Những bài học rút ra
Yên Bái là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3. Công tác cứu trợ, cứu nạn, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống cho người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của toàn xã hội, tỉnh Yên Bái đã kịp thời tái thiết, khắc phục hậu quả, nhanh chóng 'giải cứu', ổn định sản xuất tại các vùng thiên tai. Từ thực tế ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh đã đúc rút những bài học kinh nghiệm quý giá.
Nhìn lại con số thống kê do ảnh hưởng hoàn lưu bão Yagi để lại, nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng vì những thiệt hại, mất mát to lớn về người, về tài sản. Toàn tỉnh có 54 người chết, 42 người bị thương; 27.331 căn nhà bị ảnh hưởng; 406 công trình thủy lợi hư hỏng và nhiều đê, kè bị vỡ, sạt lở nghiêm trọng; trên 7.000 ha cây trồng bị thiệt hại; 336.325 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; trên 1.000 ha thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng… với tổng thiệt hại trên 5.738 tỷ đồng.
Sau khi bão số 3 đi qua, công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống cho nhân dân trở thành nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, việc khôi phục sản xuất nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp "giải cứu” các vùng cây trồng bị ảnh hưởng đồng thời ban hành Nghị quyết số 77/2024/NQ-HĐND ngày 30/9/2024 Quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp.
Nhờ đó, những kết quả khắc phục, tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản sau bão số 3 là rất khả quan. Tính đến cuối tháng 12/2024, toàn tỉnh đã trồng 6.886 ha ngô, 3.902 ha rau, khôi phục 552 ha dâu và 114 ha cây ăn quả, cây lâu năm; khôi phục, phát triển đàn lợn được 11.936 con, đàn gia cầm trên 511.000 con; khôi phục 1.070/1.070 ha diện tích ao nuôi, 30 lồng cá; khắc phục bước 1 là 366/429 công trình thủy lợi bị hư hỏng…
Những giải pháp khôi phục, ổn định sản xuất kịp thời, nhất là sản xuất nông nghiệp tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai đã góp phần quan trọng để tỉnh Yên Bái hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 với 30/32 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,91%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2024 đạt 7,54% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là trên 7,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 109,23%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 107,5% kế hoạch; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 100,3% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,48%; 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 110% kế hoạch…
Từ thực tiễn ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã giúp tỉnh Yên Bái rút ra được những bài học quý giá trong công tác phòng, chống thiên tai. Đầu tiên phải kể đến việc dự báo chính xác về diễn biến cơn bão và mưa lũ đã giúp các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa. Các cơ quan khí tượng thủy văn và các cơ quan liên quan cần tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo, cung cấp thông tin kịp thời để chính quyền và người dân có đủ thời gian ứng phó. Đặc biệt, việc tăng cường thông tin tới các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có nguy cơ cao là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, sự chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đã được thể hiện rõ nét. Từ cấp tỉnh đến cấp xã, các lực lượng chức năng đã phối hợp đồng bộ, triển khai nhanh chóng các biện pháp sơ tán dân cư, cứu nạn và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Có thể thấy, khi các lực lượng làm việc theo phương châm "4 tại chỗ”, hiệu quả công tác ứng phó là rất cao.
Các cấp chính quyền cần tiếp tục duy trì sự phối hợp này, vừa bảo đảm tính kịp thời vừa nâng cao khả năng ứng phó thiên tai trong tương lai. Đồng thời, việc tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng cũng hết sức quan trọng. Trong đợt ứng phó với bão số 3, công tác tuyên truyền đã giúp người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của thiên tai và chủ động phòng tránh. Do vậy, các hình thức tuyên truyền cần đa dạng và phù hợp hơn để người dân có thể chủ động và chuẩn bị tốt hơn trong các tình huống thiên tai.
Một trong những điều quan trọng cần được rút ra trong phòng, chống thiên tai là công tác di dời và tái định cư cần chuẩn bị trước. Mặc dù các địa phương đã chủ động di dời người dân đến nơi an toàn nhưng vẫn có những trường hợp bị mắc kẹt do chia cắt hoặc chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm. Do đó, việc xây dựng phương án di dời, tái định cư cần được chuẩn bị từ trước với các phương án cụ thể cho từng địa phương, khu vực. Song song, việc khôi phục hạ tầng thiết yếu sau thiên tai, đặc biệt là các công trình thủy lợi, giao thông và nhà ở phải được triển khai ngay sau khi tình hình ổn định.
Tỉnh Yên Bái đã rất chủ động trong việc sửa chữa các công trình thủy lợi, bảo đảm nước tưới cho đồng ruộng và hạn chế tình trạng ngập úng kéo dài. Tuy nhiên, hoạt động khôi phục sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do đất đai bị ngập úng, sạt lở, làm mất mùa. Một bài học quan trọng là việc hỗ trợ nông dân bằng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp kịp thời, cũng sẽ tạo điều kiện để nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Những giải pháp và bài học trong phòng, chống thiên tai đã giúp tỉnh Yên Bái nhanh chóng "vượt bão”, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Do vậy, chúng ta cần phát huy những bài học này đồng thời cải tiến và nâng cao năng lực ứng phó để đối phó với thiên tai có thể xảy ra trong tương lai, bảo vệ tốt hơn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/345107/nhung-bai-hoc-rut-ra.aspx