Nhóm G20 đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận vắc xin toàn cầu

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Dubbo, Úc, ngày 21/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

* Chuyên gia Malaysia: Biến thể Mu có thể vô hiệu hóa vắc xin COVID-19

Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đang diễn ra tại Rome, bộ trưởng các nước đã thảo luận việc phối hợp các chiến lược nhằm nhanh chóng chấm dứt đại dịch COVID-19, trong đó kế hoạch tăng cường phân phối vắc xin cho các nước nghèo hơn có nhu cầu được coi là yếu tố rất quan trọng để đạt mục tiêu này.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ đạt được Hiệp ước Rome về phân phối vắc xin ngừa COVID-19 để tiêm cho toàn bộ người dân trên thế giới.

Ông nói các quốc gia giàu nhất và có tiềm lực nhất cam kết xây dựng một chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho tất cả các nước. Chỉ bằng cách làm việc cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đảm bảo việc phân phối vắc xin COVID-19 một cách công bằng hơn, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về tiếp cận vắc xin phòng bệnh.

Bộ trưởng Speranza bày tỏ sự lạc quan rằng kết quả hội nghị sẽ bao gồm các cam kết đảm bảo tiếp cận vắc xin COVID-19 là "quyền của tất cả mọi người, chứ không chỉ là đặc quyền của một số ít”. Theo ông, khó có thể chấm dứt đại dịch trước năm 2023 và điều này sẽ “phụ thuộc vào khả năng người dân tất cả các nước trên thế giới được tiêm chủng”.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Speranza cũng kêu gọi cách tiếp cận "Một sức khỏe" để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng trong tương lai, ví dụ như một đại dịch khác. Chiến lược "Một sức khỏe" thừa nhận rằng con người, động vật và môi trường có mối liên hệ với nhau.

Ý, nước Chủ tịch G20 năm nay, cho biết mục tiêu của Hội nghị Rome là đưa ra "một thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đoàn kết và công lý, với niềm tin vững chắc rằng không ai bị bỏ lại phía sau”. Cùng ngày, Bộ Y tế Ý thông báo từ tháng 9, nước này sẽ tiêm mũi vắc xin tăng cường cho những người thuộc diện dễ bị tổn thương nhất.

Hãng tin Reuters của Anh cho biết ngày 6/9, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đang đánh giá các dữ liệu liên quan liều tiêm tăng cường của vắc xin ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.

Mũi tiêm này hiện được dự kiến sẽ tiêm cho những người từ 16 tuổi trở lên vào thời điểm 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2. Theo EMA, kết quả đánh giá dự kiến sẽ được công bố "trong vòng vài tuần tới" hoặc có thể lâu hơn nếu cần các thông tin bổ sung.

Cơ quan này cũng cho biết đang tiến hành đánh giá dữ liệu về việc tiêm thêm liều tăng cường vắc xin ứng dụng công nghệ mRNA đối với những người có hệ miễn dịch kém. EMA nêu rõ trong quá trình cơ quan này đánh giá các dữ liệu liên quan, các quốc gia thành viên có thể xem xét các kế hoạch chuẩn bị triển khai các liều tiêm tăng cường.

Trong diễn biến khác, ngày 6/9, giới chuyên gia y tế Malaysia cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Mu vì biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn, độc lực mạnh hơn và có thể vô hiệu hóa vắc xin ngừa COVID-19.

Biến thể Mu, còn được gọi là biến thể B.1.621, lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1. Giáo sư dịch tễ học, Tiến sĩ Awang Bulgiba Awang Mahmud của Đại học Malaya cho biết, mặc dù biến thể Mu có thể không phải là Biến thể có hậu quả nghiêm trọng (VOHC), song biến thể này vẫn có thể tàn phá cơ thể bằng cách dễ lây nhiễm hơn hoặc độc hại hơn. Chỉ một trong hai điều này đã có thể khiến biến thể Mu được phân loại là Biến thể đáng lo ngại (VOC).

Nếu biến thể dễ lây lan nhanh hơn sẽ làm số ca lây nhiễm tăng nhanh chóng đến mức làm tê liệt hệ thống y tế, dẫn đến các dịch vụ y tế giảm sút dưới mức tiêu chuẩn và do đó, tỉ lệ mắc bệnh và tử vong tăng lên. Nếu biến thể độc hại hơn sẽ khiến mức độ mắc bệnh trầm trọng hơn, gây tử vong nhiều hơn hoặc bệnh kéo dài hơn.

Trao đổi với báo giới, ông Awang cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/8 vừa qua cho rằng Mu là một Biến thể đáng Quan tâm (VOI) sau khi được phát hiện ở 39 quốc gia và vùng lãnh thổ (bao gồm Ecuador, Mỹ, Anh, châu Âu, vùng lãnh thổ Hong Kong của Trung Quốc và Hàn Quốc), khiến biến thể này trở thành VOI thứ năm sau Eta, Iota, Kappa và Lambda. Theo xếp loại của WHO, biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta là VOC.

Trong Báo cáo cập nhật dịch tễ học hàng tuần COVID-19 được công bố vào ngày 31/8 cho biết biến thể Mu "có một loạt các đột biến cho thấy các đặc tính vô hiệu hóa tác dụng của vắc xin”.

Còn Tiến sĩ Awang Bulgiba, Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm chiến lược và Phân tích Dịch tễ học COVID-19 thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia, cho biết vẫn chưa rõ liệu biến thể Mu có mạnh hơn biến thể Delta hay không, nhưng ở Colombia biến thể này dường như hoạt động mạnh hơn các biến thể Alpha và Gamma.

Theo ông, điều đáng quan tâm là khả năng biến thể Mu có thể tránh được kháng thể do vắc xin tạo ra. Do đó, Malaysia nên chuẩn bị để thực hiện quy trình kiểm dịch chặt chẽ đối với những người nhập cảnh.

Tiến sĩ Awang Bulgiba cho rằng Malaysia cần một chiến lược quản lý đại dịch rõ ràng, minh bạch dữ liệu chi tiết hơn, phối hợp cùng với các chuyên gia bên ngoài bộ y tế và đầu tư dài hạn vào công nghệ điều chế vắc xin nội địa. Ông cũng khuyến nghị chính phủ nên nới lỏng từ từ hạn chế nhưng vẫn cần có các phương tiện giám sát.

Trong khi đó, Tiến sĩ Vinod Balasubramaniam, nhà virus học phân tử kiêm giảng viên cao cấp tại Trường Khoa học Y tế và Sức khỏe Jeffrey Cheah thuộc Đại học Monash, cho biết biến thể Mu có chứa một "công thức dẫn đến thảm họa", do vậy Malaysia phải cảnh giác và thắt chặt kiểm soát biên giới, đồng thời giám sát chặt chẽ những diễn biến của biến thể này.

Ông cũng cảnh báo rằng sẽ không lâu nữa Malaysia sẽ chứng kiến sự xuất hiện của biến thể mới này nếu các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt không sớm được thực hiện trong bối cảnh nhiều quốc gia đang mở cửa biên giới trở lại. Ông nhấn mạnh "các trường hợp liên quan đến biến thể Mu ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều liên quan tới du khách nhập cảnh”.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263653/nhom-g20-dat-muc-tieu-dat-duoc-thoa-thuan-vac-xin-toan-cau.html