Nhóm cổ phiếu dệt may bị ảnh hưởng nghiêm trọng do COVID-19
Ngành dệt may có thể mất 30% đơn đặt hàng trong tháng Tư và 50% đơn hàng trong tháng Năm, trong đó dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến lực cầu nghiêm trọng hơn là từ phía cung.
Các công ty đại chúng niêm yết sàn chứng khoán đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý 1 và kế hoạch năm 2020. Tại nhóm ngành dệt may, đa phần các công ty cho hay đã bị sụt giảm cả doanh thu thuần và lợi nhuận ròng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu thị trường giảm mạnh
Trên toàn thị trường, chỉ có hai công ty ghi nhận mức tăng trưởng dương trong quý, là mã GIL tăng 32%/năm cả về doanh thu, lợi nhuận ròng và mã STK tăng 2%/năm doanh thu song chỉ nhích 0,3%/năm với lợi nhuận ròng. Sự tăng trưởng này có được nhờ dòng sản phẩm chính của hai công ty. Cụ thể, GIL sản xuất các sản phẩm dệt may gia dụng (như túi trữ đồ bằng vải, hàng nội địa, túi vải thô, ba lô…), STK sản xuất sợi polyeste và khác với các công ty còn lại trong ngành chủ yếu sản xuất sản phẩm may mặc.
Còn lại, nhiều công ty dệt may đã công bố kế hoạch năm 2020 với mức lợi nhuận giảm, như mã TCM xuống 13%/năm, M10 lùi 20%/năm và VGG sụt giảm đến 80%/năm. Hiện, hầu hết các công ty dệt may vẫn chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên do dịch COVID-19.
Báo cáo từ Vinatex (mã VGT: HoSE) cho biết ngành dệt may có thể mất 30% đơn đặt hàng trong tháng Tư và 50% đơn hàng trong tháng Năm. Ngoài ra, Vinatex cũng cảnh báo một vấn đề khác, đó là sau COVID-19 nguồn cung sẽ có sự phục hồi song bối cảnh nhu cầu thị trường giảm mạnh sẽ khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm tới 20%.
Trong nước, để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm may mặc, nhiều công ty đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhưng do giá trị thị trường của khẩu trang vải khá thấp, hoạt động sản xuất khẩu trang chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động hơn là tạo ra lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh.
Doanh thu toàn ngành giảm 28%/năm?
Mới đây, Liên đoàn Dệt May Quốc Tế (ITMF) đã thực hiện một cuộc khảo sát khoảng 700 công ty dệt may trên toàn cầu (từ ngày 28/3 đến 6/4) cho thấy trung bình các công ty ước tính doanh thu trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 28%/năm.
Theo báo cáo của ngành công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tính đến tháng Tư đạt 10,64 tỷ USD (giảm 6,6%/năm) và kim ngạch nhập khẩu là 6,39 tỷ USD (giảm 8,8%/năm). Trong đó, giá trị xuất khẩu của tháng Tư đã đánh dấu mốc giá trị hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 2/2019 với giá trị xuất khẩu sợi giảm 11,54%/năm khi giá sợi bình quân về xuất khẩu giảm 11% và giá nhập khẩu xuống10%.
Theo đánh giá của các công ty trong ngành, COVID-19 gây ảnh hưởng đến lực cầu nghiêm trọng hơn là từ phía cung. Báo cáo của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho hay sản xuất của nước này đã trở lại 80-90% mức bình thường vào cuối tháng Ba. Hơn nữa, kể từ giữa tháng Ba, các khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu bắt đầu trì hoãn hoặc hủy các đơn đặt hàng trước đó, bao gồm cả các đơn đặt hàng đang trong quá trình sản xuất.
EVFTA chưa thể hiệu quả ngay lập tức
Trước đó, Quốc hội Việt Nam đã lên kế hoạch phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU ( EVFTA) trong tháng Năm và Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong tháng Bảy (2 tháng sau khi phê chuẩn). Tuy nhiên, hiện đa phần các sản phẩm may mặc của Việt nam đang có mức thuế suất ưu đãi là 9% (theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập-GSP) trong khi mức thuế suất cơ bản được EVFTA sử dụng theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) là 12%, vì vậy hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay lập tức.
Và, các sản phẩm dệt may chỉ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2).
Hơn nữa, EVFTA còn yêu cầu các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc châu Âu hay Hàn Quốc (quốc gia có FTA với châu Âu) và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Nhưng trên thực thế, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam đang đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Theo tính toán của các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, nếu chuyển sang sử dụng nguồn vải của Hàn Quốc sẽ không đạt hiệu quả kinh tế ngay cả khi được hưởng mức thuế suất 0% từ EVFTA.
Do đó, ông Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán SSI cho rằng EVFTA không mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành dệt may Việt Nam. Việc các công ty dệt may nội địa có thể tận dụng Hiệp định này phụ thuộc sẽ vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới của Việt Nam.
Trong số các công ty may mặc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước, mã TNG có thị phần xuất khẩu sang châu Âu lớn nhất về doanh thu (chiếm 53%), tiếp theo là GMC (chiếm 40%).
Song, GMC lại phụ thuộc vào vải nhập khẩu từ Trung Quốc, có nghĩa là công ty không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi của EVFTA. Trái lại, TNG có thể có nhiều cơ hội hơn khi công ty sử dụng một lượng vải nội địa nhất định.
“Khả năng đối với TNG cũng như các nhà sản xuất may mặc khác có cụ thể hóa lợi ích của EVFTA hay không vẫn phải phụ thuộc vào công suất sản xuất vải của Việt Nam,” ông Phương nhấn mạnh./.