Nhớ ông Hoắc

Một thời ở Hà thành có một địa chỉ mà nhiều văn nghệ sĩ, báo chí thường hay lui tới. Đó là tư gia của ông Giám thị Trại tạm giam Hà Nội, Nguyễn Hoắc!

1. Lần ấy, kiên nhẫn ngồi hóng sự giảng giải rất hùng hồn của nhà văn Chu Lai ngay tại bàn trà của nhà ông Giám thị Hỏa Lò.

Ông Nguyễn Hoắc (bìa trái) lúc sinh thời.

Ông Nguyễn Hoắc (bìa trái) lúc sinh thời.

“Này, với tính cách trung bình, ăn nói thì chung chung, uống cái thứ nước trung tính là nước khoáng, tóm lại hiền lành như các ông đây, vô hại như chúng mình đây, như tôi đây thì làm sao mà... mắc vào vòng lao lý được!? Phải là những thằng bợm, vâng, những gã thế lày thế nọ. Tóm lại những thứ khác... người thì mới có “tư cách” vào tù (?!). Mà cái đám bặm trợn ấy phải cỡ ông Hoắc đây cao tay mới có thể trị được. Cao nhân tắc cao nhân trị mà lỵ”.

Dứt mạch diễn thuyết ấy, nhà văn Chu Lai vỗ bồm bộp vào lưng ông Hoắc, khuôn mặt đang đỏ khốn đỏ khổ chẳng biết vì tợp mấy hớp bia hay là bị... nịnh! Nhà thơ Trần Đăng Khoa thủng thẳng: “Bác Chu Lai nói phải, được tiếng là hăng và lắm khi cũng hung như bác, nhưng thiên hạ nói người ta không thể làm gì khác ngoài tính cách của mình. Đố bác làm được như bác Hữu Ước đấy”. Tiếng cười rộ lên. Nhà văn Hữu Ước cũng đành toét miệng ra trước cái lối lập luận bùng nhùng rất chi là khó bắt bẻ của Khoa. (Chuyện nhà văn Hữu Ước từng ba năm bị giam oan tại Trại giam Chí Hòa và sau đó được trắng án và lão đã rũ bùn đứng dậy sáng lòa khi ấy ít người biết).

Nhà văn Lê Lựu cười khơ khớ nâng ly bia lên: “Khoa phải, Ước hay. Nào chúc mừng. Và cũng xin khấu đầu trước cụ Uy Viễn tướng công bớt đi của cụ mấy chữ để tặng Hữu Ước! Hay ba vạn tám nghìn cũng mặc. Không mắc vòng lao lý đếch ra người !”.

Tụ tập ở tư gia ông Hoắc có lắm đối tượng! Đám viết mới thì lân la để hỏi chuyện Trại tạm giam Hỏa Lò trước và sau này chuyển vào Cầu Diễn. Có thể ông kia quan tâm đến thân phận mấy tay tội phạm chuẩn bị ra tòa lĩnh án tử hình. Có thể ông nọ chăm chắm với tình hình sinh hoạt của đám phạm nhân nữ trong trại. Của bọn đã lĩnh án tử hình nhưng được Chủ tịch nước ra hồng ân tha tội chết chuyển đi trại khác tu tỉnh hối cải ra sao, sống khác đi như nào để viết phơi-ơ-tông cho các báo, lấy tài liệu để thai nghén cho một cuốn sách, cho một kịch bản phim.

Tôi thấy có cả những lão nghe để biết vậy thôi chả câu thúc phận sự viết lách gì. Họ đến đây cũng chỉ bởi tò mò... Nói tóm lại, ông Hoắc này là một tay “coi kho” đặc biệt bởi ông đang giữ một thứ “hàng đặc biệt”. Đó là hàng ngàn số phận khác nhau với hàng ngàn tội trạng khác nhau... mà cánh báo chí, văn nghệ sĩ đặc biệt nhạy cảm với những thứ đó. Khù khờ đến như tôi mà cũng mấy lần chộp được những dịp may. Ấy là lần ông cho theo Ban Giám thị đi các phòng giam chúc Tết phạm nhân. Lần ông cho vào Hỏa Lò cũ (nay là Tháp Hà Nội) cùng với đoàn làm phim của Mỹ gặp gỡ Trung úy An-va-rết bị bắt ngày 5/8/1964 ở Quảng Ninh và cũng là vị khách lâu nhất của “Hin-tơn Hà Nội” đến tận năm 1973... để rồi về có được những “Hỏa Lò tò mò ký”, “Đoạn chót ở nhà pha Hỏa Lò”...

2. Nhưng cái ông “thủ kho” coi tù ranh ma này đừng tưởng moi ruột của ông ngon lành. Tôi có cảm giác ông chưa hề là cánh hẩu với ai mặc dù khối lần ngồi với nhau nâng lên nâng xuống. Không ít lần ông đã làm khối người những nhà nọ nhà kia thất vọng bởi ông là người ý thức được cái chừng mực bí mật chuyên môn của ngành lẫn sự khôn khéo của nghề nghiệp.

Thượng tá Nguyễn Hoắc (hàng đầu, trái) với đoàn làm phim về phi công Mỹ ở Hỏa Lò (1993). Ảnh: Xuân Ba.

Thượng tá Nguyễn Hoắc (hàng đầu, trái) với đoàn làm phim về phi công Mỹ ở Hỏa Lò (1993). Ảnh: Xuân Ba.

Tôi nhớ cái đêm về sáng đưa Vũ Xuân Trường và đồng bọn đi thi hành án về tội buôn heroin ở Trại tạm giam Hà Nội.

Đêm cô tịch lặng lẽ. Hai giờ sáng cánh phóng viên đang gà gật ở phòng chờ thì ông xuất hiện với bao thuốc lá và ấm trà. Cả đám tỉnh hẳn khi nghe chuyện của ông Hoắc và nhà báo Nguyễn Như Phong chắc mẩm sẽ có những thông tin này khác về đám tử tù. Nhưng hóa ra đại loại như này: “Nghe nói anh từng chết đi mà sống lại phải không anh Hoắc. Thế bức ảnh của anh trên bàn thờ được cất đi như thế nào?”. Ông giám thị cười cười kể lại câu chuyện thời hai anh em ruột ông ra trận. Người em là Nguyễn Hoặc hy sinh. Người ta báo tử nhầm Hoặc thành Hoắc. “Mãi cái đận về phép qua nhà tôi và gia đình mới biết. Thay ảnh thờ chứ không phải cất”.

Một anh khác cười: “Ông giám thị quê ở Nam Hà hình như trẻ con mới sinh đều đẻ ngược và chân phải ra trước đã đạp lia lịa (ý anh chàng nói kháy chỉ động tác đánh dậm. Mà quê vùng chiêm trũng nghề đánh dậm là thông dụng) phải không”. Ông giám thị cũng lại cười: “Anh nhầm. Đặc sản quê tôi không phải chỉ có thế mà còn Chí Phèo nữa chứ. Theo các anh, cứ theo cái mạch của Nam Cao thì Bá Kiến sợ ai nhất? Là cái anh giáo Thứ, cái người có chữ ấy chỉ một lá đơn lên huyện lên phủ là Bá Kiến nguy. Thế đấy, đời đáng ngại nhất là cái anh có chữ”. Đám phóng viên ngơ ngác nhìn nhau. Hay là cái ông giám ngục này có ý gì với bọn mình ấy nhỉ?

3. Có cái lạ là mỗi lần tụ tập hễ cứ bàn đến thơ là ông có vẻ như hăng nhất trong đám. Ông cười hê hê rồi bất ngờ bung ra một câu nửa chữ nghĩa nửa đường chợ: “Tớ không biết đẻ ra quả trứng nào nhưng cũng biết xơi món trứng ốp-lếp trứng luộc trứng rán và cả trứng lộn nữa. Hồi tớ sang Liên Xô tu nghiệp, anh bạn cùng phòng quê ở Nam Định vợ là giáo viên cấp III viết thư cho chồng bằng thơ như thế này có thần tình không chứ lị: “Con chúng mình nhiều đêm biếng ngủ/ Nó khóc làm em cũng sụt sùi / Anh nhớ gửi về manh áo cũ/ Ủ con cho mẹ ấm nhờ hơi”. Các ông mới nghe thấy xoàng hả? Nào thử chẻ ra cái coi! Có câu nào, chữ nào “nhớ anh” “nhớ chồng” không? Tuyệt nhiên không. Chỉ là việc con khóc. Nhưng có quần cũ áo rách đâu để mà gửi về để người vợ ủ cho con? Mà chắc chi đã ủ cho con, tình cảm chồng vợ giữ cái áo cũ để lấy hơi là thiêng liêng lắm. Nhớ chồng đêm lạnh có cái áo cũ cũng bớt trống trải. Vùng tôi í mà, vợ nhớ chồng bỏ áo cũ vào nồi rang để chồng nóng ruột mau mà về. Vậy ở đây cô giáo đích thị là nhớ chồng, nhớ thương lắm lắm rồi còn gì nữa”.

Ông giám thị này giữa bạn bè bất chợt như hóa thành một người khác ở những buổi tụ tập rảnh rỗi ngẫu hứng như thế...

Hồi đi tu nghiệp ở Liên Xô về ông đem theo bức ảnh phóng to mà ông tự chụp ở trước cửa Bảo tàng E-mi-ta-giơ (hồi đó là Lê-nin-grat) bức tượng sinh thực khí. Bây giờ là việc thường nhưng hồi đó ở sân bay Nội Bài người ta giữ lại. Ông đỏ mặt cự cãi rằng đây không phải là văn hóa phẩm đồi trụy mà là nghệ thuật. Một cán bộ đi cùng đoàn đã xác nhận điều đó ông mới thoát.

Bữa ấy ngồi với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Hóa ông Hoắc trước đây cùng một “xê” đặc công với Nguyễn Đức Mậu chiến đấu ở chiến trường Lào. Ông Mậu một bữa nhậu có phàn nàn tác phẩm bây giờ viết cứng quèo quèo bởi thiếu người đa cảm. Khéo cái tay giám thị Hỏa Lò mà còn đa cảm hơn đám văn nghệ sĩ. Tôi nhớ tới một bữa tụ tập nhân 22/12 chi đó. Chỉ có mấy ly bia mà ông Hoắc nước mắt nước mũi giàn giụa sụt sịt khi nhắc lại với ông Mậu “xê” đặc công ngày ấy qua mấy trận mà chết vãn cả người.

Người ta nói đa cảm như con dao hai lưỡi, chả biết được, mất hay dở nào nhưng ông Hoắc không phải là người đa cảm... suông! Tướng Nguyễn Chuông nguyên Trung đoàn trưởng của ông những ngày trận mạc xa lắc ấy mấy lần đã xạc Nguyễn Hoắc tới số vì những chuyện không đâu cũng một phần tính thủ trưởng Nguyễn Chuông nóng. Khi ông tướng về hưu, hoàn cảnh cũng gieo neo lắm. Một bận tới thăm, ông Hoắc vận động mấy người bạn góp nhau tặng thủ trưởng cũ mấy xe gạch để ông làm tạm cái nhà.

Lại có chuyện một chiến sĩ quân ông Hoắc không may bị cảm, mất đột ngột. Hoàn cảnh của anh chiến sĩ này cũng gay go: anh vừa mới đưa vợ và hai đứa con nhỏ trong quê Thanh Hóa ra xin với ông Hoắc để vợ giữ một chân bán căng-tin cho trại. Tới khi anh mất, người ta mới phát hiện anh chàng này sinh con thứ ba nhưng vẫn giấu để trong quê. Tình thế này ba mẹ con chỉ biết gạt nước mắt từ biệt đơn vị của chồng kéo nhau về quê chứ còn biết làm gì nữa. Nhưng ông Hoắc và Ban chỉ huy đã đồng thanh xin thành phố lo khẩu cho cả ba mẹ con và tất nhiên vẫn bố trí cho chị vợ chân phục vụ trong trại.

Vuột ra những chuyện đại loại thế, thi sĩ Nguyễn Đức Mậu thở dài rằng, những “tuýp” đa cảm như lão Hoắc đây là người số khổ. Có phải thế chăng mà đời sống riêng của ông không suôn sẻ mấy? Tôi thoáng nghĩ đến thói quen ít ghé nhà. Thường hết buổi việc là ông Hoắc ở lì ở trại.

Cái nghề coi tù thời nào cũng thế, buồn tẻ và cả phần ảm đạm nữa. Thượng tá, Giám thị Nguyễn Hoắc hình như với tính đa cảm cố hữu biết cải thiện tình hình, cân bằng mình bằng những cuộc giao du với đám văn nghệ báo chí?

Sau này được biết, khi về hưu ông cũng cố cân bằng mình bằng một cuộc tình ở tuổi lục tuần. Rồi cả hai đã rời Hà Nội vào Đà Nẵng nghe đâu cũng là một nơi đáng sống! Nhưng chả được bao lâu. Cái chết đã lẻn rình mà mang ông đi mãi mãi.

Hà thành vẫn xôm tụ cùng giăng mắc bao loại giao du. Nhưng tôi vẫn thấy chông chênh, thiêu thiếu chất cười cố hữu hết mình cùng những cuộc tâm giao với Thượng tá Hoắc, ông giám thị với cái tính đa cảm không hạp lắm với nghề!

Xuân Ba

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nho-ong-hoac-i758637/