở các kỳ Olympic trong tương lai, ngành Thể thao Việt Nam cần xây dựng những kế hoạch đầu tư, phát triển mạnh mẽ trên mọi mặt.
Kết luận 70 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao cùng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã định hình, tạo cơ chế tối đa cho ngành thể thao trong mục tiêu hướng tới đấu trường cao nhất là Olympic. Trong đó, hai mục tiêu chính được Thể thao Việt Nam đặt trọng tâm phát triển là đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV.
Xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV
Tuyển chọn, đào tạo VĐV được xem là một trong những yếu tố "xương sống" quan trọng đối với sự phát triển của thể thao. Nằm trong định hướng phát triển ngành cho mục tiêu xa, trong thời gian tới, ngành Thể thao sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống đào tạo VĐV một cách khoa học, bền vững cùng kế hoạch tập trung đầu tư trọng điểm cho các VĐV ưu tú tham gia thi đấu tại Olympic 2024, 2028 và ASIAD 2026 và 2030.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu ngành Thể thao cần đưa ra lời giải cho "bài toán" thể thao thành tích cao. Trong đó, yếu tố quan trọng là tập trung chấn chỉnh về công tác đào tạo. Để làm được điều này, cần có sự tính toán từ cấp tỉnh, cấp ngành, chú ý quy trình tuyển chọn, đào tạo mang tính hệ thống.
"Trước đây, chúng ta vẫn thường lựa chọn VĐV thành tích cao thông qua thể thao phong trào, liệu điều đó bây giờ có còn phù hợp nữa hay không? Hay như ý kiến tại Hội nghị mà tôi vừa nghe đó là chúng ta có thể ứng dụng khoa học, phải chăng đó là gen, IQ?. Những người làm quản lý về thể thao cần phải nghiên cứu trả lời được câu hỏi này" - Bộ trưởng đặt vấn đề và cho rằng, yếu tố con người chính là nền tảng để chúng ta xây dựng khát vọng Olympic.
Đồng thời, cần tập trung rà soát cơ sở vật chất, xác định thế mạnh của từng trung tâm, từng tỉnh để bố trí sắp xếp các đội tuyển tập luyện một cách phù hợp.
"Chúng ta có trong tay Viện khoa học thể dục thể thao với chức năng nghiên cứu cơ bản, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Thể dục thể thao. Phải phát huy các chuyên gia ở Viện này để tham mưu giúp Bộ quản lý trong lĩnh vực Thể thao dựa trên phương pháp, luận cứ khoa học" - Bộ trưởng nêu rõ.
Việc tuyển chọn, xác định các VĐV sẽ được thực hiện bởi BHL các đội tuyển quốc gia, Hội đồng chuyên môn của các Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, các chuyên gia, huấn luyện viên, nhà quản lý chuyên môn của Cục Thể dục thể thao dựa trên 3 căn cứ gồm: Độ tuổi và thành tích hiện tại đạt được của vận động viên; Dự báo khả năng đạt thành tích đến năm 2026 (thời điểm tổ chức ASIAD 20); Khả năng phát triển sau năm 2026 để chuẩn bị cho việc tham dự Olympic 2028 và những năm tiếp theo. Các VĐV được chia theo 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là những VĐV tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Nhóm này dự kiến khoảng 30 VĐV xuất sắc, có khả năng tranh chấp huy chương vàng ASIAD 20 và đạt chuẩn tham dự Olympic ở 5 - 6 môn thể thao như Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Đua thuyền, Xe đạp, Bắn cung, Cầu lông và nội dung hạng cân nhỏ ở môn thể thao đối kháng như Taekwondo, Boxing, Judo, Vật (trong đó chú trọng ưu tiên nữ)... Với nhóm VĐV này, ngành Thể thao sẽ ưu tiên tập trung đầu tư mọi nguồn lực của nhà nước (trung ương và địa phương) kết hợp với sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân để gửi đi đào tạo, tập huấn dài hạn ở nước ngoài, tại những quốc gia có nền thể thao tiên tiến của thế giới (phù hợp với từng môn thể thao).
Nhóm thứ hai là những VĐV kết hợp tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài theo chế độ đặc thù. Nhóm này dự kiến khoảng 150 VĐV của 9 - 10 môn thể thao có khả năng giành huy chương ASIAD các môn thể thao (đã bao gồm các môn trong nhóm SEA Games, ASIAD và Olympic) gồm Bóng đá, Bơi, Đua thuyền, Cử tạ, Bắn súng, Karate, Taekwondo, Wushu, Bắn cung, Pencak Silat, Boxing, Kiếm, Thể dục, Vật, Xe đạp, Điền kinh và các môn: Cờ, Bóng chuyền, Golf…. Những VĐV này sẽ được áp dụng, thực hiện các chế độ đặc thù theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình đào tạo, tập huấn, kết hợp giữa tập huấn trong nước với tập huấn, thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài.
Nhóm thứ ba là những VĐV tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài theo chế độ hiện hành và các môn được xã hội quan tâm như: Bóng đá, Bóng chuyền, Tennis, Golf. Đối với VĐV các môn thể thao nhận được sự quân tâm của xã hội, ngành sẽ tận dụng tối đa nguồn lực của xã hội, kết hợp sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước.
Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, để đào tạo ra một VĐV có khả năng vô địch ASIAD, Olympic cần rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của hệ thống tuyển chọn bài bản ở 63 tỉnh, thành cùng các cấp từ tiểu học cho tới đại học.
"Sẽ cần 10 năm để đào tạo từ 1 người chưa biết nhiều về thể thao cho đến khi đạt thành tích cao ban đầu (Thành tích vô địch ở mức cấp độ quốc gia - PV). Trong quá trình đó, từ hàng nghìn VĐV mới có 1 người vô địch, tính đào thải là rất lớn và tiêu tốn nhiều kinh phí. Ngoài ra còn cần nhắc tới khoa học huấn luyện. Khía cạnh này yêu cầu đội ngũ nhân lực lớn không chỉ HLV mà còn nhiều nhân sự để giải quyết các bài toán như hồi phục, lượng vận động, dinh dưỡng, thống kê… " - Cục trưởng Đặng Hà Việt nói.
Nâng cấp cơ sở vật chất
Theo báo cáo tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia vẫn còn đang rất khiêm tốn. Trong đó, Trung tâm HLTTQG Hà Nội chỉ đáp ứng được 50% so với tiêu chuẩn, Trung tâm HLTTQG TP. Hồ Chí Minh là 30%, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, Cần Thơ còn thiếu một số hạng mục cơ bản như bể bơi, sân đá bóng, đường chạy tiêu chuẩn...
Hiện, ở 4 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đang phục vụ tập huấn cùng lúc cho hơn 2.200 VĐV (1.260 đội tuyển và 960 đội tuyển trẻ). So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện đang có một lực lượng VĐV thành tích cao tương đối lớn. Tuy nhiên, về mặt cơ sở vật chất, ngành Thể thao lại đang thiếu các thiết bị hiện đại cả trong tập luyện lẫn hồi phục tại các cơ sở huấn luyện.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội cho biết, do đã xây dựng từ lâu nên cơ sở vật chất của Trung tâm hiện đang thiếu, xuống cấp, các công trình thể thao phục vụ cho VĐV chưa đáp ứng được số lượng VĐV các đội tuyển tập luyện hàng năm như nhà ăn, nhà ở, nhà tập, bể bơi, sân tập và các trang thiết bị tập luyện, thi đấu hiện đại...
"Trung tâm phải gửi 14/34 đội tuyển và tuyển trẻ tập huấn tại địa phương do thiết cơ sở vật chất, điều này gây khó khăn trong việc phục vụ, quản lý cũng như đảm bảo thành tích" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Dựa trên định hướng phát triển trong thời gian tới, đối với công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, ngành Thể thao đã xây dựng định hướng, kế hoạch, lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động thể thao thành tích cao đến năm 2030.
Trong đó, đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Tiến hành rà soát, phân định địa bàn đào tạo cho các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, phân tích, xác định rõ điều kiện của mỗi Trung tâm để quyết định đối tượng huấn luyện. Hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển các môn thể thao trọng điểm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Giữa trung ương và địa phương sẽ phân cấp, phân định trách nhiệm trong việc phát triển thể thao thành tích cao để đảm bảo tính hệ thống trong việc sử dụng nguồn lực trong việc đào tạo tài năng thể thao. Đồng thời tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư trung hạn để nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất của các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huấn luyện và đào tạo thể thao thành tích cao.
Nỗ lực tạo bước đột phá tại ASIAD và Olympic
Từ những định hướng phát triển toàn diện trên, ngành Thể thao xác định mục tiêu tổng quát trong là tạo bước đột phá về thành tích tại các kỳ Olympic và ASIAD.
Về mục tiêu cụ thể, tại kỳ Olympic Paris 2024 trước mắt, Thể thao Việt Nam phấn đấu có từ 12-15 VĐV vượt qua vòng loại giành quyền tham dự ở các môn: Xe đạp, Bắn súng, Bơi lội, Điền kinh, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Taekwondo, Boxing, Đua thuyền, Bắn cung, Cầu lông… Phấn đấu đến Olympic Los Angeles 2028, có trên 20 VĐV vượt qua vòng loại, giành quyền tham dự Olympic.
Tại ASIAD 20 Aichi - Nagoya 2026, ngành Thể thao đặt mục tiêu phấn đấu giành từ 5-6 HCV ở các môn: Bắn súng, Karate, Cầu mây, Xe đạp, Điền kinh, Đua thuyền, Thể thao điện tử, Taekwondo, Wushu…
Chuẩn bị lực lượng để có thể giành từ 7-8 HCV tại ASIAD 21 Doha 2030. Tại các kỳ SEA Games 2025, 2027 và 2029, giữ vị trí trong tốp 3 toàn đoàn, tốp 2 đối với các môn thể thao Olympic. Tận dụng cơ hội thi đấu tại SEA Games để phát triển lực lượng chuẩn bị cho Olympic và ASIAD./.