Những băn khoăn khi thực hiện vùng phát thải thấp
Vào cuối tuần trước, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố. Nghị quyết này được đánh giá là hàm chứa yếu tố chuyên môn, chuyên ngành phức tạp với nhiều nội dung, sẽ gây ra tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
Đầu tiên, cần phải hiểu rằng, thành phố sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực. Cùng với đó, sẽ đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp…
Hà Nội dự kiến sẽ tiến hành thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp; từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn thành phố có một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4, Nghị quyết này phải thực hiện vùng phát thải thấp. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Tính đến cuối tháng 11, thành phố ghi nhận hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, bao gồm hơn 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy. Trong đó, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58% đang là nguy cơ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Thực trạng là ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội nghiêm trọng tới mức có thời điểm trong năm, người dân có thể cảm nhận bằng mắt thường, đã có lúc Thủ đô có mặt trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Khí thải từ động cơ xe cơ giới chỉ là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí, nhưng lại là nguồn lớn nhất và dễ kiểm soát nhất, theo các chuyên gia.
Tuy vậy, câu chuyện ô nhiễm tại Hà Nội xuất phát từ nhiều yếu tố khác. Do đó, việc chỉ tập trung vào việc cấm hoặc hạn chế phương tiện giao thông mà không có các biện pháp khác gây ra những e ngại về tính hiệu quả của phương án này.
Anh Trương Hoàng Long sống tại Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy hiện nhiều tuyến đường bị đào xới, cày tung lên, xe cộ đi qua thì khói bụi mù mịt. Một số đoạn đường mới đổ nhựa được một nửa, phần còn lại chưa làm dẫn tới khói bụi xả hết ra đường, các vỉa hè thì chưa lát xong, mà có xong thì cũng không vệ sinh, mặc kệ cát và xi măng theo gió bay lên”. Theo anh Long, ô nhiễm có nhiều nguyên nhân, việc đổ lỗi cho phương tiện giao thông là thiếu công bằng. Một phần ô nhiễm là bụi từ các công trình xây dựng đang thi công, các xe chở vật liệu thì không che, không phủ kín làm rơi vãi vật liệu, cát bụi xuống đường, phương tiện khác đi qua làm bụi cuộn lên, lơ lửng trong không khí.
Trong khi đó, một số người dân lo ngại việc hạn chế phương tiện vào vùng phát phải thấp có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bởi giao thông công cộng của Hà Nội còn chưa được đồng bộ và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chưa kể việc Hà Nội có rất nhiều ngõ ngách, nếu không có xe máy thì rất bất tiện.
Theo các chuyên gia, việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông trong các khu vực trọng điểm là một trong những biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp… Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội từng chia sẻ, áp dụng vùng phát thải thấp là hợp lý, nhất là trong bối cảnh các phương tiện tăng cao, chất lượng không khí ở Hà Nội không tốt. Tuy nhiên, theo ông, để thực hiện được việc này, cơ quan chức năng cần phải phân loại được các phương tiện, để từ đó, có các phương án phù hợp cho từng loại.
Đồng thời, cần phải có khảo sát, nghiên cứu kỹ việc hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm sẽ tác động như thế nào tới người dân. Trước mắt, vị chuyên gia tin rằng cho rằng, Hà Nội cần phát triển mạnh mẽ hệ thống metro, xe điện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, rào cản lớn nhất mà thành phố đang phải đối mặt khi thực hiện vùng phát thải thấp là hệ thống giao thông công cộng thiếu sự đồng bộ và chưa phát triển. Hiện nay phương tiện công cộng tại Hà Nội chủ yếu là các tuyến xe buýt nội đô, nhưng độ phủ còn thấp và vẫn tồn tại nhiều hạn chế khiến nhiều người dân chưa thể ưu tiên sử dụng phương tiện này.
Hà Nội là thành phố có mật độ dân số cao, lại tập trung tại các quận nội thành như: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai... Sâu trong các ngõ nhỏ, có một lượng lớn người dân sinh sống, trong khi khoảng cách từ đây đến vị trí của các tuyến xe buýt công cộng có khi kéo dài cả cây số. Qua trải nghiệm từ nhiều năm, thời gian di chuyển của xe buýt công cộng khá lâu. Trong khi đó, các tuyến tàu điện đô thị, vốn được kỳ vọng là “xương sống” cho giao thông công cộng của thành phố hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và không thể sớm đi vào hoạt động đồng bộ. Điều này khiến nhiều người dân cảm thấy bất tiện nếu phải từ bỏ phương tiện cá nhân và phải gánh thêm một khoản tài chính để chuyển đổi từ phương tiện cũ sang xe điện hoặc xe đạt tiêu chuẩn khí thải, đáp ứng quy định mới cũng là điều không dễ dàng, khiến nhiều người e ngại.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhung-ban-khoan-khi-thuc-hien-vung-phat-thai-thap-159131.html